Một quan chức Mỹ hôm 9-1 dẫn nguồn tin tình báo nói rằng chuyến bay mang số hiệu PS752 của hãng Hàng không Quốc tế Ukraine (UIA) bị tên lửa phòng không Tor-M1 của Iran bắn hạ sáng 8-1-2020.
Thông tin được đưa ra dựa trên phân tích dữ liệu từ vệ tinh, radar và các hệ thống trinh sát điện tử do quân đội, tình báo Mỹ thu thập được.
Người dùng mạng xã hội Iran cũng chia sẻ hình ảnh chưa được xác minh cho thấy phần đầu tên lửa Tor gần nơi máy bay rơi, trong khi truyền thông Mỹ công bố video nghi là tên lửa phòng không bắn trúng máy bay Ukraine.
Điều này đã khiến nhiều chuyên gia quân sự đặt ra giả thuyết một khẩu đội tên lửa phòng không Tor-M1 Iran đã vô tình bắn rơi chiếc Boeing 737-800 khi đang báo động đề phòng đòn tập kích đáp trả của Mỹ. Iran đến nay vẫn bác bỏ các cáo buộc này.
Tor là hệ thống phòng không tầm ngắn tự hành được Liên Xô phát triển từ năm 1975 và đưa vào biên chế năm 1986.
Đây là tổ hợp phòng không đầu tiên trên thế giới được thiết kế nhằm đánh chặn vũ khí dẫn đường chính xác như tên lửa hành trình AGM-86 ALCM của Mỹ trong mọi điều kiện thời tiết và tác chiến, kể cả khi bị đối phương gây nhiễu.
Hệ thống điều khiển hỏa lực kỹ thuật số giúp tính tự động hóa của Tor-M1 cao hơn nhiều so với các hệ thống phòng không trước đó của Liên Xô.
Nó có thiết bị nhận diện địch - ta (IFF) và phân loại mối đe dọa hoàn toàn tự động. Radar dẫn bắn dùng công nghệ mảng pha điện tử quét thụ động (PESA) bảo đảm độ chính xác ngay cả với những mục tiêu nhỏ, có khả năng cơ động cao như tên lửa hành trình.
Tor cũng có thể đánh chặn máy bay, trực thăng, trinh sát cơ không người lái (UAV) và cả bom dẫn đường.
Nó là một trong những lá chắn cuối cùng bảo vệ các vị trí trọng yếu nếu các hệ thống phòng không tầm xa và tầm trung bất lực. Việc đặt trên khung gầm bánh xích cũng cho phép tổ hợp Tor liên tục cơ động phòng thủ theo đội hình bộ binh cơ giới.
Mỗi xe chiến đấu của Tor -M1là hệ thống khép kín gồm bệ phóng, radar cảnh giới và radar điều khiển hỏa lực (TLAR).
Các quả đạn được đặt trong ống bảo quản kiêm bệ phóng thẳng đứng, sử dụng cơ cấu phóng nguội tương tự tên lửa S-300. Tổ lái của xe chiến đấu có 4 người gồm lái xe và ba thành viên kíp trắc thủ.
Hệ thống Tor-M1 có thể chuyển từ trạng thái cơ động sang sẵn sàng chiến đấu trong vòng 3 phút, thời gian từ lúc phát hiện mục tiêu cho đến phóng đạn không quá 12 giây.
Phiên bản Tor nguyên gốc có thể phát hiện cùng lúc 48 tiêm kích từ khoảng cách 25 km và bám bắt tự động khi đang di chuyển. Tuy nhiên, các phiên bản Tor đời cũ không thể phóng tên lửa trong hành tiến, tính năng này chỉ được thử nghiệm với biến thể Tor-M2U hiện đại của Nga.
Mỗi xe Tor-M1 được trang bị 8 tên lửa 9M330 với chiều dài 3 m, đường kính 0,2 m và nặng 167 kg. Tên lửa mang đầu nổ mảnh nặng 15 kg, có tầm bắn tối đa 12 km và độ cao 6 km.
Quả đạn có thể đạt tốc độ tối đa 3.500 km/h, dẫn đường bằng sóng vô tuyến và lắp ngòi nổ cận đích, cho phép diệt mục tiêu mà không cần va chạm trực tiếp.
Khẩu đội chiến đấu tiêu chuẩn của Tor-M1 thường có 4 xe TLAR, một xe chỉ huy Ranzhir để điều phối tác chiến và kết nối với mạng lưới phòng không, cùng xe hậu cần kỹ thuật và nạp đạn.
Iran năm 2005 ký hợp đồng đặt mua 29 hệ thống Tor-M1 của Nga với trị giá 700 triệu USD. Các tổ hợp này được Nga bàn giao từ năm 2006 và đưa vào vận hành sau đó một năm, trở thành một trong những tổ hợp phòng không hiện đại nhất của Tehran.
Đây là biến thể nâng cấp được Nga ra mắt năm 1991 cùng tên lửa 9M331. Gói nâng cấp Tor-M1 tăng độ chính xác cho quả đạn và cho phép mỗi xe chiến đấu tấn công hai mục tiêu cùng lúc. Cảm biến quang học và máy tính điều khiển được cải tiến, khả năng kháng nhiễu cũng được tăng cường.
Jeremy Bogaisky, biên tập viên quốc phòng của Forbes, cho rằng hệ thống Tor-M1 hoàn chỉnh sẽ có hàng loạt biện pháp để nhận diện chiếc Boeing 737-800 là máy bay dân sự, nhưng kíp vận hành vẫn có thể phạm sai lầm trong những giờ phút gấp gáp sau đòn tập kích vào lực lượng Mỹ trên lãnh thổ Iraq.
Là tổ hợp phòng không tầm ngắn, Tor-M1 chỉ có tầm bắn tối đa khoảng 12 km, khiến kíp vận hành chỉ có chưa đầy 20 giây để quyết định phóng đạn hay không trước khi mục tiêu vượt khỏi tầm khống chế.
"Đó là khoảng thời gian cực ngắn để suy nghĩ và hành động", Michael Elleman, chuyên gia phòng thủ tên lửa tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), nhận xét.
Khi lực lượng phòng không Iran phải duy trì trạng thái báo động cao, sẵn sàng đối phó với các đòn tập kích đường không để đáp trả của Mỹ, họ chịu áp lực tâm lý rất lớn.
"Họ có thể nghiêng về phương án 'bắn trước hỏi sau' trong trường hợp này", Elleman nhận định.
Việt Hùng (Army Recognition)