Teo tinh hoàn vẫn có cơ hội làm cha

Với kỹ thuật vi phẫu tìm tinh trùng hiện đại như hiện nay, cơ hội được làm cha của các quý ông bị teo...

Với kỹ thuật vi phẫu tìm tinh trùng (micro TESE,) cơ hội được làm cha với các quý ông bị teo tinh hoàn không còn là giấc mơ

Với kỹ thuật vi phẫu tìm tinh trùng (micro TESE,) cơ hội được làm cha với các quý ông bị teo tinh hoàn không còn là giấc mơ

Bật khóc khi được làm cha

Lập gia đình từ năm 2013, anh L.C.T. (Bắc Giang) cùng bạn đời mong muốn có con cho vui nhà, vui cửa. Thế nhưng “thả cửa” suốt năm đầu cũng không có tin vui, hai vợ chồng anh T. quyết định đi thăm khám. Kết quả kiểm tra tinh dịch tại bệnh viện cho thấy anh T. không có tinh trùng do teo tinh hoàn khiến cả hai vợ chồng anh suy sụp. Anh T. cho biết, năm 14 tuổi đã mắc bệnh quai bị và bị sốt cao, tuyến mang tai sưng to rất khó chịu. Khi khỏi bệnh cũng là lúc anh T. cảm thấy một bên tinh hoàn teo dần. Gần 5 năm chạy chữa bằng nhiều phương pháp, mới đây, khi đến điều trị tại BV Nam học và hiếm muộn Hà Nội, các bác sĩ đã tìm kiếm thành công “tinh binh” cho anh. Theo chia sẻ của anh T., đó là một hành trình dài với bao cảm xúc hi vọng rồi lại thất vọng đan xen. Lần đầu, bác sĩ chọc hút tinh trùng từ mào tinh nhưng thất bại. Hai lần tìm tinh trùng từ phẫu thuật mô tinh hoàn cũng thất bại. Cuối cùng, bác sĩ phẫu thuật mở tinh hoàn, dùng kính hiển vi chuyên dụng tách các ống sinh tinh để tìm tinh trùng. May mắn những tinh binh còn sót lại được các bác sĩ “nhặt” về và kết quả tạo được 14 phôi. Một số phôi lần lượt được đưa vào tử cung người vợ. Sau bao nỗ lực, cuối cùng vợ anh T. cũng mang thai. Hai vợ chồng anh hiện còn 8 phôi lưu trữ tại bệnh viện. “Ngày nhận tin mình được làm cha mà sung sướng, hạnh phúc chẳng nói lên lời”, anh T. bộc bạch. Cách đây 2 tháng, vợ chồng anh đã chào đón cô con gái đầu lòng nặng 3,5kg.

Còn trường hợp anh T. V. H (Hưng Yên) teo tinh hoàn lại do nguyên nhân lúc nhỏ anh bị chứng tinh hoàn ẩn nhưng gia đình không biết. Đến năm 6 tuổi, gia đình đưa đi khám, phát hiện bệnh nên anh mới được phẫu thuật. Tuy nhiên, sau đó, tinh hoàn của anh bị teo vì “nhiệt độ ở vùng bụng làm các tế bào sinh tinh bị hỏng”. Khi trưởng thành, anh H. vẫn lập gia đình và hành trình tìm kiếm con kéo dài suốt 6 năm. “Nhiều bác sĩ lắc đầu khẳng định tôi không có khả năng sinh tinh trùng, không thể có con được nữa”, anh H. cho biết. Thế nhưng, vợ chồng anh vẫn không thôi hi vọng và tìm kiếm thông tin chữa trị. Cách đây một năm, bằng kỹ thuật vi phẫu tìm tinh trùng từ các mô tinh hoàn, bác sĩ đã giúp anh tìm được vài tinh trùng hiếm hoi. Thụ tinh ống nghiệm thành công với 7 phôi. Lần đầu, bác sĩ đưa ba phôi vào tử cung cho vợ anh nhưng thất bại. Vài tháng sau, bác sĩ lại đưa bốn phôi còn lại vào tử cung. Lần này, may mắn đã mỉm cười, vợ chồng anh đang chờ đón ngày đứa con trai đầu lòng của mình chào đời.

