Tây Nguyên và nước

Muốn xây dựng Tây Nguyên giàu và đẹp, việc đầu tiên phải giải quyết khâu nước. Có nước là có tất cả. Ở Tây Nguyên, từ thuở xa xưa, trong tất cả các lễ tục của mỗi buôn làng thì lễ cúng bến nước là quan trọng bậc nhất. Đi tìm nơi cư trú cho cộng đồng, ấy là đi tìm nguồn nước.

Nước với Tây Nguyên là nguồn sống của cây rừng. Cư dân Tây Nguyên mỗi lần buộc phải di dời chỗ canh tác, chỗ ở, điều đầu tiên họ phải đi tìm nguồn ngước. Việc cúng tế đầu tiên là cúng bến nước. Vậy nên, mở đầu lời khấn các Yàng của người Bahnar thường là: Ơ Yàng Kông, Yàng Đak, Yàng Nak, Yàng A, đầy xoong đầy xa... (nghĩa là: Ơ thần Núi, thần Nước, thần của các thần, các vị có cho có ăn...). Với người Jrai, mỗi vùng cư trú thường có những nhà thần học của cộng đồng giỏi việc phán đoán nắng mưa được dân làng tôn vinh là Pơtao Ia, Pơtao Puh, một số nhà dân tộc học dịch là Vua Nước, Vua Lửa. Chữ “Vua” ở đây là để chỉ một thế lực, một quyền năng (thần quyền).

Với quy trình khắc nghiệt cứ 6 tháng mùa khô lại đến 6 tháng mùa mưa, cảnh no dồn đói góp ngàn đời trông cậy vào Yàng xoong (Trời cho). Muốn cải tạo tình trạng này không có con đường nào khác là phải tạo ra các công trình thủy nông nhằm phân bố lại nước cho những vùng đất đai vốn đã rất cao độ phì nhưng vì thiếu nước mà câu chuyện cây con chưa bao giờ ổn định. Ayun Hạ là công trình thủy lợi lớn nhất Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung được đánh giá đạt hiệu quả kinh tế cao.

Đọc trường ca “Bazan khát” của nhà thơ Thu Bồn, tôi cứ bị ám ảnh mãi mấy câu: “Nước có bao giờ lặng yên/cỏ một vùng hiu hắt/thảo nguyên/gió lăn bánh/bụi mù/taman lửa...”. Taman lửa, ấy là đồng cỏ cháy, ấy là đất bazan khát và đó là bức tranh của Tây Nguyên thời “kinh tế mới”. Mấy chục năm qua, bazan vẫn khát, nhưng có thể nói, cái khát bây giờ không còn khát như ngày nào, bởi nước có bao giờ lặng yên và cả chúng ta nữa, chúng ta cũng có bao giờ lặng yên.

Giọt nước làng Ia Nueng (xã Biển Hồ, TP. Pleiku). Ảnh: Trần Dung

Giọt nước làng Ia Nueng (xã Biển Hồ, TP. Pleiku). Ảnh: Trần Dung

Vấn đề nước với Tây Nguyên và Tây Nguyên với nước thực ra đã là vấn đề thiết yếu và cấp bách được đặt ra với tầm quan trọng hàng đầu trong các chương trình xây dựng lại Tây Nguyên giàu và đẹp ngay từ những năm đất nước thống nhất. Có thể nói, thủy lợi Ayun Hạ là công trình lớn nhất và được Trung ương quan tâm sớm nhất, nhưng vì có cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam nên phải ngưng lại cho mãi tới ngày 17-3-1990, vượt qua không biết bao nhiêu khó khăn vất vả, công trình mới chính thức được khởi công và kết thúc vào ngày 31-12-2001.

Tôi phục nhà thơ Thu Bồn vì ông là người đầu tiên kêu lên tiếng kêu “Bazan khát” với một tình cảm rứt ruột chân thành. Cái khát này là cái khát không chỉ khát nước, tất nhiên. Nhưng ông đã nhìn thấy rằng, muốn xây dựng Tây Nguyên giàu và đẹp, việc đầu tiên phải giải quyết khâu nước. Có nước là có tất cả. Ở Tây Nguyên, từ thuở xa xưa, trong tất cả các lễ tục của mỗi buôn làng thì lễ cúng bến nước là quan trọng bậc nhất. Đi tìm nơi cư trú cho cộng đồng, ấy là đi tìm nguồn nước. Đó là một công việc gian nan và phức tạp. Nó dễ gây nên những tranh chấp, thậm chí gây nên những cuộc chiến tranh bộ tộc thương tâm.

