Tể tướng người Khiết Đan giúp Mông Cổ xưng bá Á - Âu
Người Khiết Đan từng lập nên một Liêu quốc hùng mạnh, nhiều lần uy hiếp nhà Tống. Tuy nhiên năm 1125 thì người Khiết Đan bị người Nữ Chân đánh bại.
Gia Luật Sở Tài sinh năm 1190 ở Yên Kinh (Bắc Kinh ngày nay), thuộc nước Kim của người Nữ Chân, là cháu tám đời của quốc vương nước Đông Đan là Gia Luật Bội. Năm lên 3 tuổi thì cha mất, ông được mẹ nuôi nấng dạy dỗ. Nhờ học hành chăm chỉ nên ông thi đỗ tiến sĩ, làm quan cho nhà Kim.
Năm 1211, Thành Cát Tư Hãn thống lĩnh 9 vạn quân Mông Cổ tiến đánh nước Kim, 40 vạn quân chủ lực của Kim bị tiêu diệt tại Dã Hồ Lĩnh gây chấn động.
Không muốn làm quan trong cảnh binh đao, Gia Luật Sở Tài đến chùa Báo Ân tìm hiểu Phật giáo. Cuốn sách "Thiền quan sách tấn" có mô tả rằng: "Thừa tướng Di Thích Sở Tài đến tham học với Vạn Tùng Lão nhân. Ông bỏ hết việc nhà bế cửa thất không tiếp khách. Dù những khi giá lạnh, nóng bức, không ngày nào ông dừng nghỉ tham cứu. Đêm đến, ông thắp đèn sáng kế tiếp mặt trời để bỏ ngủ. Ban ngày thì ông quên ăn. Như vậy, suốt ba năm, ông mới được ấn chứng".
Diện kiến Thành Cát Tư Hãn
Năm 1214, Thành Cát Tư Hãn thu phục được một vùng đất rộng lớn, cần người có tài để ổn định lòng dân. Nghe tiếng Gia Luật Sở Tài thông hiểu tam giáo, Thành Cát Tư Hãn quyết mời bằng được ông về Triều.
Gia Luật Sở Tài nhận thấy đây là cơ hội nhằm thực hiện mong ước của mình nên quyết định vượt đường xa đến diện kiến Thành Cát Tư Hãn.
Khi gặp mặt, Thành Cát Tư Hãn thấy ông có dáng người cao, tai vuông, mắt sáng ngời, tiếng nói sang sảng nên rất ưng ý. Vì ông có râu dài đến ngực nên Thành Cát Tư Hãn thường gọi là "Ông râu dài" cho dễ nhớ tên.
Khi đàm đạo, Thành Cát Tư Hãn nói muốn đánh Kim báo thù cho người Khiết Đan, nhưng Gia Luật Sở Tài nói rằng cả cha con mình đều làm quan cho nhà Kim, ông không muốn phản lại Vua. Ông lại nói muốn đến Mông Cổ nhằm dùng tam giáo vỗ yên dân chúng, giáo hóa muôn dân.
Thành Cát Tư Hãn không khó chịu mà lại rất thích tính cách trung thực và nghĩa khí của Gia Luật Sở Tài nên quyết định để ông làm mưu sĩ cho mình.
Giúp Ấn Độ thoát nạn binh đao
Giai đoạn đầu hầu như Gia Luật Sở Tài chỉ có thể làm thơ và xem bói cho Thành Cát Tư Hãn chứ không được trọng dụng. Vượt qua thời gian thử thách, ông ngày càng được Đại Hãn tín nhiệm.
Lúc này Thành Cát Tư Hãn muốn giao thương với các nước Trung Á nên đưa sứ giả cùng 500 người đến Đế quốc Khawarezm mong được giao thương. Nhưng vua Ala ad-Din Muhammad sai chém đầu sứ giả, giết cả đoàn 500 người. Thành Cát Tư Hãn liền xuất quân và đánh bại Đế quốc Khawarezm, vua Ala ad-Din Muhammad bỏ chạy và bị ốm chết.
Thái tử Jalal ad-Din Mingburnu lên nối ngôi và chạy trốn đến phía bắc Ấn Độ. Thành Cát Tư Hãn quyết định cho quân đuổi theo vào Ấn Độ và theo đà đánh chiếm luôn Ấn Độ.
