OCOP thích ứng sau hợp nhất tỉnh, thành
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đang được lan tỏa mạnh mẽ tại các địa phương, tuy nhiên việc hợp nhất đơn vị hành chính từ 63 tỉnh, thành phố xuống còn 34 tỉnh, thành mở ra cơ hội phát triển nhưng cũng đặt ra không ít băn khoăn với các chủ thể OCOP. Khi tên tỉnh, thành thay đổi, điều quan trọng là làm sao giữ được giá trị văn hóa, vùng nguyên liệu và thương hiệu truyền thống.

Cô gái người Dao Bàn Thị Hom (bên trái) giới thiệu sản phẩm chè Shan Tuyết. Ảnh: Đức Thọ/TTXVN
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có 16.855 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; trong đó, 76,2% là sản phẩm 3 sao, 22,7% là 4 sao và 126 sản phẩm đạt 5 sao - được công nhận là sản phẩm quốc gia. Có tổng cộng 9.822 chủ thể OCOP; trong đó, 32,9% là hợp tác xã, 25,3% là doanh nghiệp nhỏ, 33,5% là hộ sản xuất, cơ sở kinh doanh và phần còn lại là tổ hợp tác. Đáng chú ý, có tới 40% chủ thể là phụ nữ và 17,1% là người dân tộc thiểu số. Hiện hơn 3.000 hợp tác xã đã tham gia sản xuất sản phẩm OCOP, cho thấy tính lan tỏa của chương trình.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam khẳng định, sản phẩm OCOP không chỉ góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa, phát huy tri thức bản địa. Với tầm nhìn dài hạn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường định hướng phát triển OCOP thành thương hiệu quốc gia - không chỉ là sản phẩm của từng thôn, xã - mà được bảo hộ sở hữu trí tuệ, có hệ thống quảng bá và chính sách hỗ trợ mở rộng thị trường.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, việc hợp nhất đơn vị hành chính khiến các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP không ít lo ngại. Nhiều chủ thể OCOP bày tỏ sự lo lắng khi tên gọi địa phương - vốn gắn bó lâu đời với sản phẩm biến mất khỏi bản đồ hành chính. Điều này có thể ảnh hưởng đến tính nhận diện, bản sắc và năng lực cạnh tranh của sản phẩm OCOP.
Theo ông Vũ Văn Đình, chủ cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ nổi tiếng của thôn Thượng, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên (Hà Nội), những sản phẩm đồ gỗ, khảm trai, sơn mài tinh xảo, mang đậm dấu ấn của làng nghề 1.000 năm tuổi. Đây không chỉ là thói quen, mà là kết quả của quá trình xây dựng thương hiệu gắn với địa danh. Khi tên địa phương không còn, sản phẩm đứng trước nguy cơ "mất gốc" trong nhận thức của thị trường.
Công ty cổ phần Gốm sứ Quang Vinh là minh chứng thành công trong phát triển nghề truyền thống ở làng nghề Bát Tràng. Bà Hà Thị Vinh, Giám đốc Công ty cổ phần Gốm sứ Quang Vinh cho biết, đằng sau mỗi sản phẩm không chỉ là chất lượng, mà còn là câu chuyện của văn hóa địa danh gắn với từng sản phẩm của địa phương đó. Mỗi sản phẩm OCOP còn được xem là "sứ giả văn hóa" của địa phương, thể hiện truyền thống, phong tục, tập quán sinh hoạt của người dân.
Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có chỉ đạo, địa phương có trách nhiệm duy trì giá trị pháp lý của giấy chứng nhận OCOP và hướng các chủ thể cập nhật thông tin hành chính một cách đơn giản, thuận tiện, không gây phát sinh thủ tục rườm rà.
Cụ thể, nếu một sản phẩm OCOP 4 sao thuộc huyện Lý Nhân, hay huyện Bình Lục tỉnh Hà Nam trước đây - nay hợp nhất về tỉnh mới Ninh Bình - thì giấy chứng nhận OCOP 4 sao vẫn còn giá trị. Chủ thể chỉ cần cập nhật địa chỉ hành chính mới trong hồ sơ, không cần làm lại toàn bộ thủ tục như từ đầu. Điều này không chỉ giúp giảm gánh nặng pháp lý, mà còn tạo tâm lý ổn định cho các chủ thể tiếp tục sản xuất, kinh doanh.
