Tên lửa siêu thanh Oreshnik của Nga nguy hiểm đến mức nào?

Nga được cho là đang thử nghiệm tên lửa siêu thanh RS-26 'Oreshnik' nhằm chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới tại Ukraine, trong bối cảnh căng thẳng quân sự gia tăng và các diễn biến trên chiến trường ngày càng phức tạp.

Theo chuyên gia Dylan Malyasov từ trang Defence-Blog.com, các cảnh báo “thông báo cho phi công” (NOTAM) mới đây do quân đội Nga ban hành đã hạn chế quyền tiếp cận không phận quanh bãi thử tên lửa Kapustin Yar, một địa điểm nổi tiếng từ thời Liên Xô. Đây là dấu hiệu cho thấy khả năng Nga đang tiến hành các cuộc thử nghiệm vũ khí, cụ thể là hệ thống tên lửa siêu thanh tầm xa Oreshnik.

Ấn phẩm quốc phòng Ukraine, Militarnyi, đưa tin rằng đợt NOTAM gần đây được áp dụng trong hai ngày 12 và 13.5. Nhiều dấu hiệu cho thấy đây là thời điểm mà hệ thống Oreshnik được đưa vào thử nghiệm thực tế. Đây không phải là lần đầu tiên Oreshnik xuất hiện trong bối cảnh xung đột. Vào ngày 21.11 năm ngoái, Moscow từng sử dụng loại tên lửa này để tấn công thành phố Dnipro nhằm đáp trả việc Mỹ và Anh cho phép các lực lượng Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga bằng tên lửa hành trình.

Các báo cáo của phương tiện truyền thông phương Tây cho biết Oreshnik có thể là phiên bản thu nhỏ của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Nga Yars-M - Ảnh: Getty

Các báo cáo của phương tiện truyền thông phương Tây cho biết Oreshnik có thể là phiên bản thu nhỏ của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Nga Yars-M - Ảnh: Getty

Dù vậy, cuộc tấn công bằng Oreshnik vào tháng 11.2024 được đánh giá là không nhằm gây thiệt hại tối đa. Nga dường như đã không trang bị loại đầu đạn mạnh nhất cho tên lửa trong lần phóng đó. Giới phân tích cho rằng, nếu thực sự muốn kết thúc cuộc chiến một cách nhanh chóng, Moscow hoàn toàn có khả năng sử dụng Oreshnik với hiệu suất hủy diệt cao hơn.

Oreshnik có khả năng đạt tốc độ lên tới Mach 10 tương đương hơn 12.000 km/giờ và có tầm bắn khoảng 4.800km. Điều này khiến nó đủ sức tấn công hầu như mọi mục tiêu tại châu Âu, thậm chí là cả vùng bờ Tây của Mỹ. Với tư cách là vũ khí siêu thanh, Oreshnik gần như miễn nhiễm với các hệ thống phòng thủ hiện tại. Hệ thống duy nhất của phương Tây được cho là có khả năng đánh chặn Oreshnik là THAAD - hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối do Mỹ phát triển. Tuy nhiên, đến nay, THAAD chưa từng chứng minh được năng lực trong việc đánh chặn vũ khí siêu thanh trong thực chiến.

Trong cuộc xung đột gần đây tại Trung Đông, lực lượng Houthi ở Yemen đã sử dụng một loại vũ khí siêu thanh có tên Palestine-2 nhằm vào Sân bay quốc tế Ben-Gurion của Israel. Dù chỉ là một hệ thống sơ khai, Palestine-2 vẫn có thể qua mặt THAAD. Điều này cho thấy giới hạn trong khả năng phòng thủ hiện tại. Khi đặt trong tương quan với Oreshnik, một sản phẩm tiên tiến hơn nhiều lần, mối đe dọa đối với các nước phương Tây càng trở nên đáng lo ngại.

Oreshnik không chỉ mạnh về tốc độ và tầm xa mà còn có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Điều này khiến nó trở thành một công cụ răn đe chiến lược quan trọng của Nga, đặc biệt trong bối cảnh Moscow muốn gây áp lực buộc Kyiv phải ngồi vào bàn đàm phán.

Theo các nguồn tin, đây không phải lần đầu Nga ban hành NOTAM quanh khu vực Kapustin Yar. Trước đó, vào tháng 12.2024, cũng đã có động thái tương tự, dẫn đến một đợt tấn công quy mô lớn của Nga nhằm vào Ukraine với nhiều loại tên lửa khác nhau, bao gồm cả vũ khí siêu thanh. Diễn biến này củng cố giả thuyết rằng Moscow đang chuẩn bị cho một chiến dịch quân sự mới nhằm tạo bước ngoặt trên chiến trường.

Thông điệp mà Nga gửi đi thông qua các vụ thử Oreshnik là rõ ràng. Với Ukraine, đó là lời cảnh báo rằng Moscow sẵn sàng sử dụng những công cụ quân sự tối tân nhất nếu các cuộc đàm phán không được nối lại. Với các nước phương Tây, đặc biệt là châu Âu và chính quyền Mỹ, đó là lời nhắc rằng Nga không chỉ trụ vững trước các biện pháp trừng phạt, mà còn phát triển mạnh mẽ năng lực công nghiệp quốc phòng.

Thực tế cho thấy Nga đã chuyển nền kinh tế sang mô hình thời chiến, tập trung vào phát triển công nghệ quốc phòng hiện đại, trong khi Mỹ và các đồng minh vẫn đang tìm cách rút ngắn khoảng cách trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh. Dù Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng Mỹ) đã đầu tư đáng kể vào các dự án phát triển vũ khí tương tự, các hệ thống này vẫn chưa đạt đến mức độ triển khai thực tế.

Trong trường hợp Nga phát động một cuộc tấn công quy mô lớn với các loại vũ khí như Oreshnik, khả năng phòng thủ của Ukraine sẽ bị đẩy vào thế bất lợi nghiêm trọng. Điều này có thể tạo điều kiện để lực lượng mặt đất của Nga mở rộng kiểm soát các vùng lãnh thổ mới. Một chiến thắng quân sự rõ ràng có thể khiến Moscow đánh giá rằng việc kéo dài chiến sự là có lợi hơn so với đàm phán, từ đó làm phức tạp thêm các nỗ lực ngoại giao.

Chuyên gia quân sự Brandon J. Weichert cho rằng các nhà lãnh đạo phương Tây cần sớm nhìn nhận thực tế rằng họ đang tụt hậu trong cuộc đua công nghệ quốc phòng, đặc biệt là trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh. Việc khắc phục những hạn chế hiện tại đòi hỏi thời gian, sự cam kết chính trị và phân bổ nguồn lực hợp lý. Trong khi đó, Ukraine đang ngày càng đối mặt với nguy cơ sụp đổ nếu không có sự hỗ trợ thích hợp hoặc một lộ trình đàm phán rõ ràng.

Các vụ thử nghiệm Oreshnik mới nhất có thể được coi là một hồi chuông cảnh tỉnh. Trong bối cảnh này, việc thúc đẩy các giải pháp đàm phán nhằm tránh leo thang xung đột và bảo vệ Ukraine có thể là con đường duy nhất mang lại hiệu quả lâu dài.

Hoàng Vũ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/ten-lua-sieu-thanh-oreshnik-cua-nga-nguy-hiem-den-muc-nao-232713.html