Tây Ban Nha cam kết viện trợ thêm 20 triệu liều vaccine cho các nước nghèo
Ngày 31/10, Tây Ban Nha đã cam kết viện trợ thêm 20 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho các nước nghèo, nâng tổng số vaccine mà nước này sẽ viện trợ cho các nước đang phát triển lên 50 triệu liều.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Rome sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nói: "Điều tốt nhất chúng tôi có thể làm là đảm bảo sự tiếp cận rộng khắp và bình đẳng vaccine ngừa COVID-19. Chúng tôi đã cam kết tăng đáng kể nguồn cung cũng như sự tiếp cận và sử dụng vaccine cho các nước đang phát triển".
Thủ tướng Sanchez nêu rõ Chính phủ Tây Ban Nha sẽ thực hiện cam kết viện trợ 30 triệu liều vaccine vào cuối năm nay và sẽ viện trợ thêm 20 triệu liều trong 3 tháng đầu năm tới.
Theo số liệu của Bộ Y tế Tây Ban Nha, kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nước này ghi nhận tổng cộng 5.011.148 ca mắc, trong đó có 87.368 ca tử vong.
Sáng cùng ngày, Ai Cập đã tiếp nhận lô vaccine đầu tiên của hãng Moderna theo cơ chế COVAX.
Trong một tuyên bố, quyền Bộ trưởng Y tế và Dân số Ai Cập Khaled Abdel-Ghaffar cho biết tổng cộng 784.280 liều vaccine của Moderna đã tới sân bay quốc tế Cairo.
Theo ông Abdel-Ghaffar, Ai Cập đến nay đã thành công trong việc cung cấp mọi loại vaccine ngừa COVID-19. Vaccine của hãng Moderna đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cơ quan Dược phẩm Ai Cập cấp phép sử dụng khẩn cấp.
Trong khi đó, hãng dược Moderna ngày 31/10 cho biết Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã hoãn phê duyệt sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng này cho nhóm thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi để có thêm thời gian đánh giá chi tiết hơn nguy cơ mắc viêm cơ tim sau khi tiêm chủng.
Trong một tuyên bố, Moderna cho biết FDA đã thông báo với hãng rằng cơ quan này cần có thêm thời gian để đánh giá những phân tích quốc tế gần đây về nguy cơ mắc viêm cơ tim ở lứa tuổi thanh thiếu niên sau khi tiêm chủng. Việc đánh giá này có thể kéo dài cho đến tháng 1/2022.
Hiện tượng viêm cơ tim trước đây đã được xác định liên quan tới việc tiêm vaccine của hãng Pfizer và hãng Moderna, đặc biệt ở các đối tượng thiếu niên và thanh niên nam giới. Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố hồi tháng 8 vừa qua, nguy cơ xảy ra hiện tượng này cao hơn nhiều sau khi mắc COVID-19.
Hãng Moderna cho biết CDC ghi nhận hiện tượng viêm cơ tim sau khi tiêm các loại vaccine được bào chế dựa trên công nghệ tiên tiến mRNA là hiếm gặp và thường ở thể nhẹ.