Quan trọng hơn, thương hiệu OCOP gắn với vùng nguyên liệu canh tác và yếu tố địa lý - chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào tên hành chính cấp tỉnh. Chẳng hạn như chè Shan Tuyết Suối Giàng (Yên Bái), hay chè Shan Tuyết Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang có hợp nhất với tỉnh khác, thì ở Suối Giàng hay Hoàng Su Phì vẫn là một vùng chè đặc trưng, được công nhận chỉ dẫn địa lý.
Trong khó khăn luôn tồn tại cơ hội, việc sắp xếp hành chính cũng có thể là đòn bẩy để các chủ thể nâng tầm thương hiệu, đặc biệt thông qua mở rộng vùng nguyên liệu, nâng cấp nhãn hiệu tập thể thành chỉ dẫn địa lý hoặc nhãn hiệu chứng nhận - những yếu tố mang lại giá trị bền vững và khả năng phát triển thị trường lớn hơn.
Ngoài ra, việc việc sắp xếp hành chính không chỉ mở rộng thị trường mà còn giúp chủ thể giảm chi phí truyền thông do được hỗ trợ quảng bá theo chương trình xúc tiến thương mại chung của tỉnh mới – vốn có tiềm lực lớn hơn. Thay vì phải gồng gánh tự làm truyền thông, các chủ thể có thể tận dụng kênh truyền thông địa phương và trung ương để lan tỏa thương hiệu.

Vải thiều Hải Dương (cũ) đầu tiên của mùa vụ 2025 đã lên kệ siêu thị ở Pháp. Ảnh: Nguyễn Thu Hà/PV TTXVN tại Pháp
Ông Giang Ngọc Luân, Phó Chi cục trưởng Chi cục kinh tế hợp tác, Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết, trước đây, nhiều sản phẩm bị bó hẹp trong ranh giới hành chính xã, huyện, nên sản phẩm đó chỉ được chứng nhận OCOP ở cấp địa phương. Sau hợp nhất, khi đơn vị hành chính mở rộng, cơ hội hình thành chuỗi giá trị liên kết vùng cũng theo đó mà mở ra. Từ đó, sản phẩm có thể được phát triển thành thương hiệu vùng, dễ dàng hơn khi tiếp cận chính sách hỗ trợ từ cấp tỉnh hoặc Trung ương.
Để phát triển chương trình OCOP hiệu quả sau hợp nhất, ông Giang Ngọc Luân cho biết, các cơ quan như Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, Bộ Công Thương cũng đã có hướng dẫn cụ thể về việc cập nhật địa chỉ hành chính trên bao bì. Không bắt buộc tiêu hủy tem nhãn cũ, chủ thể có thể thay đổi dần dần trong thời gian chuyển tiếp. Đặc biệt, với các sản phẩm có sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc điện tử, thông tin hành chính mới hoàn toàn có thể cập nhật linh hoạt mà không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.
Các chuyên gia khẳng định, sắp xếp hành chính không làm mất hiệu lực pháp lý các sản phẩm OCOP, không gây gián đoạn kinh doanh. Điều quan trọng là sự chủ động của chủ thể trong việc cập nhật hồ sơ, duy trì thương hiệu và khai thác tốt cơ hội liên kết vùng, xúc tiến thương mại, mở rộng quy mô sản xuất.
Với quyết tâm giữ gìn bản sắc và cách làm phù hợp với điều kiện mới, các chủ thể OCOP hoàn toàn có thể biến thách thức sắp xếp hành chính thành lợi thế cạnh tranh dài hạn. Sản phẩm OCOP nếu thật sự mang chất lượng, mang câu chuyện văn hóa, sẽ không chỉ vẫn giữ được giá trị sau cải cách, mà còn lan tỏa mạnh mẽ hơn trên thị trường trong nước và quốc tế.