Tên lửa Triều Tiên vừa phóng nghi là 'quái vật' Hwasong-17
Một nguồn tin quốc phòng cho biết vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) – được cho là Hwasong-17 – của Triều Tiên hôm 3/11 dường như đã thất bại.
Tên lửa được phóng từ khu vực Sunan ở Bình Nhưỡng lúc 7h40’, bay khoảng 760km, đạt độ cao 1.920km với tốc độ tối đa Mach 15, theo Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân (JCS) Hàn Quốc.
Tuy nhiên sau khi phân tách giai đoạn hai, vụ phóng dường như đã thất bại, nguồn tin cho biết, đồng thời nhận định tên lửa mà Triều Tiên vừa phóng là tên lửa được mệnh danh "quái vật" Hwasong-17.
Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên đã khiến cảnh báo vang lên khắp khu vực miền Bắc và miền Trung Nhật Bản. Bộ Quốc phòng Nhật Bản sau đó khẳng định tên lửa không bay qua nước này và đã rơi xuống biển.
Đây là lần thứ 7 Triều Tiên phóng ICBM trong năm nay và là lần đầu tiên kể từ cuối tháng 5. JCS cũng cho biết đã phát hiện 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) được phóng từ Kaechon ở tỉnh Nam Pyongan lúc khoảng 8h39’ sáng. Các tên lửa này đã bay khoảng 330km, đạt độ cao tối đa 70km và tốc độ tối đa Mach 5.
Triều Tiên được cho là đã một lần nữa tìm cách chứng tỏ sức mạnh quân sự của mình để phản đối cuộc tập trận không quân lớn kéo dài 5 ngày của Mỹ và Hàn Quốc.
Nhưng việc Bình Nhưỡng tiếp tục có những hành động khiêu khích nghiêm trọng đã khiến Seoul và Washington quyết định kéo dài cuộc tập trận Vigilant Storm. Không quân Hàn Quốc công bố quyết định này vài giờ sau khi tên lửa ICBM của Triều Tiên khai hỏa, nhưng không cho biết khi nào cuộc tập trận sẽ kết thúc.
Các hành động khiêu khích của Triều Tiên diễn ra một ngày sau khi nước này phóng hơn 20 tên lửa và 100 quả đạn pháo về phía Biển Nhật Bản, vụ phóng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Một tên lửa trong số đó đã rơi xuống khu vực cách bờ biển Hàn Quốc chỉ 60km.
Hàn Quốc và Mỹ đã huy động hơn 240 máy bay, bao gồm cả máy bay chiến đấu tàng hình, cho cuộc tập trận Vigilant Storm. Bình Nhưỡng từ lâu đã lên án các cuộc tập trận quân sự chung giữa Seoul và Washington là cuộc diễn tập cho hành động xâm lược. Đáp lại, 2 nước đồng minh nhấn mạnh các cuộc tập trận chỉ mang tính chất phòng thủ.