Tây Nguyên chậm giải ngân vốn đầu tư công: Bất cập từ khâu khảo sát lập dự án

Công tác giải ngân vốn đầu tư công tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai đang chậm tiến độ. Hàng loạt dự án đã phê duyệt nhưng chưa thể triển khai, trong khi nhiều dự án đang thi công thì gặp vướng mắc phải tạm dừng.

Huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông năm 2022 được phân bổ vốn ngân sách trung ương và địa phương gần 300 tỷ đồng để triển khai các dự án đầu tư công. Tuy nhiên, hơn 3/4 số vốn, tức 232 tỷ đồng được phê duyệt tại 4 dự án giao thông trên địa bàn chưa thể triển khai vì vướng quy hoạch khoáng sản. Cả 4 dự án này đang được đề xuất dừng thực hiện. Điều khó hiểu là quá trình khảo sát đã xác định các dự án này nằm trong vùng đang được quy hoạch, nhưng Đăk Song vẫn đề xuất để cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án.

“Tại vì đó mới là quy hoạch của Bộ Công Thương nhưng chưa được Chính phủ phê duyệt nên mình cứ làm. Còn khi làm bước thiết kế và triển khai thi công thì sẽ làm văn bản lấy ý kiến. Mình dừng từ đầu tháng 4 tới giờ. Bây giờ huyện cũng không biết là đầu tư hay không đầu tư được”, ông Trần Văn Quảng, Giám đốc Ban quản lý dự án huyện Đắk Song thừa nhận.

Tiến độ thi công dự án ì ạch xuất phát từ những yếu kém, bất cập trong công tác khảo sát, lập dự án đã diễn ra tại nhiều dự án trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Tiến độ thi công dự án ì ạch xuất phát từ những yếu kém, bất cập trong công tác khảo sát, lập dự án đã diễn ra tại nhiều dự án trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Giải ngân chậm, tiến độ dự án ì ạch xuất phát từ những yếu kém, bất cập trong công tác khảo sát, lập dự án cũng đã diễn ra tại nhiều dự án trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Đến hết tháng 6, giải ngân vốn toàn tỉnh mới đạt khoảng 20% trong tổng số hơn 4.300 tỷ đồng. Quá trình lập dự án không tính toán kỹ dẫn đến tình trạng nhiều dự án giao thông, thủy lợi trọng điểm với số vốn hàng nghìn tỷ đồng nhưng thiếu vật liệu đất đắp. Các cấp ngành của tỉnh nháo nhào chạy theo tháo gỡ nhưng cũng khó đáp ứng được tiến độ. Trong khi đó, hàng loạt dự án khác bị chậm tiến độ, giải ngân không đạt do không tính toán sai chi phí giải phóng mặt bằng, khi triển khai phát sinh và phải xin điều chỉnh dự án. Những yếu kém, bất cập trong giải ngân vốn đầu tư công đã được Kỳ họp HĐND tỉnh Đắk Lắk trung tuần tháng 7 đưa ra phân tích và yêu cầu chấn chỉnh.

“Hội đồng Nhân dân tỉnh cũng đã giám sát và cũng đề nghị UBND tỉnh là trong khi phê duyệt các dự án thì các cơ quan tham mưu phải rà soát cho kỹ. Tránh trường hợp HĐND đã quyết định chủ trương đầu tư, khi có Nghị quyết rồi lại vướng, lại phải điều chỉnh dự án. Như thế rất mất thời gian, rất chậm trễ”, ông Trần Phú Hùng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk cho biết.

Hàng loạt dự án khác bị chậm tiến độ, giải ngân không đạt do không tính toán sai chi phí giải phóng mặt bằng.

Hàng loạt dự án khác bị chậm tiến độ, giải ngân không đạt do không tính toán sai chi phí giải phóng mặt bằng.

Tại tỉnh Gia Lai, tính đến trung tuần tháng 7, giải ngân vốn đầu tư mới chỉ đạt 24% trong tổng số hơn 3.600 tỷ đồng được phân bổ. Ông Nguyễn Hữu Quế, Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Gia Lai khẳng định, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm giải ngân vốn đầu tư công là sự yếu kém, thiếu quyết liệt của các chủ đầu tư. Tỉnh đã thành lập 4 tổ công tác để giám sát, thúc đẩy công tác đầu tư xây dựng cơ bản.

“Giải ngân vốn đầu tư công phụ thuộc chủ yếu là yếu tố chủ quan của các chủ đầu tư và các ban quản lý dự án. Chúng tôi cũng đã tham mưu UBND tỉnh thành lập đoàn công tác đi kiểm tra tiến độ các công trình để có giải pháp chỉ đạo kịp thời. Những công trình nào có vấn đề về kỹ thuật, nhân lực nhà thầu thì tổ công tác sẽ kiểm tra, xem xét trực tiếp, có ý kiến chỉ đạo để chủ đầu tư kịp thời giải quyết”, ông Nguyễn Hữu Quế cho hay.

Hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại các tỉnh Tây Nguyên là một thách thức rất lớn

Hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại các tỉnh Tây Nguyên là một thách thức rất lớn

Ở khía cạnh khác, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công còn có nguyên nhân chậm phê duyệt quy hoạch sử dụng đất của các địa phương. Đến nay, vẫn chưa tỉnh nào ở Tây Nguyên hoàn thành công tác quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030. Ông Phạm Văn Hạ, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, nhiều dự án, công trình trên địa bàn tỉnh đang bị vướng vì quy hoạch sử dụng đất.

“Quy hoạch sử dụng đất của giai đoạn trước, đến năm 2020 đã hết hạn. Bây giờ phải đợi quy hoạch sử dụng đất 2021-2030, mà năm nay 2022 rồi vẫn chưa có quy hoạch đấy. Quy hoạch này của cả tỉnh chậm, vướng chỗ đó nên tất cả những gì liên quan đến giải phóng mặt bằng, thu hồi đất mà không nằm trong quy hoạch của giai đoạn 2021-2030 là gần như không làm được. Tất cả các công trình trên địa bàn tỉnh đều bị như vậy”, ông Phạm Văn Hạ thông tin.

Với tiến độ chậm trễ và quá trình triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ bản có nhiều bất cập, yếu kém như hiện nay, để hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại các tỉnh Tây Nguyên là một thách thức rất lớn, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương phải vào cuộc một cách quyết liệt, xử lý rốt ráo những vướng mắc./.

Công Bắc-Nguyễn Thảo/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/tay-nguyen-cham-giai-ngan-von-dau-tu-cong-bat-cap-tu-khau-khao-sat-lap-du-an-post958534.vov