Trong cuộc bạo loạn diễn ra ở Kazakhstan, những kẻ cực đoan tại Almaty đã chiếm giữ 6 tổ hợp tên lửa Igla (MANPADS) từ kho vũ khí của Ủy ban An ninh Quốc gia. Sự việc trên được kênh điện tín VChK-OGPU cho biết.
Hiện tại tung tích của các hệ thống tên lửa phòng không vác vai nói trên vẫn chưa được xác định, việc tìm kiếm chúng vẫn tiếp tục với nỗ lực cao nhất, bởi đây là vũ khí được đánh giá là cực kỳ nguy hiểm.
Vào hôm thứ tư, ngày 5/1/2022, khoảng 100 kẻ cực đoan được trang bị gạch đá và thanh kim loại đã cuộc tấn công vào tòa nhà của Ủy ban An ninh Quốc gia. Ngoài MANPADS, áo giáp, súng đạn và các loại vũ khí khác đã rơi vào tay đối phương.
Ngày hôm sau, lực lượng an ninh đã tiến hành một chiến dịch chống lại những người biểu tình quá khích. Các phần tử cực đoan bị bao vây ở trung tâm Almaty và bị cô lập bởi hàng rào xe bọc thép chở quân.
Ngay sau đó, một cuộc đọ súng bắt đầu nổ ra và một lúc sau quân đội rời khỏi quảng trường, khi đó tại hiện trường chỉ còn lại một nhóm nhỏ người biểu tình chưa chịu rời đi.
Các nhà chức trách Kazakhstan đang thực hiện nhiều biện pháp để giải quyết tình hình. Vào hôm thứ sáu, ngày 7/1/2022, một cuộc họp của ủy ban chống khủng bố đã được tổ chức tại Nur-Sultan.
Trước nguy cơ cao, Tổng thống Kassym-Zhomart Tokayev tuyên bố bắt đầu hoạt động chống khủng bố. Trước đó, nguyên thủ quốc gia đã kêu gọi các quốc gia CSTO hỗ trợ Kazakhstan trong việc thiết lập trật tự hiến pháp ở nước này.
Đáp lời kêu gọi từ Kazakhstan, Nga đã lập tức ra lệnh cho lực lượng đặc nhiệm Dù cơ động gấp tới quốc gia Trung Á này trên nhiều máy bay vận tải hạng nặng Il-76 mà không cần quốc hội thông qua, bởi đây là điều khoản ghi rõ trong hiến chương thành lập khối CSTO.
Tuy nhiên khi những phần tử cực đoan tại Kazakhstan đã có trong tay tên lửa phòng không vác vai Igla, dự kiến Nga sẽ phải cẩn trọng và cân nhắc kỹ lưỡng việc tiếp tục điều quân tới quốc gia này bằng máy bay.
Cần nói thêm, 9K38 Igla là tổ hợp tên lửa vác vai phòng không tầm thấp (NATO định danh là SA-18 Grouse) được cục thiết kế KBM Liên Xô phát triển từ đầu những năm 1980.
Loại tên lửa này chính thức được chấp nhận trang bị trong lực lượng vũ trang Liên Xô từ năm 1983. Và đã được xuất khẩu tới khoảng 20 - 30 quốc gia trên khắp thế giới và đạt hiệu quả cao trong một vài cuộc xung đột vũ trang.
Toàn bộ tổ hợp tên lửa Igla khi chiến đấu có trọng lượng khoảng 17,9 kg với phần đạn nặng 10,8 kg (lắp đầu đạn nổ phá mảnh 1,17 kg), trang bị đầu dò hồng ngoại cải tiến khả năng đối phó với các biện pháp gây nhiễu của máy bay chiến đấu đối phương.
Đặc biệt, đầu dò của Igla tăng khả năng đánh chặn mục tiêu ở bán cầu trước, ngoài khả năng bắt bám bán cầu sau - hay chính là phần động cơ - vị trí tỏa nhiệt mạnh nhất. Đạn tên lửa tổ hợp Igla có thể hạ mục tiêu ở cự ly đến 5,2 km, độ cao 3,5 - 4 km.
Hệ thống tên lửa phòng không vác vai này còn được gắn trên xe thiết giáp, đưa lên tàu chiến hay thậm chí là tích hợp vào trực thăng vũ trang để trở thành tên lửa không đối không.
Bạch Dương