Tên con và khát vọng của mẹ cha
Ngay từ khi bước vào cuộc sống hôn nhân, một trong những điều quan trọng mà các cặp vợ chồng thường nghĩ tới, chính là đặt tên gì cho những đứa con tương lai.
Bên cạnh những cái tên mang kỳ vọng vào tương lai sự nghiệp của con cái, trong các gia đình Việt Nam từ 1945 đến 1975 đã xuất hiện thêm cách đặt tên con mang đậm dấu ấn chính trị của mẹ cha, thay vì chỉ là sự kỳ vọng thông thường ở thế hệ kế tiếp.
Đất nước chìm đắm trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm kéo dài suốt 30 năm. Đạn bom, nhà tù, quê hương chia cắt, gia đình ly biệt. Tất cả những cảnh huống ác nghiệt, đau lòng đó đã nung nấu trong mỗi con người Việt Nam, nhất là những người làm cha mẹ niềm mơ ước về chiến thắng, về một ngày hòa bình, thống nhất, đoàn tụ. Nhiều người đã chọn cho con cái tên mang ý nghĩa khát vọng của chính mình trong những năm tháng chiến tranh.
Anh Nguyễn Thống Nhất, nguyên Trưởng ban Quản lý dự án của Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM từng kể với đồng nghiệp: “Ba má tôi đi tập kết, sanh tôi ở miền Bắc. Ba là bộ đội. Chỉ mong đến ngày thống nhất để được trở về quê hương. Đặt tên tôi là Thống Nhất cũng vì niềm mong ước ấy. Lớn lên, đi học mới biết có nhiều bạn cũng có tên Thống Nhất như mình”.

Con đường mang tên Trung tướng công an Phạm Thái Bường tại phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM.
Hòa Bình, Thanh Bình, Thái Bình cũng là những cái tên được đặt rất nhiều trong giai đoạn 1955 -1975. Chỉ tính trong số bạn bè của người viết bài này, đã có tới 20 người được cha mẹ đặt tên có chữ Bình. Ông Trần Hòa Bình, cháu ruột liệt sĩ Trần Văn Thời (tên được đặt cho một huyện thuộc tỉnh Cà Mau). Ông Lê Thanh Bình, trung tướng, con trai của Trung tướng Lê Thanh Vân, nguyên Giám đốc Công an TP.HCM.
Ông Phan Thanh Bình, con nhà thơ Viễn Phương (tên thật là Phan Thanh Viễn, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật). Nhà báo Nguyễn Hữu Chiến Thắng (cháu ruột của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải), biên tập viên Đài Truyền hình Việt Nam, trong dịp kỷ niệm 48 năm ngày thống nhất đất nước đã nói trong một phóng sự: “Ông nội tôi đặt tên cho tôi là Chiến Thắng. Đó là niềm hy vọng, hy vọng cái ngày cha tôi có thể trở về. Niềm hy vọng đó tôi nghĩ rằng không chỉ riêng có trong gia đình tôi”.
Cụ cựu chiến binh Trần Quốc Minh, 93 tuổi, ở thành phố Đồng Hới, Quảng Bình được khán giả truyền hình nhớ rành rẽ câu chuyện cụ đặt tên cho các con. Trong một lần trở về từ chiến trường, khi nghe vợ hỏi sắp tới đẻ con trai và con gái thì đặt tên gì, cụ đã đặt dự phòng luôn một lèo cho cả sáu đứa (chưa ra đời): Hòa - Bình - Thắng - Lợi - Hạnh - Phúc. Con trai thì lót chữ Quốc, con gái thì lót chữ Minh. Cụ bảo: “Trong chiến tranh, khát vọng cao nhất của mọi người là hòa bình. Đó là hạnh phúc lớn nhất”. Về sau, khi cụ bà đẻ, tên của con gái đầu được đặt là Hòa (sinh năm 1956), con gái út là Phúc (sinh năm 1972).
Cách đặt tên cho con như các trường hợp đã kể không chỉ là ước vọng riêng của mỗi cá nhân, mỗi gia đình. Đó còn là khát vọng đem lại sức mạnh cho mọi người vững vàng đi qua cuộc chiến lâu dài, khốc liệt.

Tháng 1.2008 Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết trao Huân chương Sao vàng cho gia đình Thiếu tướng Trần Tử Bình. Ông Trần Kháng Chiến (giữa) và ông Trần Việt Trung thay mặt gia đình đón nhận phần thưởng cao quý này.
Cùng với thể hiện khát vọng thống nhất, hòa bình, không ít gia đình Việt Nam thời kỳ chiến tranh đã chọn những cái tên mang ý nghĩa chính trị, ngoại giao đặt cho con như một mong muốn giáo dục truyền thống yêu nước cho lớp người kế cận. Khi đất nước tạm thời bị chia cắt bởi vĩ tuyến 17 mà điểm mốc giới tuyến là cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, lập tức sau đó đã có nhiều bậc cha mẹ lấy địa danh đó đặt tên cho con. Bà Nguyễn Thị Hiền Lương, sinh năm 1958, nguyên Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM (bổ nhiệm năm 2009) là một ví dụ.
Gia đình Thiếu tướng Trần Tử Bình, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, nguyên Phó bí thư Quân ủy Trung ương đặt tên con theo những sự kiện lịch sử của đất nước và cột mốc công tác của cha mẹ. Năm 1945, ông Bình tham gia lãnh đạo khởi nghĩa 19.8 ở Hà Nội, còn bà Hưng vợ ông từ Ninh Bình được cử về Hưng Yên tham gia lãnh đạo khởi nghĩa. Bụng mang dạ chửa nhưng bà Hưng vẫn xông xáo chỉ huy tự vệ vũ trang và quần chúng phá kho thóc Nhật ở chùa Đống Long, sau đó cướp chính quyền ở huyện Kim Động rồi cùng bà con tiến ra tỉnh lỵ Hưng Yên. Tháng 11.1945 bà Hưng sinh con gái đầu lòng ở Bần Yên Nhân. Kỷ niệm sự kiện này, ông bà đặt tên con là Yên Hồng với nghĩa “cờ hồng bay trên đất Hưng Yên”.

