TDTU vẫn ghi chương trình chất lượng cao trong đề án dù quy định đã bãi bỏ

Năm 2024,Trường Đại học Tôn Đức Thắng ghi chương trình CLC trong đề án tuyển sinh dù đã có quy định bãi bỏ chương trình này có hiệu lực từ cuối năm 2023.

Trường Đại học Tôn Đức Thắng tiền thân là Trường Đại học công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng. Được thành lập theo Quyết định số 787/TTg ngày 24/09/1997 của Thủ tướng Chính phủ, trường là một trong những đại học đầu tiên được thí điểm cơ chế tự chủ.

Hiện nay, Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) là trường đại học công lập, trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Trường Đại học Tôn Đức Thắng hiện đã công khai Đề án tuyển sinh năm 2024 (ban hành kèm theo quyết định số 960/QĐ-TĐT ngày 2/4/2024 của Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng) trên trang thông tin điện tử của nhà trường.

 Hiện nay, Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) là trường đại học công lập, trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ảnh: TDTU

Hiện nay, Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) là trường đại học công lập, trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ảnh: TDTU

Qua tìm hiểu của phóng viên, Đề án tuyển sinh đại học năm 2024 của Trường Đại học Tôn Đức Thắng (ký ngày 2/4/2024) được thực hiện khá đầy đủ thông tin, tuy nhiên còn có một nội dung chưa được công khai theo đúng quy định tại Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/06/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non (gọi tắt Thông tư 08).

Không còn khái niệm chương trình chất lượng cao nhưng trường vẫn ghi trong đề án

Theo thông tin từ Đề án tuyển sinh đại học năm 2024 của Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho thấy, nhà trường đào tạo đa ngành với đa dạng các chương trình đào tạo như: chương trình tiêu chuẩn, chương trình chất lượng cao, chương trình đại học bằng tiếng Anh, chương trình dự bị đại học bằng tiếng Anh, các chương trình liên kết đào tạo quốc tế, chương trình dự bị liên kết đào tạo quốc tế,...

Năm 2024, Trường Đại học Tôn Đức Thắng dự kiến tuyển sinh khoảng 6.570 chỉ tiêu trình độ đại học cho 40 ngành chương trình tiêu chuẩn, 19 ngành chương trình chất lượng cao, 12 ngành chương trình đại học bằng tiếng Anh, 9 ngành chương trình học tại phân hiệu Khánh Hòa và khoảng 300 chỉ tiêu cho 12 ngành chương trình liên kết đào tạo quốc tế.

Đáng nói, vào giữa tháng 6/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 11/2023/TT-BGDĐT về việc bãi bỏ Thông tư số 23/2014/TT-BGDĐT (ban hành năm 2014) quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học. Thông tư 11/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2023.

Cùng với đó, căn cứ theo Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 và Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT (quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học), hiện không có khái niệm chương trình đào tạo chất lượng cao mà chỉ có một chuẩn chương trình đào tạo.

Như vậy, tính đến năm 2024, Trường Đại học Tôn Đức Thắng vẫn ghi trong đề án tuyển sinh là chương trình chất lượng cao dù quy định đã bãi bỏ khái niệm chương trình chất lượng cao đã có hiệu lực thi hành từ cuối năm 2023.

Danh sách 19 ngành/chuyên ngành thuộc chương trình chất lượng cao được Trường Đại học Tôn Đức Thắng thông báo tuyển sinh năm 2024:

 Ảnh chụp màn hình

Ảnh chụp màn hình

Năm học 2024-2025, học phí các ngành thuộc chương trình chất lượng cao dao động khoảng từ 43,8 - 54,1 triệu đồng (chưa bao gồm học phí kỹ năng tiếng Anh, trừ ngành Ngôn ngữ Anh). Chi tiết học phí theo lộ trình đào tạo của các ngành như sau:

 Chi tiết học phí chương trình chất lượng cao. Ảnh chụp màn hình

Chi tiết học phí chương trình chất lượng cao. Ảnh chụp màn hình

Một số ngành học tuyển sinh đạt dưới 50% chỉ tiêu

Về thông tin tình hình việc làm của sinh viên, khoản 7, Chương I, Phụ lục III Thông tư 08/2022/TT yêu cầu cơ sở đào tạo kê khai đầy đủ thông tin từng lĩnh vực/ngành đào tạo, trình độ đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh, số sinh viên trúng tuyển nhập học, số sinh viên tốt nghiệp và tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp đã có việc làm.

