Tên lửa 'bí ẩn' phóng từ tàu ngầm của Trung Quốc đe dọa Mỹ
Chuyên gia nói tên lửa JL-3 của Trung Quốc có tầm bắn hơn 10.000 km, đủ sức vươn tới Mỹ, làm gia tăng tổn thất của bất kỳ cuộc chiến nào của Mỹ với Trung Quốc.
Trung Quốc đã ba lần thử nghiệm tên lửa tầm xa hiện đại phóng từ tàu ngầm JL-3 nhưng đến nay vẫn giữ kín thông tin về loại tên lửa này.
Theo báo South China Morning Post (SCMP), JL-3 dự kiến sẽ được tích hợp hoàn toàn với tàu ngầm thế hệ kế tiếp của quân đội Trung Quốc trong năm 2025. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn chưa chính thức xác nhận, ngay cả thông tin đang phát triển tên lửa này.
Tầm bắn hơn 10.000 km, đủ sức vươn tới Mỹ
Theo một báo cáo quân sự của Mỹ, JL-3 là một mối đe dọa, đủ sức vươn tới Mỹ.
Giới quan sát nhận định đe dọa này sẽ đem đến cho Trung Quốc hiệu ứng răn đe hạt nhân đáng tin cậy và sức mạnh chống trả cuộc tấn công hạt nhân.
Khi JL-3 hoạt động trên tàu ngầm Trung Quốc, tên lửa này có thể mang được nhiều đầu đạn, kể cả đầu đạn hạt nhân. Tên lửa có tầm bắn hơn 10.000 km.
Đây là kết luận của Trung tâm Tình báo Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Mỹ (NASIC) trong báo cáo Mối đe dọa tên lửa hành trình và đạn đạo, được công bố trong tháng này.
Trong báo cáo, NASIC cho hay Trung Quốc đang phát triển và thử nghiệm các loại tên lửa tấn công cũng như đang nâng cấp các loại tên lửa khác.
“Cuối tháng 11-2018, Trung Quốc thử nghiệm tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm JL-3 ở biển Bột Hải. JL-3 có tầm bắn xa hơn JL-2” – báo cáo cho biết, nhắc tới phiên bản trước đó của JL-3.
Cũng theo báo cáo, số lượng đầu đạn gắn trên tên lửa Trung Quốc có khả năng đe dọa Mỹ dự kiến sẽ tăng lên trong năm năm tới, vượt con số 100, so với 16 đầu đạn như hiện nay.
Kết luận này được phần lớn Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FSA) tán thành. Hôm 19-1, FSA công bố báo cáo, trong đó nói rằng JL-3 là tiến bộ lớn của tên lửa JL-2 đang trong biên chế.
“Thông tin đáng chú ý nhất trong báo cáo NASIC là tên lửa JL-3 mới sẽ có khả năng mang nhiều đầu đạn và có tầm bắn hơn 10.000 km. Đó là sự gia tăng đáng kể về khả năng (của JL-3) so với tên lửa JL-2” – báo cáo FSA có đoạn. JL-2 có tầm bắn khoảng 7.200 km.
Theo FSA mặc dù tầm bắn gia tăng nhưng ngay cả tàu ngầm tốt nhất của Trung Quốc sẽ không thể tấn công lục địa Mỹ bằng JL-3 từ Biển Đông. Nếu muốn làm được điều này, tàu ngầm Trung Quốc sẽ phải phóng tên lửa từ biển Bột Hải – khu vực gần Hàn Quốc và Nhật Bản hơn, do ở vị trí đó tàu ngầm Trung Quốc ít có nguy cơ bị phát hiện.
Tăng rủi ro, tổn thất cho cuộc chiến Mỹ-Trung
Chuyên gia an ninh cấp cao Malcolm Davis tại Viện Chính sách Chiến lược Úc cho rằng sự phát triển tên lửa của Trung Quốc mang lại cho nước này khả năng chống trả tấn công hạt nhân.
Tuy vậy, ông Davis cho biết tên lửa JL-3 phải được phóng cách xa bờ biển Trung Quốc mới có thể tấn công bờ biển phía đông của Mỹ.
“Vì JL-3 cần được vận hành từ biển Bột Hải để mang đầu đạn tấn công lục địa phía tây của Mỹ hoặc tiến sâu hơn vào phía chuỗi đảo thứ hai để vươn tới bờ biển phía đông của Mỹ, đây sẽ là thách thức đối với Trung Quốc để triển khai tàu ngầm phóng tên lửa đạn đạo một cách bất thường mà không bị phát hiện” – ông Davis nói.
Chuyên gia an ninh Timothy Heath tại viện chính sách Rand Corporation của Mỹ nhận xét cùng với tên lửa DF-41, JL-3 là vũ khí đáng sợ, giúp Trung Quốc có phương tiện hiệu quả để nhắm tới lục địa Mỹ từ khoảng cách cực xa.
“Khả năng về vũ khí hạt nhân và thông thường của quân đội Trung Quốc làm gia tăng rủi ro và tổn thất của bất kỳ cuộc chiến nào của Mỹ với Trung Quốc” – ông Heath nói.
“Mục đích là thuyết phục Mỹ rằng cuộc chiến như vậy là không đáng để xảy ra rủi ro, cho phép Trung Quốc “giành chiến thắng” trong cuộc đối đầu của nước này với những khu vực lân cận như Đài Loan mà không cần đấu với Mỹ” – chuyên gia nói thêm.
Theo SCMP, tháng 5-2020, nhóm nghiên cứu phát triển tên lửa JL-3 nằm trong danh sách 10 ứng viên được đề cử Giải thưởng Quốc gia về Sáng tạo xuất sắc năm 2020.