Theo BS. Đinh Hữu Việt, BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, kỹ thuật phẫu thuật vi phẫu (micro TESE) tìm tinh trùng diện rộng, trích tinh trùng hiệu quả và an toàn cho trường hợp vô tinh do teo tinh hoàn. Kết quả thụ tinh trong ống nghiệm từ kỹ thuật này cho kết quả có con tương đương với thụ tinh trong ống nghiệm từ tinh trùng trong tinh dịch. “Kỹ thuật đã mở rộng hướng điều trị vô sinh, giúp các cặp vợ chồng bị vô sinh có thể có con của chính mình, điều mà trước đây không thể thực hiện được”, ông Việt nhận định.

Teo tinh hoàn vì đâu?

BS. Nguyễn Bá Hưng, Trưởng khoa Nam học, BV Nam học và hiếm muộn Hà Nội cho biết, có nhiều nguyên nhân gây teo tinh hoàn, tuy nhiên, nguyên nhân xuất phát từ biến chứng của bệnh quai bị khá phổ biến ở Việt Nam. Khi teo tinh hoàn đồng nghĩa với việc hiểu nôm na “nhà máy sản xuất tinh hoàn không hoạt động, nếu hỏng hoàn toàn coi là bất lực”.

Tuy nhiên, BS. Hưng cũng cho biết không phải cứ mắc bệnh quai bị đều dẫn đến teo tinh hoàn. Nếu mắc quai bị có biến chứng viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn sẽ thường gây teo tinh hoàn, nguyên nhân dẫn đến vô sinh. Nguy cơ teo tinh hoàn có thể diễn ra từ 2-6 tháng sau khi mắc bệnh nhưng cũng có thể lâu hơn. Tỷ lệ nam giới bị viêm tinh hoàn do quai bị chiếm đến 20 - 30%, song tập trung chủ yếu ở độ tuổi dậy thì và sau dậy thì, hiếm gặp ở những người lớn tuổi.

“Khi bị viêm tinh hoàn do quai bị, bệnh nhân sẽ bị virus quai bị làm tổn thương cấu trúc tế bào mầm, ống sinh tinh, tinh hoàn không sản sinh được tinh trùng nữa. Do vậy, trong 3 tháng đầu nếu đến cơ sở y tế, bệnh nhân sẽ hi vọng vớt được tinh trùng đọng lại trong đường ống dẫn tinh, lưu trữ lại con giống để có con sau này. Còn sau khoảng thời gian này, nguy cơ không còn sản sinh tinh trùng nữa sẽ khiến quý ông khó khăn hơn rất nhiều trong việc tìm kiếm tinh trùng, dễ dẫn đến vô sinh”, ông Hưng cho biết.

Để tránh trường hợp bị teo tinh hoàn khi bị quai bị, người bệnh cần được chữa trị bệnh quai bị nhanh chóng. Đồng thời, cần phải kiểm tra và theo dõi tinh hoàn sau khi bệnh nhân khỏe trở lại. Sau 1-2 tháng khi hết bệnh quai bị mà có dấu hiệu bất thường cần phải thông báo kịp thời cho bác sỹ để được chữa trị.

Bên cạnh đó, trong quá trình mắc bệnh quai bị, bệnh nhân cần phải chăm sóc tinh hoàn tốt, không mặc quần bó sát, không nên sử dụng các chất kích thích, phòng tránh viêm tiết niệu, vệ sinh sạch sẽ “cậu nhỏ” hàng ngày, mát xa tinh hoàn sau khi tắm, tránh nằm sấp nhiều vì dễ bị xoắn thừng tinh... Khi có biểu hiện sưng tấy, đau nhức tinh hoàn cần phải đi gặp bác sỹ để được siêu âm và điều trị nếu trong tình trạng bất ổn.

Vũ Anh

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/teo-tinh-hoan-van-co-co-hoi-lam-cha-d269393.html