Tây Ninh phản hồi về việc người lao động di chuyển giữa TP.HCM và 4 tỉnh

Sở GTVT tỉnh Tây Ninh cơ bản đồng ý với phương án tổ chức giao thông cho người lao động di chuyển giữa TP.HCM và 4 tỉnh liền kề.

Mới đây, UBND TP.HCM có văn bản gửi UBND các tỉnh Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh để thống nhất về việc tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động (NLĐ) di chuyển, khôi phục sản xuất kinh doanh an toàn. Thời gian áp dụng từ ngày 4-10.

Trước đó, UBND TP.HCM đã giao Sở GTVT làm việc với Sở GTVT của 4 tỉnh trên. Đêm ngày 5-10, Sở GTVT tỉnh Tây Ninh là địa phương tiếp theo có phản hồi về việc đi lại liên tỉnh này.

Giấy xét nghiệm có thời hạn 72 giờ

Sở GTVT tỉnh Tây Ninh cho biết UBND tỉnh Tây Ninh đã giao sở là đơn vị tham mưu, có ý kiến đối với dự thảo phương án tổ chức cho NLĐ di chuyển giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh (theo văn bản số 3252 ngày 1-10 của UBND TP.HCM).

Qua nghiên cứu nội dung dự thảo, Sở GTVT Tây Ninh có ý kiến góp ý về thời gian sau khi tiêm vaccine và thời hạn xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính (theo Quyết định số 1740 của Bộ GTVT).

Tỉnh Tây Ninh cơ bản đồng ý với phương án tổ chức đi lại giữa TP.HCM và 4 tỉnh liền kề. Ảnh: ĐÀO TRANG.

Tỉnh Tây Ninh cơ bản đồng ý với phương án tổ chức đi lại giữa TP.HCM và 4 tỉnh liền kề. Ảnh: ĐÀO TRANG.

Cụ thể như sau: Đối tượng vận chuyển, người phục vụ, người điều khiển phương tiện, người ngồi trên xe phải đáp ứng các điều kiện. Cụ thể, đã tiêm ngừa COVID-19 (ít nhất một mũi đối với loại vaccine tiêm hai mũi và ít nhất 21 ngày sau khi tiêm) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng; và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trong vòng 72 giờ kể từ khi nhận kết quả. Sở GTVT tỉnh Tây Ninh đề nghị Sở GTVT TP.HCM nghiên cứu, phối hợp.

Trao đổi với PV PLO, về việc tỉnh Tây Ninh không ý kiến phản hồi về việc sử dụng xe cá nhân của NLĐ di chuyển giữa TP.HCM và 4 tỉnh liền kề? (PV hỏi). Lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Tây Ninh cho biết tỉnh Tây Ninh cơ bản thống nhất, chỉ yêu cầu về các phương tiện phải tuân thủ các quy định trên (thời gian tiêm vaccine và giấy xét nghiệm có thời hạn 72 giờ).

Trước đó, văn bản mà UBND TP.HCM ban hành, lấy ý kiến của các tỉnh thành yêu cầu như sau: Đã tiêm ngừa COVID-19 (ít nhất 1 mũi đối với loại vaccine tiêm hai mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV2 âm tính (định kỳ 7 ngày/ lần).

Phải đạt các tiêu chí mới được chạy

Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Tây Ninh về việc giao Sở GTVT Tây Ninh tham mưu có ý kiến đối với dự thảo phương án tổ chức giao thông chomột số đối tượng lưu thông giữa TP.HCM và các tỉnh (theo văn bản số 3213 của UBND TP.HCM), Sở GTVT Tây Ninh có một số ý kiến góp ý như sau:

Đối với hoạt động vận tải hàng hóa, các phương tiện lưu thông ngang qua TP.HCM để đi các tỉnh, TP khác và ngược lại: Nếu có mã QR hoặc không có mã QR thì vẫn được phép lưu thông.

