Tây Ninh mỗi chốn tôi đi – hồi ức hào hùng qua thơ Xuân Diệu
Trong không khí cả nước đang hướng về sự kiện trọng đại, 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), đọc lại bài thơ 'Tây Ninh mỗi chốn tôi đi' của Xuân Diệu, để lắng nghe hồi ức hào hùng của dân tộc vọng về.

Trong chuyến thăm lại Tây Ninh (1983), Xuân Diệu được tận mắt chứng kiến những di tích lịch sử còn in dấu bom đạn, được lắng nghe câu chuyện về những con người kiên trung, bất khuất, ông đã không giấu được xúc động. Cảm xúc ấy đã được vỡ òa trong bài thơ "Tây Ninh mỗi chốn tôi đi".
Tây Ninh mỗi chốn tôi đi
Tây Ninh, Tây Ninh - mỗi chốn tôi đi,
Lịch sử ngân lên tiếng diệu kỳ.
Cách mạng miền Nam từng bước vững,
Đất thiêng này cho muôn thuở còn ghi.
Tôi hái một cành le trong chiến khu ngày trước,
Tôi tới soi gương vào giếng cũ trong rừng:
Có thể lẫn hình cây, không thể lầm dáng nước,
Con mắt trời, con mắt đất nhìn ta.
Đây bếp Hoàng Cầm cỏ mọc lơ thơ,
Đến mùa mưa, măng le là vị chính.
Trung ương Cục miền Nam ở nơi này đã đóng;
Cứ Đồng Rùm chào Mặt trận Giải phóng miền Nam.
20 tháng 12: Nông trường mía mang tên,
Mỗi mắt ngọt ngào biết bao kỷ niệm;
Bao đứa con yêu, những người nằm lại,
Công nhân vào vun đắp mộ thân thương…
Tây Ninh, Tây Ninh - đồn Xa Mát anh hùng,
Một trung đội biên phòng cản sư đoàn lính địch.
Dưới bóng mít xanh che, tôi thấy còn móng gạch,
Trạm đón khách xa về - của Trung ương Cục ngày qua.
Ôi núi Bà Đen, chiếc nón úp khổng lồ.
Địch trên chóp, địch dưới chân núi đóng;
Chiến khu tỉnh ở giữa chừng núi ấy.
Trong hang ngồi, ta chấp cả bom xô.
Tây Ninh, Tây Ninh - Bà má Bời Lời,
Báo Đảng nêu gương cuộc đời chung thủy:
Con hai đứa con trai: đều liệt sĩ;
Má đào hầm nuôi cán bộ, không khai.
Anh Tám Bét, chị Năm Cao, anh Hai Xe ngựa,
Cán bộ Tây Ninh bí danh gọi rất hiền.
Không văn hoa, rất dễ hòa dân dã;
Nếu địch lùng mình, khó có kẻ trùng tên.
Từ ngàn xưa, sông Sài Gòn đã chặn dòng,
Hồ Dầu Tiếng mở lòng dâng nước mới.
Ở huyện Hòa Thành, trống dong phơi phới,
Dân đi đào kênh đón nước sẽ về.
Tôi tới đây lòng cảm mến tràn trề,
Mỗi hớp nước miếng cơm đều trọng đãi.
Mía, lạc, cao su, đất mình xanh lại,
Xứng đáng công ơn những người đã bỏ mình.
Mảnh đất trung kiên, mảnh đất nghĩa tình,
Tây Ninh! Tây Ninh! đời vang vọng mãi.
Chân bước đi, lòng hãy còn ngoảnh lại,
Tay vẫy ba lần - Tây Ninh! Tây Ninh!
Tây Ninh, 17 - 12 - 1983
Sài Gòn, 20 - 12 - 1983
Nhan đề bài thơ gợi lên không gian rộng lớn của một vùng đất biên thùy, đồng thời nhấn mạnh vào hành trình của cá nhân, vào sự chiêm nghiệm ở "mỗi chốn" nhà thơ đặt chân đến.
Nơi đó không chỉ có di tích lịch sử, mà còn là "lời thì thầm của lịch sử", là "tiếng diệu kỳ" vọng về từ quá khứ. Mỗi bước chân là một lần hồi ức hào hùng ùa về. Niềm tự hào về một Tây Ninh kiên cường, bất khuất bắt đầu sống lại. Nhan đề thôi thúc người đọc cùng bước vào hành trình khám phá cùng với "ông hoàng thơ tình" để được cảm nhận những rung động, suy tư.
Là bậc thầy ngôn ngữ, Xuân Diệu đưa người đọc qua một phổ cảm xúc đầy biến động. Phép điệp từ "Tây Ninh" vang lên ở đầu bài thơ như mở ra cánh cửa thời gian, để trở về những năm tháng đau thương mà anh dũng. Đứng trước "bếp Hoàng Cầm" đơn sơ mà kỳ diệu, trước "Trung ương Cục miền Nam" - bộ não của cuộc kháng chiến, hay "cứ Đồng Rùm" ẩn mình trong rừng sâu, nhà thơ không khỏi nghẹn ngào, bồi hồi. Những di tích ấy là chứng nhân câm lặng, kể lại câu chuyện về ý chí chiến đâúcủa cả dân tộc dù phải "nếm mật nằm gai".

Căn cứ Trung ương Cục miền Nam tại Tây Ninh. Ảnh: Tỉnh đoàn Tây Ninh
Xen lẫn với nỗi xúc động là niềm tự hào đang dâng trào và lòng tri ân sâu sắc của thi sĩ Xuân Diệu. Những di tích "Trung ương Cục miền Nam", "đồn Xa Mát", "núi Bà Đen", "cứ Đồng Rùm",… là những biểu tượng bất tử cho tinh thần kiên trung, "thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước" của dân tộc trong cuộc chiến sinh tử với kẻ thù. "Một trung đội biên phòng cản sư đoàn lính địch" tại đồn Xa Mát như một huyền thoại về lòng quả cảm phi thường.
Hay hình ảnh "núi Bà Đen" sừng sững, hiên ngang thách thức bom đạn kẻ thù là biểu tượng mãnh liệt cho tinh thần bất khuất của cả dân tộc. Khi chạm đến những lát cắt lịch sử và chiến tranh, Xuân Diệu không né tránh mà dừng lại suy tư về giá trị cuộc sống. "Tôi tới soi gương vào giếng cũ trong rừng" như một cách tri ân bậc tiền nhân đã đổ máu xương để bồi đắp cho nền hòa bình hôm nay.
Để làm nên chiến thắng vĩ đại, không chỉ có những người lính trên mặt trận mà còn có "Bà má Bời Lời" - người mẹ huyền thoại đã đào hầm để nuôi giấu cán bộ cách mạng. Khi bị địch bắt, má thà chết vẫn không hé miệng nửa lời, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho cách mạng. Và đau đớn thay, những đứa con của má cũng lần lượt ngã xuống, máu của họ đã tô thắm thêm trang sử vàng của Tổ quốc.
Bên cạnh đó, còn có những cán bộ hoạt động cách mạng với bí danh "rất hiền", "rất dễ hòa dân dã" như "Anh Tám Bét, chị Năm Cao, anh Hai Xe ngựa". Tên gọi bình dị của những con người bình dị, nhưng ý chí sắt đá, thủy chung với cách mạng không có sức mạnh nào hủy diệt được như núi Bà Đen vẫn sừng sững, hiên ngang, vững chãi theo thời gian.
Nhịp điệu của bài thơ biến hóa linh hoạt tạo điểm nhấn đặc biệt. Khi miêu tả khí thế chiến đấu hào hùng của quân và dân ta thì nhịp thơ nhanh, mạnh, dồn dập như tái hiện bước chân hành quân: "Một trung đội biên phòng cản sư đoàn lính địch". Ngược lại, khi hồi tưởng về những ký ức chiến khu, về những mất mát, hy sinh thì nhịp thơ chậm rãi, trầm lắng, đầy suy tư: "Tôi hái một cành le trong chiến khu ngày trước,/ Tôi tới soi gương vào giếng cũ trong rừng", hay "Bao đứa con yêu, những người nằm lại,/ Công nhân vào vun đắp mộ thân thương…". Nhịp điệu khoan thai, nhẹ nhàng ấy tạo nên một không gian lắng đọng, gợi lên những suy tư sâu sắc về quá khứ hào hùng và ý nghĩa của cuộc sống hôm nay.
Xuân Diệu, vốn là một nhà thơ của tình yêu, nhưng khi viết về chiến tranh và lịch sử, ông vẫn giữ được sự dung dị, gần gũi. Nhiều biện pháp tu từ được khai thác để làm nổi bật cảm xúc và chủ đề của bài thơ. Phép điệp từ "Tây Ninh" được lặp đi lặp lại từ đều đến suốt bài thơ như một điệp khúc; nghệ thuật ẩn dụ "con mắt trời, con mắt đất" vừa mang tính hiện thực (thiên nhiên) vừa mang tính biểu tượng (lịch sử ghi dấu, thế hệ hôm nay soi chiếu); phép liệt kê những địa điểm lịch sử,… Tất cả như lời nhắc nhở thế hệ hôm nay hãy luôn ghi nhớ về quá khứ đau thương, oanh liệt. Từ đó ý thức rõ hơn về trách nhiệm giữ gìn và xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh hơn.
Tóm lại, "Tây Ninh mỗi chốn tôi đi" là một bài thơ hay cả về nội dung tư tưởng lẫn hình thức nghệ thuật. Xuân Diệu đã vận dụng linh hoạt các đặc điểm của thể thơ hiện đại để tái hiện một cách sinh động, chân thực và giàu cảm xúc về lịch sử hào hùng của mảnh đất Tây Ninh trung dung, kiên cường. Hơn cả thế, bài thơ còn là một khúc ca yêu nước, một lời tri ân sâu sắc của nhà thơ và của cả thế hệ hôm nay đối với lớp lớp cha ông ta đã hy sinh tuổi thanh xuân để đánh đổi nền hòa bình, độc lập, tự do cho dân tộc.
Đọc "Tây Ninh mỗi chốn tôi đi" trong không khí kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng, chúng ta càng thêm thấu hiểu giá trị của hòa bình và tự hào về truyền thống anh hùng của dân tộc Việt Nam.