Tây Ban Nha: Ban bố tình trạng khẩn cấp về hạn hán
Từ ngày 2.2, thành phố Barcelona và 201 đô thị xung quanh sẽ phải thực hiện tiết kiệm nước, theo đó cấm đổ đầy bể bơi tư nhân và rửa xe trừ khi sử dụng nước tái chế, trong khi công viên công cộng chỉ được tưới bằng nước ngầm.
Đối mặt với tình trạng hồ dự trữ tại vùng này đã giảm xuống dưới 16% công suất, chính quyền vùng Catalan - miền bắc Đông Bắc Tây Ban Nha đã chính thức ban bố tình trạng khẩn cấp, mở rộng hạn chế về nước đối với Barcelona và các khu vực xung quanh. Khi công bố các biện pháp hạn chế này, Thống đốc vùng Catalan Pere Aragonès cho biết, ở một số khu vực lượng mưa đã giảm đáng kể trong 3 năm, và nhấn mạnh đây là đợt hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại.
Các biện pháp sẽ được áp dụng ở khu vực phía Bắc, bao gồm giảm 20% lượng tưới tiêu nông nghiệp và lệnh cấm tưới nước cho các công viên công cộng sẽ được mở rộng tới Barcelona. Các bể bơi công cộng và tư nhân sẽ đóng cửa, ngoại trừ những bể bơi ở các trung tâm thể thao. Công viên nước và sân trượt băng cũng sẽ đóng cửa và việc rửa xe sẽ bị hạn chế sử dụng cho mục đích thương mại.
Các hạn chế này sẽ vẫn có hiệu lực trong ít nhất 15 tháng tới. Với tình trạng khẩn cấp về hạn hán được ban bố, lượng nước mỗi ngày 1 người dân nơi đây được sử dụng giảm còn 200 lít. Hoạt động nông nghiệp và công nghiệp sẽ phải đối mặt với những cắt giảm lớn hơn, cụ thể giảm 80% nước tưới tiêu cho cây trồng và 25% cho ngành công nghiệp.
Tình hình ở Barcelona sẽ tồi tệ hơn nhiều nếu nơi đây không có nhà máy khử muối lớn nhất châu Âu, nơi cung cấp 33% lượng nước uống cho thành phố, trong đó hơn 25% đến từ nước thải tái chế. Tuy nhiên, chi phí sản xuất một lít nước khử muối thông qua thẩm thấu ngược đắt gấp ba lần so với việc lấy nước từ sông và hồ chứa, nhà máy này cũng tiêu thụ rất nhiều năng lượng.
Các đợt nắng ở Tây Ban Nha và châu Âu vào mùa Hè năm ngoái đã làm trầm trọng thêm hạn hán, khiến mực nước hồ chứa giảm do bốc hơi nước và lượng tiêu thụ tăng. Thời tiết nóng bất thường vẫn tiếp tục vào đầu năm 2024, với nhiệt độ tăng lên gần 30 độ C ở một số vùng vào tháng 1, mức nhiệt độ thường thấy vào tháng 6.
Các chuyên gia cho biết, biến đổi khí hậu do hoạt động của con người đang thúc đẩy cường độ và tần suất của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như nắng nóng, hạn hán và cháy rừng.