Tây Ninh: Tăng cường đối thoại với người dân khi giải quyết khiếu nại về đất đai
Ngày 11/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh tổ chức Đoàn giám sát về việc ban hành các quyết định hành chính dẫn đến khiếu nại của người dân, liên quan đến lĩnh vực đất đai từ năm 2016 đến tháng 8/2023.
Đoàn giám sát do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh Phạm Hùng Thái làm Trưởng đoàn.
Báo cáo với Đoàn Giám sát, UBND tỉnh Tây Ninh nêu rõ, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh phải thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án dẫn đến người dân khiếu nại. Tuy nhiên, thông qua công tác tiếp dân, báo cáo của các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương cho thấy tình hình khiếu nại, phản ánh, kiến nghị của người dân toàn tỉnh từ năm 2016 đến nay đã giảm mạnh.
Cụ thể, giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 6/2023, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành 1.528 quyết định hành chính, giải quyết khiếu nại liên quan đến đất đai. Trong đó, có 10 vụ của 10 cá nhân khiếu nại thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết lần đầu; 37/124 vụ việc khiếu nại lần 2 nhưng công dân không đồng tình đã khởi kiện ra Tòa án. Có 6 quyết định bị công dân khởi kiện mà Tòa án nhân dân các cấp tuyên xử UBND tỉnh thua kiện đang được UBND cấp huyện tổ chức thực hiện bản án. Trong đó, 1 vụ việc đang được UBND tỉnh có đơn kiến nghị Giám đốc thẩm, đang chờ Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao xem xét.
UBND tỉnh cũng đã ban hành 93 văn bản chỉ đạo điều hành về thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại. Tuy nhiên, trong số 17 quyết định giải quyết tranh chấp đất đai có hiệu lực thi hành đến nay vẫn còn tồn đọng 8 quyết định.
Tại buổi giám sát, nhiều ý kiến đề xuất, kiến nghị của các đại biểu tham gia Đoàn giám sát đã góp ý, đề xuất cho UBND Tây Ninh về những vụ việc còn tồn đọng, kéo dài. Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh Trần Hữu Hậu cho rằng, UBND tỉnh cần mổ xẻ nguyên nhân chủ quan, khách quan đối với những vụ việc đã bị tòa xử thua kiện liên quan đến các quyết định hành chính để khắc phục, rút kinh nghiệm.
Bà Hoàng Thị Thanh Thúy, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh đề nghị làm rõ thêm những tồn tại của đơn vị, cá nhân tham mưu ban hành quyết định hành chính sai dẫn đến phải thu hồi để chấn chỉnh.
Kết luận tại buổi giám sát, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh Phạm Hùng Thái đánh giá cao kết quả UBND tỉnh đạt được trong công tác quản lý nhà nước, đặc biệt trong giải quyết thủ tục hành chính về đất đai.
Cụ thể, UBND tỉnh đã thực hiện nghiêm túc, nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính trong công tác giải quyết khiếu nại; quan tâm công tác giải quyết, xử lý đơn, thư khiếu nại, bám sát tình hình thực tiễn của địa phương và triển khai đầy đủ các văn bản chỉ đạo của cơ quan Trung ương (đã ban hành được 92 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện). UBND tỉnh bố trí địa điểm, sắp xếp cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân; do đó tình hình khiếu nại trên địa bàn đã giảm, số đoàn khiếu nại đông người giảm so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, ông Phạm Hùng Thái cũng nhận định, các vụ việc đã được giải quyết nhưng việc tổ chức thực hiện quyết định hành chính giải quyết tranh chấp đất đai có hiệu lực thi hành của UBND tỉnh còn chưa kịp thời, dẫn đến tồn đọng, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm.
Một số quyết định hành chính, quyết định giải quyết khiếu nại liên quan lĩnh vực đất đai được ban hành còn chưa đảm bảo quy định, nội dung xử lý đơn chưa thật sự chính xác dẫn đến người dân khiếu nại. Cụ thể, kết quả công dân khiếu nại đúng 3 vụ, 5 vụ khiếu nại đúng một phần và 3 vụ chấp nhận khởi kiện, hủy các quyết định hành chính.
Trong khi đó, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức còn hạn chế, chưa được đầu tư đào tạo chuyên môn sâu để đáp ứng được nhu cầu giải quyết các vụ việc phức tạp tại địa phương. Do đó, tỉnh cần quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao trách nhiệm, nhận thức và trình độ năng lực cán bộ, công chức phụ trách tham mưu ban hành các quyết định hành chính, giải quyết khiếu nại; một số trường hợp cần thiết phối hợp, tham vấn ý kiến với cơ quan tiến hành tố tụng hành chính trước khi ban hành.
Ông Phạm Hùng Thái đề nghị UBND tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật các văn bản liên quan đến Luật Đất đai, Luật Khiếu nại và các chủ trương, chính sách của địa phương cần ban hành quyết định hành chính để thực hiện phát triển kinh tế, xã hội. Từ đó, giúp nâng cao nhận thức cho người dân chấp hành pháp luật, hạn chế tình trạng khiếu nại vượt cấp.
Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh cũng nhấn mạnh: Đối thoại là một nội dung quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của công tác giải quyết khiếu nại. Do đó, UBND tỉnh cần tăng cường chỉ đạo tổ chức đối thoại với công dân trong quy trình giải quyết khiếu nại quyết định hành chính. UBND tỉnh chấn chỉnh rà soát hồ sơ, kiểm tra thực địa, thực trạng quy hoạch, các văn bản liên quan về thẩm quyền, nội dung, trình tự, thủ tục… trước khi ban hành để hạn chế tình trạng khi quyết định vừa mới được ban hành thì công dân đã khiếu nại. Cần phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những yếu kém, sai phạm, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm trên địa bàn.
Tỉnh cũng cần quan tâm công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hoàn thiện hồ sơ địa chính, đăng ký biến động về đất đai, đẩy nhanh số hóa công tác lưu trữ hồ sơ. Đặc biệt, tỉnh nghiêm túc xử lý kỷ luật các đơn vị, cá nhân để xảy ra thiếu sót, tồn tại trong quá trình tham mưu ban hành các quyết định chính trong lĩnh vực đất đai gây tổn thất cho ngân sách mà xuất phát từ nguyên nhân chủ quan nếu có.