Tây Nguyên – đường tới mùa xuân
Tây Nguyên với những tên đất, tên người đã gắn với lịch sử của cả dân tộc như đồi Chư Pao, làng STơr, chiến thắng Đắk Pơ, Plei Me, Đắk Tô - Tân Cảnh và tên tuổi những người anh hùng đã đi vào lịch sử đánh giặc giữ nước như anh hùng Núp, Nơ Trang Long, Bok Mêt, Kơ Pa Kơ Lơng, A Sanh… Từ một vùng đất bom cày, đạn xới, Tây Nguyên hôm nay đang từng ngày trỗi dậy…
Vóc dáng Tây Nguyên…
Hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng nhằm xây dựng, phát triển địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Đến nay, nền kinh tế nhiều thành phần đang hình thành và phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. Cơ sở hạ tầng có hướng phát triển mới: 98% số xã có điện lưới quốc gia; 100% số xã có trường tiểu học; gần 93% số xã có điểm bưu điện văn hóa; 100% số xã có trạm y tế; 100 % có đường ô tô đến trung tâm xã. Tây Nguyên đã xóa được hàng chục ngàn hộ đói nghèo.
Ðến nay Tây nguyên đã hình thành được một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, thâm canh cây công nghiệp như: Cà phê khoảng 471.000 héc-ta; chè 28.000 héc-ta; điều 90.000 héc-ta; hồ tiêu 15.700 héc-ta. Chăn nuôi tiếp tục phát triển với khoảng 600.000 con bò, trên 70.000 con trâu…
Sản xuất công nghiệp ở Tây Nguyên cũng có những bước chuyển mình, đáng kể là sự phát triển của hệ thống nhà máy chế biến nguyên liệu như: Hạt điều, tinh bột sắn, cà phê, cao su, gỗ ván… Đặc biệt, Tây Nguyên trở thành một trong hai trung tâm sản xuất thủy điện lớn nhất cả nước. Hiện nay, trên các hệ thống sông chính của Tây Nguyên đã và đang xây dựng các nhà máy thủy điện lớn như: Ya Ly, Plei Krông, AYun Hạ, Sê San, Buôn Kuốp, Ry Ninh… với tổng công suất lên đến 5.000 MW. Song song với đó là tài nguyên về rừng với tổng diện tích tự nhiên trên 3.868.400 héc-ta, trữ lượng gỗ rừng khoảng 411.301.000 m3…
viết tiếp bản hùng ca
Những ngày cuối năm Kỷ Hợi, tôi gặp A Thút, người dân tộc Xơ Đăng ở xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, ông cười tươi rồi cầm chặt lấy tay tôi: “Vui nhiều rồi. Cà phê được mùa, ruộng no nước cho cái lúa nhiều bông”. Theo A Thút, người dân tộc Xơ Đăng ở vùng quê này xưa kia nghèo đói lắm. Người dân phải vào rừng đào củ, lấy rau kiếm sống qua ngày. Bây giờ no cái bụng, lũ trẻ có trường học khang trang, có trạm y tế, nhà tái định cư xây tươi rói lại càng nhớ đến công lao của Đảng bộ, chính quyền huyện, tỉnh đã lo cho dân từng miếng cơm, tấm áo. Vài năm trước, A Thút còn được dẫn cả đội cồng chiêng của làng Đắk Vớt quê ông sang tận nước Mỹ biểu diễn nữa. “Đúng như là một giấc mơ” - ông nói: “Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã lo cho dân, bà con dân làng vui cái bụng lắm cán bộ à”.
Đầu năm nay, chúng tôi đến thăm cụ Kso Ní, 94 tuổi, người dân tộc Jơ Rai, nguyên đại biểu Quốc hội khóa I, nguyên Chủ tịch tỉnh Gia Lai, một trong những cán bộ lão thành của tỉnh Gia Lai thời chống Pháp. Chuyện tâm đắc nhất với cụ vẫn là những năm tháng hào hùng đánh giặc, giữ làng. Rồi bàn chuyện hôm nay, chuyện điện đã về tận các buôn làng biên giới Kon Cho Ro, Chưh Pả, Ia Grai, Krông Pa, đường sá giao thông đi lại thuận lợi, người dân có nhiều xe máy và cả ô tô… Cụ rất xúc động khi nhắc lại lời cố bác sĩ Y Ngông Niek KĐăm đã từng thay mặt đồng bào Tây Nguyên nói lên ý chí sắt đá: “Có sức mạnh nào cản nổi núi rừng Tây Nguyên không đi theo cách mạng? Không, không có sức mạnh nào cản nổi đồng bào Tây Nguyên đi theo cách mạng. Núi rừng Tây Nguyên luôn thương nhớ và mãi mãi đi theo Bác Hồ…”.
Những ngày tiết trời vào xuân Canh Tý, chúng tôi đã gặp rất nhiều đại biểu tiêu biểu, đại diện cho khắp các thôn, làng về dự Đại hội các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ III. Từ vị tướng của dân tộc Jẻ Triêng Đinh Hồng Đe đã ngoài bảy mươi tuổi đến bà Y Hếp, thôn Đắk Tang, xã Đắk Xú, huyện Ngọc Hồi; ông A Khuất, làng Đắk Mút, xã Đắk Ma, huyện Đắk Hà; bà Y Liên, thôn Mô Tả, xã Đắk Hà, huyện Tu Mơ Rông... đều có chung cảm nhận rằng, nông thôn Kon Tum đã đổi thay nhanh quá, cuộc sống mới đã lan tỏa đến từng nhà. Cho dù ở tít tắp vùng sâu, người dân đã không còn chỉ lo cho “cái bụng” mà còn hướng đến của ăn, của để, mặc đẹp, ăn ngon. Mừng vui hơn cả là trên mỗi thôn, làng, từ Đắk Glei, Ngọc Hồi, Đắk Tô, Tu Mơ Rông, Sa Thầy, Kon Plông, Đắk Hà, Kon Rẫy... đã thấy một thế trận lòng dân - quốc phòng, an ninh bền vững...
Đến Tây Nguyên hôm nay, ta nghe âm hưởng từ cuộc sống dội về như nặng sâu tình Dân, nghĩa Đảng. Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên chất phác và thuần hậu. Nhưng bên trong vẻ thuần hậu, chất phác ấy là sự thông tuệ, bản lĩnh được chưng cất, kết tinh từ truyền thống văn hóa ngàn xưa, để đến hôm nay, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên lại xiết chặt tay, viết tiếp bản đại hợp xướng hào hùng về chủ đề cách mạng, về tấm lòng trung trinh, son sắt với Đảng, với quê hương kiên cường và anh dũng...
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tay-nguyen-duong-toi-mua-xuan-131617.html