Tên mới và ý kiến của người dân

Yếu tố lịch sử, đặc tính văn hóa vùng, miền, độ nhận diện thương hiệu của địa danh... là những yếu tố cần xét đến trong việc lựa chọn những cái tên mới để đặt tên cho đơn vị hành chính địa phương sau khi sáp nhập.

Vùng đất cách mạng Lộc Lâm đang chuyển mình mạnh mẽ cùng đất nước

Vùng đất cách mạng Lộc Lâm đang chuyển mình mạnh mẽ cùng đất nước

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đức Minh - người dân ở xã Lộc Ngãi (huyện Bảo Lâm), cho hay: “Qua theo dõi phương án sắp xếp 1 thị trấn, 12 xã (dự kiến xã Lộc Tân sẽ nhập vào Bảo Lộc - PV) của huyện Bảo Lâm thành 5 đơn vị hành chính cơ sở mới, đặt tên theo thứ tự xã Bảo Lâm 1 (gồm thị trấn Lộc Thắng, xã Lộc Quảng, xã Lộc Ngãi), xã Bảo Lâm 2 (gồm xã Lộc An, xã Lộc Đức, xã Tân Lạc), xã Bảo Lâm 3 (gồm xã Lộc Thành, xã Lộc Nam), xã Bảo Lâm 4 (gồm xã Lộc Phú, xã Lộc Lâm, xã B’Lá), xã Bảo Lâm 5 (gồm xã Lộc Bảo và xã Lộc Bắc), tôi thấy lãnh đạo huyện Bảo Lâm đã tuân thủ hướng dẫn của Bộ Nội vụ về việc đặt tên các đơn vị hành chính sau khi sáp nhập”.

Ông Nguyễn Văn Nam lại có cái nhìn khác ông Minh, khi cho rằng phương án dự kiến lấy tên huyện (Bảo Lâm trước sáp nhập) rồi đánh số thứ tự 1, 2, 3, 4, 5 để đặt tên cho các xã mới sau sáp nhập chưa thể hiện được chiều dài lịch sử, chiều sâu văn hóa của những địa danh đã là một phần lịch sử trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ như xã Lộc Bắc (cả xã Lộc Bảo), xã Lộc Lâm (cả xã Lộc Phú), xã Lộc An (cả xã Tân Lạc, xã Lộc Đức), xã Lộc Nam... - những căn cứ địa cách mạng, được Nhà nước phong tặng danh hiệu xã Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Theo ông Nam, đây là những địa danh lịch sử, văn hóa rất cần được bảo tồn để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau. Nếu so với 4 xã Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân như nêu ở trên, địa danh Bảo Lâm “trẻ” hơn (31 năm, từ năm 1994 đến nay - 2025), chưa đủ dài để kiến tạo nên những giá trị lịch sử, giá trị văn hóa. Do vậy, dư luận đặt câu hỏi: Tại sao không sử dụng lại những địa danh cũ gắn với lịch sử, truyền thống của địa phương như tên của 4 xã Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân đặt tên cho các xã mới sau sáp nhập? Cách đặt tên này, vừa đảm bảo đúng nguyên tắc tại Quyết định số 759/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, vừa phát huy được giá trị lịch sử, truyền thống của những địa danh lịch sử kể trên.

Theo dự kiến phương án sắp xếp của UBND TP Bảo Lộc, từ 6 phường (gồm Phường 1, Phường 2, phường Lộc Phát, phường Lộc Tiến, phường B’Lao, phường Lộc Sơn) và 5 xã (gồm xã Lộc Thanh, xã Lộc Nga, xã Đam B’ri, xã Lộc Châu, xã Đại Lào), cộng thêm xã Lộc Tân (của huyện Bảo Lâm hiện tại), Bảo Lộc sẽ sáp nhập thành 4 đơn vị hành chính cơ sở. Tên mới của các đơn vị hành chính cơ sở dự kiến như sau: Phường 1 - Bảo Lộc, Phường 2 - Bảo Lộc, Phường 3 - Bảo Lộc và phường B’Lao - Bảo Lộc. Nói về cách đặt tên phường mới, ông Nguyễn Văn Tiến - người dân ở xã Lộc Nga, bộc bạch: “Tôi nghĩ do xuất phát từ thực tiễn quản lý hành chính nên lãnh đạo TP Bảo Lộc đã đề xuất phương án tên gọi dự kiến các đơn vị hành chính cơ sở sau sáp nhập như vậy! Nhưng cá nhân tôi cho rằng, việc nghe tên địa danh gắn liền với lịch sử vẫn cảm thấy gần gũi hơn việc chỉ gọi tên Phường 1, Phường 2, Phường 3..., rồi phải mở ngoặc thêm chỉ dẫn địa lý Bảo Lộc ở phía sau tên gọi các phường”. Từ thực tế trải nghiệm của bản thân, sinh tại Bảo Lộc và nay đã ở tuổi 65, ông Tiến chia sẻ, những ai gắn bó đủ lâu với vùng đất Bảo Lộc đều biết cái tên Đại Nga - nổi tiếng với những vườn dâu xanh mướt và người dân giỏi giang thu mỗi sào vài tấn cà phê nhân, đất Thanh - Phát bạt ngàn cà phê - trà, đất Thiện Lập trồng lúa - rau - hoa, đất Lộc Thiện nghĩa tình - con người Lộc Thiện năng động, đất Lộc Tiến góp phần làm nên thương hiệu trà B’Lao...

Theo ông Tiến, những cái tên kể trên không chỉ là địa danh, còn là cả một quãng đời của những người đã gắn bó với vùng đất B’Lao từ thời B’Lao đang còn là vùng đất thưa thớt bóng người. Nếu lấy những tên chất chứa những giá trị lịch sử, giá trị văn hóa đó để đặt tên mới cho đơn vị hành chính cơ sở mới chắc chắn nhận được sự đồng thuận cao của người dân, qua đó tạo đòn bẩy cho sự phát triển và hội nhập, bên cạnh vẫn giữ được các giá trị văn hóa truyền thống của địa danh.

TRỊNH CHU

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/toa-soan-ban-doc/202505/ten-moi-va-y-kien-cua-nguoi-dan-0001473/