Tên lửa ATACMS Mỹ cung cấp cho Ukraine lợi hại cỡ nào?
Tên lửa ATACMS đang rất được chú ý, đặc biệt sau thông tin Tổng thống Mỹ Joe Biden cấp phép cho Ukraine sử dụng loại tên lửa này tấn công sang lãnh thổ Nga.
Ngày 17-11, tờ The New York Times dẫn nguồn tin từ các quan chức Mỹ rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do Mỹ sản xuất để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận về thông tin trên. Nếu thông tin này chính xác thì đây là một quyết định đảo ngược lập trường trước đó của Washington.
Theo các nguồn tin quan chức, việc Mỹ cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa, cụ thể là Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS), đánh sang Nga là nhằm đáp trả thông tin bộ binh Triều Tiên được triển khai để chiến đấu với Ukraine ở tỉnh Kursk (phía tây nước Nga).
Đến hiện tại Ukraine và Mỹ đều chưa lên tiếng xác nhận chính thức thông tin trên.
Bên dưới đây là thông tin về tên lửa ATACMS và tầm bắn thực tế của nó trên lãnh thổ Nga.
Sức mạnh của tên lửa ATACMS
Tên lửa ATACMS được trang bị đầu đạn phân mảnh hoặc đầu đạn chùm, sẽ cho phép quân đội Ukraine nhắm đến các mục tiêu ở khoảng cách vượt xa tầm bắn của tên lửa hành trình và pháo phản lực do phương Tây cung cấp, theo tờ Business Insider.
Tên lửa ATACMS di chuyển với tốc độ siêu thanh với tầm bắn tối đa khoảng 305 km, gấp đôi tầm bắn của tên lửa Tochka-U thời Liên Xô - từng là vũ khí có tầm bắn xa nhất trong kho vũ khí của Ukraine. Tầm bắn của tên lửa ATACMS cũng xa hơn tên lửa hành trình, được phóng từ máy bay, mà Anh và Pháp đã cung cấp cho Ukraine bấy lâu nay.
Loại tên lửa này có thể được bắn từ các bệ phóng của Hệ thống pháo cơ động cao (HIMARS) mà Mỹ đã cung cấp cho Ukraine hoặc từ các hệ thống rocket phóng loạt M270 cũ hơn mà Anh và Đức gửi Kiev.
Theo tờ The New York Times, ATACMS có kích thước lớn hơn so với các loại tên lửa dẫn đường khác. Với chiều dài khoảng 4 m, đường kính 0,6 m và trọng lượng khoảng 1.360 kg, các bệ phóng di động như M142 HIMARS chỉ có thể mang một quả ATACMS mỗi lần, trong khi có thể mang sáu tên lửa dẫn đường thông thường.
Tất cả tên lửa ATACMS được trang bị hệ thống xác định mục tiêu bằng định vị toàn cầu và công nghệ dẫn đường quán tính.
Có mấy phiên bản ATACMS?
Tên lửa ATACMS, phát triển từ thập niên 1980, được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu quan trọng của Liên Xô nằm sâu trong chiến tuyến.
Lầu Năm Góc hiện sở hữu hai phiên bản: mang bom chùm và đầu đạn nổ. Mỹ từng sử dụng khoảng 30 ATACMS trong Chiến dịch Bão táp Sa mạc năm 1991 để tấn công các bệ phóng và hệ thống phòng không của Iraq.
Do lo ngại về bom chùm gây thiệt hại ngoài ý muốn, Mỹ đã cải tiến ATACMS đầu những năm 2000, thay bằng đầu đạn nổ đơn.
Theo The New York Times, hiện Mỹ có 1 nguyên mẫu ATACMS thế hệ mới tên là Tên lửa tấn công chính xác, nhỏ hơn và có thể bay xa hơn. Loại tên lửa hiện đại này sẽ bay tới các phạm vi mà Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung đã cấm trước đây.
Kể từ khi chính quyền Mỹ - thời Tổng thống Donald Trump - quyết định rời khỏi hiệp ước này vào đầu năm 2019, Mỹ đã tăng tốc phát triển loại vũ khí này.
ATACMS có thể đánh tới đâu của Nga?
Đài CNN dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên rằng Ukraine sẽ chủ yếu sử dụng vũ khí này ở tỉnh Kursk của Nga, nơi Ukraine đã bất ngờ tiến quân sang vào mùa hè năm nay.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (Mỹ) ước tính rằng khoảng 250 mục tiêu quân sự của Nga – bao gồm 17 căn cứ không quân – nằm trong phạm vi của ATACMS của Ukraine.
Theo lược đồ bên dưới, khoảng 250 mục tiêu quân sự của Nga ở các tỉnh Bryansk, Rostov, Voronezh đều nằm trong tầm bắn của ATACMS, trong khi các rocket HIMARS không bắn tới được. 17 căn cứ không quân Nga cũng nằm ở các tỉnh vừa nêu, trong đó có 2 điểm quan trọng là trụ sở Trung đoàn ném bom hạng nặng Cận vệ số 52 và Bộ Tư lệnh Quân khu phía Nam của Nga.
Nga phản ứng ra sao?
Ngày 18-11, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng nếu thông tin về việc Tổng thống Mỹ Joe Biden cho phép Ukraine dùng vũ khí tầm xa của Mỹ đánh sang Nga được xác nhận thì đây sẽ là sự leo thang đáng kể của cuộc xung đột, theo đài RT.
"Chắc chắn sẽ tạo ra một vòng xoáy leo thang căng thẳng hoàn toàn mới và là một tình huống hoàn toàn khác biệt về mức độ can thiệp của Mỹ vào cuộc xung đột này” - ông Peskov nói.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga đưa ra lời cảnh báo tới Mỹ và các đồng minh phương Tây rằng việc Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa tấn công sâu vào lãnh thổ Nga đồng nghĩa với sự “tham gia trực tiếp” của phương Tây vào cuộc xung đột.
“Trong trường hợp này, phản ứng của Nga sẽ là tương xứng và rõ ràng” - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói.
Chủ tịch Duma Quốc gia Nga (tức Hạ viện Nga) - ông Vyacheslav Volodin ngày 18-11 nói rằng nếu có cuộc tấn công bằng vũ khí tầm xa vào lãnh thổ Nga, Moscow buộc phải đáp trả.