Tây Ninh: Sẽ xây dựng cơ chế thu hút đầu tư linh hoạt, kết hợp lợi thế sau hợp nhất
Với nền tảng công nghiệp vững chắc và quy hoạch hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tỉnh Tây Ninh hiện nay trở thành một điểm sáng trong thu hút đầu tư, kỳ vọng trở thành cửa ngõ kinh tế và hành lang đô thị - công nghiệp của khu vực phía Nam.

Nhà máy sản xuất thảm cỏ nhân tạo, Công ty TNHH CCGrass Việt Nam, Khu công nghiệp Phước Đông, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN
Ông Trương Thanh Liêm, Trưởng Ban Quản Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh cho biết, Ban sẽ tích cực đôn đốc, hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh quá trình thực hiện các thủ tục, sớm hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, tạo quỹ đất sạch và môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút doanh nghiệp trong giai đoạn mới.
Ông Trương Văn Liếp, Giám đốc Sở Tài chính Tây Ninh, phân tích, tỉnh sẽ tận dụng sức mạnh tổng hợp về kinh tế - xã hội của tỉnh Long An và Tây Ninh trước đây theo hướng bổ trợ lẫn nhau, tạo ra một mô hình phát triển cân bằng, đa ngành. Tỉnh Tây Ninh mới định hướng phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế địa kinh tế để tăng tốc phát triển nhanh và bền vững, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm động lực chính.
Tỉnh cũng sẽ xây dựng cơ chế thu hút đầu tư linh hoạt, kết hợp lợi thế của hai địa phương cũ; phát triển các khu kinh tế cửa khẩu và các khu công nghiệp tập trung hiện đại để thu hút dòng vốn FDI. Nhất là các tập đoàn quốc tế có công nghệ hiện đại và thương hiệu mạnh để làm điểm tựa phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, xây dựng chuỗi liên kết bền vững tại địa phương. Đặc biệt, Tây Ninh sẽ tăng cường kết nối hạ tầng và logistics, đầu tư mở rộng, hoàn thiện các tuyến giao thông huyết mạch; hình thành trung tâm logistics liên vùng, đặc biệt là các khu vực giáp ranh Thành phố Hồ Chí Minh và cửa khẩu Mộc Bài.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tập trung thực hiện tốt công tác cải cách hành chính; tăng cường đối thoại với các doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt khó khăn và có biện pháp tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng hợp số liệu từ hai địa phương trước khi hợp nhất cho thấy, hoạt động thu hút đầu tư đã đạt nhiều kết quả ấn tượng. Cụ thể, tỉnh Long An (cũ) đã thu hút 43 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký mới hơn 9.300 tỷ đồng, tăng mạnh 6.500 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước; có 22 dự án điều chỉnh tăng vốn gần 3.100 tỷ đồng. Về FDI, Long An cũng thu hút mới 76 dự án với tổng vốn đăng ký gần 252 triệu USD và điều chỉnh tăng vốn cho 59 dự án với gần 210 triệu USD.
Trong khi đó, tỉnh Tây Ninh (cũ) cũng ghi nhận 34 dự án đầu tư trong nước và 11 dự án FDI, với tổng vốn thu hút đạt hơn 6.300 tỷ đồng và gần 416 triệu USD. Sau khi hợp nhất, tỉnh Tây Ninh hiện nay đang có tổng cộng hơn 1.900 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt trên 23,5 tỷ USD, là một con số đầy ấn tượng trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Một trong những lợi thế vượt trội của tỉnh Tây Ninh mới chính là hệ thống khu công nghiệp, cụm công nghiệp phát triển rộng khắp. Theo ông Trương Thanh Liêm, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh, địa phương hiện có 46 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích quy hoạch gần 14.000 ha; trong đó, có 28 khu công nghiệp với gần 8.000 ha đã hoàn chỉnh hạ tầng, sẵn sàng chào đón nhà đầu tư; 4 khu công nghiệp với diện tích gần 2.300ha đủ điều kiện tiếp nhận nhà đầu tư; 14 khu công nghiệp khác đang đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng trên diện tích hơn 3.700 ha.
Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước đây của Long An và Tây Ninh, đến năm 2030, tổng diện tích đất khu công nghiệp sẽ đạt hơn 24.500 ha. Đây là một không gian cực kỳ rộng lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút các dự án quy mô lớn. Các khu công nghiệp trọng điểm trải dài từ Phước Đông, Thành Thành Công, Trảng Bàng ở phía Bắc đến Long Hậu, Phú An Thạnh, Tân Đức, Hải Sơn… ở phía Nam, hình thành một hệ thống liên hoàn, hấp dẫn mạnh mẽ nguồn vốn từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu…