Tên lửa PrSM: Bước ngoặt mới trên chiến trường hiện đại?

Là phiên bản kế nhiệm của ATACMS, tên lửa PrSM có tầm bắn gần 500km, độ chính xác cao hơn nhờ GPS, khả năng chống gây nhiễu…

PrSM phải trở thành "át chủ bài" của Lockheed Martin

Loại tên lửa thay thế cho hệ thống tên lửa chiến thuật MGM-140 ATACMS của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đang dần lộ diện rõ hơn, với cái tên khá đúng bản chất: Precision Strike Missile (PrSM) - Tên lửa tấn công chính xác.

Lô tên lửa đạn đạo tầm ngắn đầu tiên đã được bàn giao cho Lục quân Mỹ vào tháng 12/2023. Quân đội Mỹ vừa trao cho tập đoàn hàng không vũ trụ và quốc phòng Lockheed Martin một hợp đồng khung (IDIQ) trị giá gần 5 tỷ USD.

Theo Lockheed Martin, "Hợp đồng IDIQ cho phép Lục quân Mỹ đặt mua tên lửa PrSM một cách linh hoạt và hiệu quả, đồng thời tăng đáng kể năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng".

Tên lửa PrSM có thể được phóng từ hệ thống HIMARS. (Ảnh: National Interest)

Tên lửa PrSM có thể được phóng từ hệ thống HIMARS. (Ảnh: National Interest)

Số lượng tên lửa được sản xuất cho quân đội Mỹ và lịch trình giao hàng cụ thể hiện chưa được tiết lộ. Bên cạnh hợp đồng mới nhất này, Lockheed Martin cũng sản xuất PrSM cho Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ và quân đội Úc.

Hợp đồng sản xuất hệ thống tên lửa này được trao chỉ vài tuần sau khi Lockheed Martin - nhà thầu quốc phòng lớn nhất thế giới - để vuột mất hợp đồng đầy tiềm năng với Không quân Hoa Kỳ trong chương trình máy bay có người lái thế hệ thứ sáu, trung tâm của dự án NGAD.

Ngoài ra, vào tháng trước, Lockheed Martin cũng bị loại khỏi chương trình máy bay chiến đấu thế hệ 6 của Hải quân Mỹ - F/A-XX.

Sức mạnh của tên lửa PrSM

Tên lửa PrSM có thể được phóng từ hệ thống HIMARS (Hệ thống pháo phản lực cơ động cao M142) - một loại pháo phản lực hạng nhẹ do Lockheed phát triển từ những năm 1990. Là phiên bản kế nhiệm của ATACMS, PrSM có tầm bắn gần 500km, độ chính xác cao hơn nhờ GPS và khả năng chống gây nhiễu, đồng thời có thể mang được nhiều tên lửa hơn ở mỗi bệ phóng.

PrSM cũng có thể được triển khai với hệ thống MLRS M270A2. Các phiên bản tiếp theo của PrSM sẽ tập trung vào mở rộng tầm bắn, tăng khả năng sát thương và có thể tấn công các mục tiêu di động, mục tiêu có thời gian ngắn, kiên cố hoặc khó xác định. Lockheed Martin đã sử dụng các công cụ kỹ thuật số, bao gồm thực tế tăng cường, mô hình mô phỏng tiên tiến ARISE, phân tích dữ liệu và hệ thống sản xuất phần mềm để cải tiến khả năng của PrSM.

Tạp chí Army Recognition đưa tin rằng cuộc thử nghiệm mới nhất của PrSM được tiến hành tại Căn cứ Lực lượng Không gian Vandenberg, bang California, vào ngày 24/3. Bài báo nêu rõ: "Cuộc thử nghiệm đánh dấu một cột mốc nữa trong quá trình phát triển tên lửa, chứng minh khả năng tấn công chính xác và củng cố vai trò của nó trong việc tăng cường ưu thế trên không của Lục quân Hoa Kỳ".

Lục quân Mỹ đã yêu cầu một phiên bản nâng cấp của loại vũ khí này, bao gồm Increment 2 với đầu dò đa chế độ, còn gọi là đầu dò tên lửa chống hạm đặt trên đất liền - LBASM và phiên bản Increment 3 (PrSM Inc 3) nhằm tăng tải trọng sát thương.

Lục quân cũng đã lựa chọn cả Lockheed Martin và liên danh Raytheon Technologies - Northrop Grumman để phát triển phiên bản cạnh tranh PrSM Inc 4, có khả năng bay xa hơn 1.000 km (gấp đôi tầm bắn hiện tại.

Thế Hải (National Interest)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ten-lua-prsm-buoc-ngoat-moi-tren-chien-truong-hien-dai-204250408223818672.htm