Tuy nhiên, đối chiếu với thông tin kê khai tại mục báo cáo tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp của Trường Đại học Tôn Đức Thắng còn thiếu nội dung về "chỉ tiêu tuyển sinh" so với quy định tại Thông tư 08.

 Quy định kê khai nội dung về tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp theo yêu cầu của Thông tư 08. Ảnh chụp màn hình

Quy định kê khai nội dung về tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp theo yêu cầu của Thông tư 08. Ảnh chụp màn hình

 Bảng kê khai tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp của Trường Đại học Tôn Đức Thắng thiếu thông tin về chỉ tiêu tuyển sinh. Ảnh chụp màn hình

Bảng kê khai tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp của Trường Đại học Tôn Đức Thắng thiếu thông tin về chỉ tiêu tuyển sinh. Ảnh chụp màn hình

Nhìn chung, kết quả khảo sát tình hình việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp (năm 2022) của Trường Đại học Tôn Đức Thắng có tỷ lệ khá cao, dao động từ 95% trở lên, nhiều ngành đạt 100%, chỉ duy nhất có ngành Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu tỷ lệ có việc làm thấp hơn (87%).

 Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đã có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp của ngành Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu đạt 87%. Ảnh chụp màn hình

Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đã có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp của ngành Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu đạt 87%. Ảnh chụp màn hình

Từ bảng điểm trúng tuyển 2 năm gần nhất (năm 2022, 2023), cho thấy kết quả tuyển sinh 2 năm qua của Trường Đại học Tôn Đức Thắng đạt từ 80-90% so với chỉ tiêu (chương trình tiêu chuẩn). Trong đó, kết quả tuyển sinh năm 2023 được cải thiện hơn so với năm 2022.

Về chi tiết tình hình tuyển sinh các ngành học, phần lớn các ngành học đều đạt trên 90% chỉ tiêu, song vẫn có một số ngành kết quả tuyển sinh đạt dưới 50% chỉ tiêu như:

Năm 2023 có ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường - Chuyên ngành cấp thoát nước và môi trường nước (chỉ tiêu 60, nhập học 24, đạt 40% chỉ tiêu).

Năm 2022 có ngành Khoa học môi trường (chỉ tiêu 100, nhập học 27, đạt 27% chỉ tiêu); ngành Quy hoạch vùng và đô thị (chỉ tiêu 45, nhập học 14, đạt 31,11% chỉ tiêu); ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường - Chuyên ngành cấp thoát nước và môi trường nước (chỉ tiêu 60, nhập học 23, đạt 38,33% chỉ tiêu); ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông (chỉ tiêu 40, nhập học 17, đạt 42,5% chỉ tiêu); ngành Thiết kế nội thất (chỉ tiêu 150, nhập học 73, đạt 48,67% chỉ tiêu).

Hiện nay, quy mô đào tạo toàn trường khoảng 24.700 người học (bao gồm cả trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ). Trong đó, Trường Đại học Tôn Đức Thắng xác định một số ngành đào tạo đặc thù có nhu cầu cao về nhân lực trình độ đại học: Khoa học máy tính, Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, Kỹ thuật phần mềm. Hiện có khoảng 2.392 người học đang theo học các ngành này.

Về điều kiện cơ sở vật chất, thông tin từ Đề án tuyển sinh, toàn trường có tổng diện tích 66,328ha. Nhà trường cũng bố trí khoảng gần 5900 số chỗ ở ký túc xá sinh viên, cùng số lượng các phòng học đa phương tiện, hội trường, các trung tâm nghiên cứu, thư viện, trung tâm học liệu,... lên tới gần 470 phòng.

Diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của trường tính trên một sinh viên chính quy là 6,54m2/sinh viên.