Theo "Nguyên Sử", khi quân Mông Cổ đến sông Ấn thì thấy Lộc Đoan, là con thú linh thiêng chỉ có một sừng, thân hình giống như nai, đuôi lại giống như ngựa, lại nói được tiếng người. Thú Lộc Đoan nói rằng "Nhữ Chúa Thảo Hoàn", ý rằng theo mệnh trời thì nên rút lui.
Thành Cát Tư Hãn liền cho họp các tướng rồi thỉnh giáo Gia Luật Sở Tài. Gia Luật Sở Tài nói rằng: "Đây là con thú tốt lành, người ta gọi nó là Giác Thụy, có khả năng nói tất cả các thứ tiếng, biết yêu thích sự sống, chán ghét cái chết. Đây là điềm lành ngầm ý bảo hoàng thượng hãy thuận theo lòng trời, thực tập từ bi, bảo hộ bá tính vạn dân và sinh mạng của muôn vật".
Thành Cát Tư Hãn liền quyết định không đánh Ấn Độ nữa mà rút binh về. Ấn Độ tránh được khỏi cuộc chiến tàn khốc.
Chấn chỉnh quan lại
Một lần Gia Luật Sở Tài biết tin phần lớn các quan ở châu, quận đều ức hiếp dân chúng, giết người vô tội vạ, vô cớ tịch thu tài sản.
Ông bèn dâng tấu biểu trình lên Thành Cát Tư Hãn, khuyên Đại Hãn chấn chỉnh quan lại, nghiêm cấm xâm hại tài sản của dân, tất cả các án tử đều phải trình lên trên xét duyệt lại. Nhờ đó mà hành động ngang ngược của các quan lại giảm bớt rất nhiều.
Giúp quân địch tránh bị thảm sát
Quân Mông Cổ chinh chiến liên miên khiến nhiều người chết. Trước cuộc chiến Gia Luật Sở Tài kêu gọi đối phương đầu hàng để tránh đổ máu.
Nhận thấy nhiều binh lính đối phương dù đầu hàng nhưng vẫn bị thảm sát, ông liền đề xuất phát cờ đầu hàng cho những nhóm đã chịu hàng, để tránh giết nhầm đến họ, rồi cho họ về lại bản quán, nhờ đó mà cứu được rất nhiều binh lính.
Khi Oa Khoát Đài lên ngôi Đại Hãn, Gia Luật Sở Tài được tín nhiệm và trở thành vị quan đại thần đầu triều, tương đương Tể tướng. Nhờ chịu ảnh hưởng của ông nên ngoài việc chinh chiến, Oa Khoát Đài cũng chú ý xây dựng xã hội thái bình yên ổn.
Năm 1232, quân Mông Cổ đánh chiếm được Kinh đô Biện Kinh của nhà Kim. Nhưng bản thân quân Mông Cổ cũng bị chết nhiều do sự kháng cự của quân Kim. Các tướng liền xin Oa Khoát Đài cho làm cỏ Biện Kinh để trả thù cho quân sĩ, Oa Khoát Đài cũng thuận tình theo. Nhưng Gia Luật Sở Tài đã dùng lý lẽ can gián, nên cuối cùng chỉ giết tay chân của vua Kim mà thôi. Rất nhiều binh lính cùng 1,5 triệu dân ở Biện Kinh nhờ đó mà thoát chết.
Đế chế Mông Cổ chinh phục các nơi, lãnh thổ bao la rộng lớn, nhưng rất khó ổn định lòng người. Gia Luật Sở Tài dùng tam giáo trị quốc, vỗ yên dân chúng, giúp Mông Cổ ổn định.
Qua đời
Năm 1330, Gia Luật Sở Tài qua đời, triều đình Mông Cổ truy phong ông làm Thái Sư, Thượng trụ quốc, Quảng Ninh Vương, thụy Văn Chính.
Con trai ông làm tới chức Tả thừa tướng, 11 người cháu cũng đều được làm quan lớn. Người đời sau tạc tượng để tưởng nhớ ông với lòng kính trọng sâu sắc.