Tây Nguyên phải 'thức giấc' với giá trị mới
Ngày 18-12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp Hội đồng Thẩm định Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch).
Đơn vị tư vấn độc lập xây dựng Quy hoạch lựa chọn kịch bản tốc độ tăng trưởng vùng Tây Nguyên giai đoạn 2021-2030 trung bình là 7,5%/năm, thu nhập bình quân đầu người khoảng 130 triệu đồng/năm.
Theo đó, Tây Nguyên phát triển dựa trên kinh tế xanh; bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc; điểm đến du lịch đặc sắc; nông nghiệp hiệu quả cao, công nghệ cao, hữu cơ với một số sản phẩm có thương hiệu quốc tế gắn với trung tâm chế biến; ưu tiên phát triển bền vững công nghiệp khai thác, chế biến bauxite, cơ khí phục vụ nông nghiệp, thủy điện, năng lượng tái tạo. Không gian phát triển của vùng được phân thành 3 tiểu vùng: Bắc Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai) với thế mạnh thủy điện, năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái, chuyên canh dược liệu; Trung Tây Nguyên (Đắk Lắk) tập trung cho công nghiệp chế biến nông lâm sản, năng lượng tái tạo, thương mại - dịch vụ - logistics; Nam Tây Nguyên (Đắk Nông, Lâm Đồng) có lợi thế về du lịch sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, khai thác và chế biến bauxite.
Hệ thống đô thị của vùng Tây Nguyên dự kiến hình thành theo mô hình đa cực, với 3 hạt nhân là TP Pleiku (Gia Lai), TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), TP Đà Lạt (Lâm Đồng)...
Phát biểu tại phiên họp, PGS-TS Trần Trọng Hanh cho rằng Quy hoạch phải xác định được động lực tăng trưởng mới nhằm thoát khỏi tình trạng của một vùng trũng; bảo tồn giá trị bản sắc, nâng cao chất lượng đời sống người dân; bảo vệ môi trường, nhất là nguồn sinh thủy, tài nguyên thiên nhiên hoang sơ hùng vĩ; hệ thống đô thị, khu dân cư nông thôn cần có điểm nhấn, nổi trội, giảm chênh lệch giữa các tiểu vùng, hệ sinh thái. PGS-TS Bùi Tất Thắng đề nghị Tây Nguyên phải có đột phá về kết nối liên vùng, trực tiếp là vùng Đông Nam Bộ và tiểu vùng duyên hải miền Trung…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ Quy hoạch phải chỉ rõ giải pháp mang tính đột phá, kết hợp tiềm năng, lợi thế với xu thế thời đại để Tây Nguyên "thức giấc" với giá trị mới, theo kịp những vùng khác. Đồng thời gìn giữ, bảo tồn những tài sản vô giá, trường tồn. Quy hoạch vùng Tây Nguyên cần tiếp cận bài bản, tổng thể, toàn diện và hiểu biết sâu sắc những giá trị độc đáo của Tây Nguyên. Quy hoạch cần ưu tiên khoanh định những giá trị độc đáo của Tây Nguyên (khí hậu, thiên nhiên, đa dạng sinh học, địa chất…) để bảo tồn, giữ gìn và hình thành những giá trị tài nguyên vô giá, trở thành nguồn lực phát triển độc đáo, nâng cao đời sống người dân nhưng không phát triển nóng...
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tay-nguyen-phai-thuc-giac-voi-gia-tri-moi-196231218213228572.htm