Trước khi xây dựng công trình thủy lợi Ayun Hạ, theo tôi được biết, thời điểm di dân lòng hồ là thời điểm nhạy cảm nhất. Không thể nói hết được tình cảm của những người trực tiếp chứng kiến cảnh bà con phải di dời khỏi nơi cư trú ngàn đời. Cùng một thời điểm 18 làng với 1.040 hộ/5.000 khẩu phải dời nơi chôn nhau cắt rốn của mình để đến nơi ở mới, không buồn không lưu luyến sao được? Nhiều lần phát khóc khi phải chứng kiến cảnh bà con cúng Yàng, xin Yàng xá lỗi cho việc di dời và nhìn những ngọn lửa đốt lên phừng phừng trong ánh mắt xót xa nhớ tiếc của bà con. Hơn 800 ha đất canh tác cùng với đất thổ canh, thổ cư, tổng cộng là 3.700 ha ngập trong lòng hồ. Đó là các con số. Nhưng cái không cân đong đo đếm được, ấy là ngàn năm phong tục tập quán, đời nọ đời kia nối tiếp nhau sinh tồn trên vùng đất này. Nay phải hy sinh, phải ra đi, vẫn biết là rồi sẽ khá hơn, nhưng liệu có ai nói rằng tôi thích di dời? Không ai muốn, nhưng khi đến lượt mình thì biết làm sao? Vậy thôi. Hiểu bà con và bà con hiểu mình phải làm gì…

Có thể nói, thung lũng Ayun Pa là một trong những cái nôi văn hóa lớn nhất của dân tộc Jrai. Tôi được nghe nhiều bài hát kể, kể rằng nơi đây thuở xa xưa là vùng đầm lầy. Chung quanh vùng đầm lầy này là những cánh rừng đại ngàn với đủ mặt các loài muông thú từ voi, hươu, nai, hổ, báo, đến công, trĩ, bò tót, tê giác... Cảnh sinh hoạt sầm uất của các buôn làng cùng với những luật tục vô cùng khắc nghiệt, nhất là luật tục với làng với rừng. Họ chỉ dời làng khi làng bị lửa ăn do cháy rừng, do dịch bệnh và do những cơn lũ lụt bất ngờ ập xuống. Tóm lại là do thần linh, do trời không ưng cho ở thì mới phải đi.

Còn nhớ có lần tôi theo chân ThS. Trần Tố Nghị đi thị sát vùng hồ Ayun Hạ, rồi đi thăm mấy ngôi làng ven hồ. Cuộc sống của bà con còn rất khó khăn. Ngoài việc làm thủy lợi tưới nước cho ruộng, hồ Ayun Hạ lẽ ra phải là nguồn lợi lớn cho nhân dân địa phương được khai thác hoặc có tổ chức chặt chẽ cho dân hành nghề chài lưới, thu gom thủy sản hoặc bằng những biện pháp gì đó vừa có nguồn thu cho Nhà nước, vừa giúp được nhân dân bản địa có việc làm. Đằng này, thợ đánh cá toàn ở ngoại tỉnh đến. “Ông chủ” trở thành kẻ đối mặt với nhân dân.

Lại nghĩ, không thể cùng một lúc đòi hỏi giải quyết ổn thỏa mọi vấn đề, nhưng việc khai thác tài nguyên thì trước hết phải theo luật. Công trình Ayun Hạ là một dự án khai thác đa mục tiêu. Theo tôi, cách khai thác mặt hồ cũng phải tuân theo luật, không nên cảm tính. Bắt đầu thì khó lắm, nhưng lâu dài cứ theo luật bên tình bên nghĩa phân minh. Phải tập làm theo luật chúng ta sẽ đi vào ổn định và phát triển lâu bền.

Ngoài công trình Ayun Hạ còn các công trình thủy lợi khác như: Đak Cấm, Ia Bang Thượng, Đak Loh, Đak Yên (tỉnh Kon Tum). Tỉnh Gia Lai có công trình: Ia Mơr, Ia Mlah, Ia Ring... Theo tôi được biết, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và PTNT và xác định Gia Lai là một tỉnh nông nghiệp. Muốn phát triển được cần phải đầu tư xứng đáng cho công tác thủy lợi mà trọng điểm là công trình thủy lợi Ia Mlah (huyện Krông Pa). Công trình này tưới cho 5.500 ha và đây cũng là công trình đa mục tiêu, tưới cho vùng lúa 1.500-2.000 ha; bông, điều, thuốc lá cũng là những cây công nghiệp rất thích hợp với vùng đất này. Thêm nữa, ở huyện Chư Prông có công trình thủy lợi Ia Mơr tưới cho hàng ngàn héc ta.

Việc khai thác tài nguyên nước ở Tây Nguyên là cả một chương trình lớn, nhiều dự án đã được thực thi. Tuy nhiên, công trình Ayun Hạ mãi mãi là dấu ấn đầu tiên, một dấu ấn đẹp rất đáng tự hào. Vai trò của nước với Tây Nguyên và Tây Nguyên với nước hy vọng ngày càng được các nhà khoa học và các nhà quản lý quan tâm. Bazan chỉ hết khát khi có hệ thống tưới tiêu khắp mọi địa hình của cao nguyên và cảnh cháy rừng khủng khiếp cũng sẽ được chấm dứt khi nước về với buôn làng. Có nước thì đời sống bà con các dân tộc sẽ không còn đói nghèo.

TRUNG TRUNG ĐỈNH

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/202012/tay-nguyen-va-nuoc-5714110/