 Thông tin về điều kiện cơ sở vật chất theo Đề án tuyển sinh năm 2024. Ảnh chụp màn hình

Thông tin về điều kiện cơ sở vật chất theo Đề án tuyển sinh năm 2024. Ảnh chụp màn hình

Không có thông tin cơ quan công tác của giảng viên thỉnh giảng

Trong phần công khai điều kiện đội ngũ giảng viên, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã công khai đầy đủ danh sách giảng viên toàn thời gian và giảng viên thỉnh giảng. Theo đó, hầu hết các thông tin về họ và tên, chức danh khoa học, trình độ chuyên môn, chuyên môn được đào tạo, ngành tham gia giảng dạy ở phần danh sách giảng viên toàn thời gian, giảng viên thỉnh giảng đều được kê khai đầy đủ theo Thông tư 08.

Hiện nay, Trường Đại học Tôn Đức Thắng có 1005 giảng viên toàn thời gian; 546 giảng viên thỉnh giảng tham gia giảng dạy và tính chỉ tiêu tuyển sinh trình độ đại học.

Tuy nhiên, phần kê khai thông tin giảng viên thỉnh giảng, nhà trường vẫn còn thiếu nội dung về cơ quan công tác (chiếu theo Phụ lục III Thông tư 08).

 Quy định kê khai thông tin về giảng viên thỉnh giảng, theo Thông tư 08. Ảnh chụp màn hình

Quy định kê khai thông tin về giảng viên thỉnh giảng, theo Thông tư 08. Ảnh chụp màn hình

 Danh sách giảng viên thỉnh giảng của Trường Đại học Tôn Đức Thắng chưa có thông tin về cơ quan công tác của giảng viên thỉnh giảng. Ảnh chụp màn hình

Danh sách giảng viên thỉnh giảng của Trường Đại học Tôn Đức Thắng chưa có thông tin về cơ quan công tác của giảng viên thỉnh giảng. Ảnh chụp màn hình

Năm học 2024-2025, học phí của Trường Đại học Tôn Đức Thắng (bao gồm cả phân hiệu Khánh Hòa) dao động từ 20,5 - 78,1 triệu đồng/ năm học tùy thuộc vào từng chương trình học, ngành học mà sinh viên chọn.

Trong đó, đối với chương trình chuẩn, học phí dao động từ khoảng 20,5 đến 60,7 triệu đồng/năm học. Riêng phân hiệu Khánh Hòa, học phí thấp hơn, dao động từ 20,5 đến 24 triệu đồng/năm học.

Đối với chương trình đại học bằng tiếng Anh, học phí dao động từ 64,6 đến 70,8 triệu đồng/năm học.

Đối với chương trình liên kết đào tạo quốc tế, học phí dao động từ 67,8 đến 78,1 triệu đồng/năm học.

Đối với chương trình đại học vừa làm vừa học, học phí dao động từ 22 đến 25,8 triệu đồng/năm học.

Lưu ý, trên đây là mức học phí năm học 2024-2025, chưa bao gồm học phí kỹ năng tiếng Anh, ngoại trừ ngành Ngôn ngữ Anh. Học phí sẽ tăng theo lộ trình từng năm học.

Tại Đề án tuyển sinh, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đưa ra các phương án xử lý rủi ro khi triển khai công tác tuyển sinh và cam kết trách nhiệm của trường.

Theo đó, nhà trường thực hiện cam kết giải quyết khiếu nại, bảo vệ quyền lợi chính đáng và đúng quy định cho thí sinh, trong trường hợp có rủi ro như: ngành học không đủ điều kiện mở lớp; thí sinh có danh sách trúng tuyển chính thức vào TDTU, nhưng có rủi ro sai sót về điểm ưu tiên (khu vực, đối tượng), điểm khuyến khích học tập, kết quả học tập trung học phổ thông,…) dẫn đến điểm xét tuyển thay đổi; thí sinh đăng ký khác số căn cước công dân/chứng minh nhân dân/Mã định danh cá nhân giữa các hệ thống xét tuyển, thi tuyển, hệ thống Bộ dẫn đến không khớp được dữ liệu,...

Tại Điểm a, Khoản 1, Điều 8, Mục 2 của Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục nêu rõ:

"Điều 8. Vi phạm quy định về tổ chức tuyển sinh

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Thông báo tuyển sinh, công bố đề án tuyển sinh không đúng hoặc không đầy đủ thông tin theo quy định của pháp luật hiện hành;...

Minh Chi

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tdtu-van-ghi-chuong-trinh-chat-luong-cao-trong-de-an-du-quy-dinh-da-bai-bo-post243416.gd