Vợ chồng Thiếu tướng Trần Tử Bình cùng 8 người con (ông đứng thứ hai, từ trái cạnh con trai thứ Trần Kháng Chiến; bà bế con trai út Trần Việt Trung đứng bìa phải cạnh con gái cả Trần Yên Hồng). Ảnh chụp tại Hà Nội năm 1961.
Tám người con của ông Bình bà Hưng được đặt những cái tên Yên Hồng, Kháng Chiến, Thắng Lợi, Kiến Quốc, Thành Công, Hữu Nghị, Hạnh Phúc, Việt Trung. Không chỉ cho con những cái tên hay, ông bà còn mong muốn các con sống tử tế, làm người có ích cho xã hội, thay vì ỷ lại công lao của mẹ cha để sống chây lười, làm những việc hại cho dân cho nước. Bản thân bà Hưng là một tấm gương sống đẹp. Về hưu, bà nuôi heo để có thêm thu nhập.
Thấy bà ngày ngày xách giỏ ra chợ Cửa Nam xin các cô mậu dịch viên rau nát, rau ủng về nấu cám heo, bà con khu phố - nhất là các bà vợ tướng tá, khuyên ngăn: “Chị làm thế là xấu hổ cho anh nhà - người được chính Bác Hồ phong tướng từ năm 1948!”. Bà cười: “Tôi lao động chân chính, có ăn cắp của ai đâu mà xấu hổ!”. Thấy gia đình bí thư chi bộ khu phố thiếu tiền, bà cho vay để mua lợn giống. Những ngày cuối đời, bà mang ghế ra ngồi ở cổng nhà 99 Trần Hưng Đạo, ngắm phố phường và bà con khối phố đi qua. Chú bí thư chi bộ bán lứa lợn, mang tiền sang trả thì bà lắc đầu: “Tôi chết, có mang tiền đi theo được đâu. Chú cứ cầm mà dùng”.

Đại tá phi công Từ Đễ (trái) và cha - Đại tá, giáo sư, anh hùng lao động Từ Giấy. Ảnh chụp tại Sài Gòn ngày 4.5.197.
Gia đình vợ của Đại tá không quân Từ Đễ thì lấy tên các quốc gia có quan hệ ngoại giao gần gũi với Việt Nam để đặt tên con: Huỳnh Hồng Nga, Huỳnh Hồng Hoa, Huỳnh Quang Việt, Huỳnh Hồng Miên, Huỳnh Quang Lào. Gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đặt tên con theo tên các chiến dịch quân sự: Hòa Bình, Điện Biên.
Riêng gia đình Trung tướng Công an Phạm Thái Bường có lẽ độc đáo hơn cả, chính con ông kể câu chuyện đã được cha đặt tên cho. Năm 1947, khi sinh con gái đầu lòng, ông nói “Nó sanh ra thì nước nhà đã được độc lập, vậy thì tên nó là Độc Lập”. Năm 1951, chiến dịch Hòa Bình nổ ra ở tỉnh Hòa Bình vào tháng 12.1951, đúng lúc vợ của ông Bường sinh đứa con trai thứ hai - vậy đặt tên là Hòa Bình! Năm 1953, Quân đội Nhân dân Việt Nam dồn lực chuẩn bị chiến dịch Điện Biên Phủ, khí thế chiến đấu ngút trời. Vợ ông Bường chuyển dạ con gái thứ ba (sau này là bạn học phổ thông với tôi từ lớp 8 đến lớp 10), ông bảo con nhỏ này tên là Đắc Thắng. Một năm sau, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, Pháp phải ngồi xuống bàn hội nghị quốc tế ký Hiệp định Geneve - đứa con trai thứ tư sanh năm đó nên được đặt tên Thắng Tây!
Tôi đã có lúc cười ngả nghiêng về cách đặt tên kiểu “bôn sê vích” của cha mẹ bạn Phạm Đắc Thắng, cha mẹ của bạn Huỳnh Hồng Miên. Nhưng rồi sau tiếng cười vui là rưng rưng cảm động, vì đằng sau mỗi cái tên cha mẹ đặt cho con là cả một tình cảm sâu sắc của những người yêu nước đã không quản gian khổ hy sinh rất dài lâu để giành được sự yên bình cho Tổ quốc và cho chính gia đình mình. Họ muốn lưu lại thành quả thiêng liêng đó trong cái tên đặt cho những đứa con yêu quý. Mong muốn đó là rất đáng trân trọng và thực sự đã truyền cảm hứng cho tôi - một trong những người thuộc thế hệ được hưởng thành quả hòa bình hôm nay.
Bài: Thanh Nguyễn - Ảnh: CTV
Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/ten-con-va-khat-vong-cua-me-cha-47983.html