Lý do, Đây không phải là điều bắt buộc đối với phương tiện theo quy định của pháp luật và đảm bảo thực hiện theo chỉ đạo tại văn bản 5178 của Văn phòng Chính phủ và chỉ đạo của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các địa phương rà soát, bãi bỏ các quy định kiểm soát phòng, chống dịch đối với phương tiện vận tải trái với chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tỉnh Tây Ninh kiến nghị các đơn vị phải đảm bảo các tiêu chí mới được hoạt động. Ảnh: ĐÀO TRANG.

Tỉnh Tây Ninh kiến nghị các đơn vị phải đảm bảo các tiêu chí mới được hoạt động. Ảnh: ĐÀO TRANG.

Tại mục số 2, hoạt động đưa đón công nhân, chuyên gia: Đề nghị TP.HCM không quy định số chỗ (trọng tải) đối với xe ô tô chở công nhân, chuyên gia.

Đối với việc tổ chức đi lại: Các công ty, doanh nghiệp (gọi tắt là đơn vị) xây dựng phương án vận chuyển công nhân, chuyên gia cụ thể, thông qua đơn vị đầu mối xác nhận (Ban Quản lý Khu kinh tế, Khu Công nghiệp, Khu Công nghệ cao hoặc UBND cấp huyện, các hiệp hội. Các đơn vị trên đăng ký phương tiện, lộ trình vận chuyển, thời gian hoạt động gửi đến Sở GTVT (nơi đơn vị có trụ sở) để cấp giấy nhận diện (có mã QR hoặc cấp giấy vận chuyển cho phương tiện.

Đối với chiều ngược lại, Sở GTVT tỉnh Tây Ninh cũng đề nghị xem xét bỏ điểm này vì lý do đã được nêu ở trên.

Tại mục người dân từ các tỉnh đến TP.HCM để khám chữa bệnh, đề nghị xem xét không đưa đối tượng này vào phương án. Lý do, đối tượng này đã được điều chỉnh tại văn bản số 3251 của UBND TP.HCM.

Đối với việc Kiểm soát tại các chốt, trạm kiểm soát tại cửa ngõ giữa các tỉnh: Thực hiện kiểm soát người, phương tiện theo phương án này và các quy định khác có liên quan về phòng, chống dịch COVID-19.

Đối với các tiêu chí an toàn trong phòng, chống dịch đề nghị bổ sung nội dung việc đánh giá các tiêu chí an toàn đối với người và phương tiện vận tải: Phải đạt tất cả các tiêu chí thì mới được hoạt động vận chuyển.

Tỉnh Long An đề nghị bỏ giấy nhận diện theo mẫu

Theo đó, UBND tỉnh Long An cho biết cơ bản thống nhất theo phương án tổ chức cho NLĐ di chuyển giữa TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh. Tuy nhiên, tỉnh có một số góp ý, đề nghị UBND TP.HCM cân nhắc, điều chỉnh

Cụ thể, theo văn bản 3252 của TP.HCM, đối với các đơn vị có trụ sở đóng trên địa bàn các tỉnh, cần xây dựng phương án vận chuyển công nhân, chuyên gia và đăng ký phương tiện, lộ trình, thời gian hoạt động gửi đến Sở GTVT các tỉnh để cấp giấy tạo điều kiện lưu thông liên tỉnh (văn bản, nhận diện theo mẫu).

Về vấn đề này, tỉnh Long An đề nghị bỏ giấy nhận diện theo mẫu, chỉ cần nhận diện bằng văn bản trên cơ sở đề nghị của doanh nghiệp (DN) do các Sở GTVT trong khu vực cấp (bốn tỉnh và TP.HCM).

Theo tỉnh Long An, việc này sẽ tạo điều kiện cho các DN, rút ngắn thời gian cấp giấy do số lượng phương tiện của từng DN lớn. Thời gian chấp thuận bằng văn bản chung cho DN sẽ được rút ngắn so với việc cấp giấy nhận diện cho từng phương tiện.

ĐÀO TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/tay-ninh-phan-hoi-ve-viec-nguoi-lao-dong-di-chuyen-giua-tphcm-va-4-tinh-1019954.html