Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, tại sao con trai Triệu Vân không được La Quán Trung đưa lên trận mạc?
Trong Tam quốc diễn nghĩa, con trai của Quan Vũ và Trương Phi được miêu tả anh dũng, còn con trai Triệu Vân lại gần như vắng bóng. Điều này trái ngược với chính sử. Vì sao La Quán Trung lại xây dựng như vậy?
Theo chính sử, Quan Hưng – con trai của Quan Vũ, và Trương Bảo – con trai của Trương Phi đều chết trẻ, không có nhiều cơ hội thể hiện trên chiến trường. Tuy nhiên, trong Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung lại xây dựng hai nhân vật này như những anh hùng kế thừa lý tưởng và sự nghiệp của cha. Sau cái chết của Quan Vũ và Trương Phi, Quan Hưng và Trương Bảo được miêu tả đi theo Lưu Bị đánh Ngô báo thù, rồi tiếp tục tham gia các cuộc Bắc phạt do Gia Cát Lượng chỉ huy.
Đặc biệt, trong trận Hao Đình, Quan Hưng đã giết chết Phan Chương – kẻ thù của cha mình – và giành lại Thanh Long Yển Nguyệt Đao. Cả hai nhân vật này sau đó được khắc họa như những tướng lĩnh tài ba trong các chiến dịch quân sự chống Ngụy. Trương Bảo, người có sức chiến đấu mạnh mẽ và khả năng quân sự vượt trội, được La Quán Trung mô tả như một người kế thừa hoàn hảo của Trương Phi, thậm chí được Gia Cát Lượng kỳ vọng rèn luyện thành tướng lĩnh chủ chốt.
Thế nhưng, khi đang truy đuổi Quách Hoài và Tôn Lễ, Trương Bảo không may rơi xuống núi và tử trận. Sự ra đi của ông khiến Gia Cát Lượng đau đớn đến mức bật khóc, nôn ra máu và ngã bất tỉnh. Sau đó, ông đổ bệnh nặng và không bao giờ khỏi lại. Quan Hưng thì tiếp tục chiến đấu nhưng cũng ra đi trước khi cuộc Bắc phạt cuối cùng diễn ra.

Ảnh minh họa.
Trong suốt Tam quốc diễn nghĩa, hai người con trai của Triệu Vân là Triệu Quảng và Triệu Thống chỉ xuất hiện một lần duy nhất, đó là khi họ đến báo tang sau cái chết của cha. Từ đó về sau, họ không được nhắc đến lần nào nữa.
Điều này gây bất ngờ, bởi trong chính sử, con trai của Triệu Vân cũng từng tham gia chiến trận và có đóng góp nhất định cho Thục Hán. Tuy nhiên, có ba nguyên nhân chính khiến La Quán Trung không đưa họ vào tác phẩm.
Thứ nhất, Quan Vũ và Trương Phi là hai nhân vật chính, có sức hút lớn trong lòng độc giả. La Quán Trung, vốn thiên về việc đề cao Lưu Bị và những người thân cận của ông, đã khéo léo xây dựng Quan Hưng và Trương Bảo như những phiên bản tiếp nối cha mình, nhằm kéo dài mạch truyện hấp dẫn. Đây là cách ông giữ chân người đọc và tiếp tục truyền tải lý tưởng trung nghĩa, báo thù cho cha, và hoàn thành đại nghĩa của Thục Hán thông qua thế hệ kế thừa.
Thứ hai, trong thời Tam quốc, Triệu Vân không nổi tiếng bằng Quan Vũ và Trương Phi. Trong chính sử, địa vị và danh tiếng của Triệu Vân khiêm tốn hơn hẳn. Chỉ đến thời Tống – Minh, khi tiểu thuyết phát triển mạnh, Triệu Vân mới dần trở nên phổ biến trong văn hóa dân gian. Dù La Quán Trung rất yêu thích Triệu Vân và khắc họa ông như một hình mẫu trung nghĩa lý tưởng, nhưng vẫn không thể dành nhiều đất diễn cho con cháu ông vì danh tiếng lúc bấy giờ chưa đủ lớn.
Thứ ba, con trai của Triệu Vân không lập được nhiều chiến công. Triệu Thống – con cả – giữ chức Trung Lang và chủ yếu phụ trách công việc canh gác, ít khi ra trận. Triệu Quảng – con thứ – có tham gia chiến đấu nhưng không để lại dấu ấn lớn, cuối cùng tử trận khi quân Ngụy tấn công Thục. Thành tích mờ nhạt, cộng thêm diễn biến truyện giai đoạn cuối quá nhanh và dày đặc nhân vật, khiến La Quán Trung không đưa hai người này vào mạch truyện chính.
Việc Quan Hưng và Trương Bảo được miêu tả như những tướng lĩnh trung dũng trong Tam quốc diễn nghĩa chủ yếu là sự sáng tạo của La Quán Trung nhằm kế thừa di sản tinh thần của Quan Vũ và Trương Phi – hai nhân vật vốn được người đời ngưỡng mộ. Ngược lại, con trai của Triệu Vân dù có mặt trong chính sử nhưng không có nhiều đóng góp nổi bật, nên bị lược bỏ trong tiểu thuyết. Điều này phản ánh rõ xu hướng "trọng tình cảm, nhẹ chi tiết" của La Quán Trung trong việc xây dựng Tam quốc diễn nghĩa – một tác phẩm dẫu hư cấu nhưng vẫn bám sát tinh thần lịch sử đương thời.