Tesla 'gặp hạn' ở Trung Quốc: Gần như toàn bộ xe bị triệu hồi vì vấn đề an toàn
Tesla vừa hứng một 'cú đấm' tại Trung Quốc, khi cơ quan chức năng yêu cầu triệu hồi gần như toàn bộ số xe mà hãng xe điện Mỹ đã bán tại thị trường này để khắc phục một lỗi an toàn.
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Tesla vừa hứng một “cú đấm” tại Trung Quốc, khi cơ quan chức năng yêu cầu triệu hồi gần như toàn bộ số xe mà hãng xe điện Mỹ đã bán tại thị trường này để khắc phục một lỗi an toàn.
Theo hãng tin Bloomberg, số xe trong đợt triệu hồi này là 285.000 xe, chiếm gần như tất cả số xe mà Tesla bán được từ trước đến nay tại Trung Quốc.
Hệ thống lái tự động (autopilot) của những chiếc xe trong diện triệu hồi có thể bị kích hoạt tự động, không theo chủ đích của người lái, theo đó có nguy cơ dẫn tới đâm va do tăng tốc đột ngột.
Trong một tuyên bố ra hôm thứ Bảy, Cơ quan Điều tiết thị trường Nhà nước Trung Quốc (SAMR) nói rằng số xe trên bao gồm 211.256 chiếc Model 3 sản xuất tại Trung Quốc và 35.665 chiếc Model 3 nhập khẩu, cùng 38.599 chiếc Model Y sản xuất tại Trung Quốc. Chiếc SUV Model Y sản xuất tại Trung Quốc mới được giao hàng từ tháng 1 năm nay, nên việc triệu hồi sẽ ảnh hưởng đến gần như mọi khách hàng mua chiếc xe này.
Theo SAMR, hệ thống lái tự động (autopilot) của những chiếc xe trong diện triệu hồi có thể bị kích hoạt tự động, không theo chủ đích của người lái, theo đó có nguy cơ dẫn tới đâm va do tăng tốc đột ngột. Trong hầu hết các trường hợp, việc khắc phục lỗi này có thể được tiến hành từ xa thông qua cập nhật trên mạng tính năng kiểm soát hành trình chủ động (active cruise control) của xe. Tesla sẽ nâng cấp phần mềm này và người dùng sẽ không phải trả bất kỳ khoản phí nào.
Tesla đã lên tiếng xin lỗi khách hàng thông qua tài khoản chính thức của công ty trên mạng xã hội Weibo, nói rằng hãng sẽ “tiếp tục cải thiện an toàn bằng cách tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của quốc gia”. Tuy nhiên, vụ triệu hồi xe này nối dài danh sách những trở ngại mà Tesla gặp phải ở thị trường Trung Quốc thời gian gần đây.
Hồi giữa tháng 4, một cuộc biểu tình phản đối Tesla đã xảy ra tại gian hàng của hãng ở Triển lãm Ô tô Quốc tế Thượng Hải. Tiếp đó, một loạt vụ tai nạn liên quan đến xe Tesla đã gây suy giảm niềm tin của công chúng đối với hãng xe tiên phong trong lĩnh vực ô tô điện. Một số chính quyền địa phương và cơ quan nhà nước Trung Quốc hiện đang rà soát việc công nhân viên chức sở hữu xe Tesla, với lý do những chiếc xe này có thể đặt ra rủi ro về an ninh.
Hồi tháng 3, xe Tesla bị cấm tại một số cơ sở của quân đội và khu nhà ở tại Trung Quốc, vì lo ngại những ô tô này có camera tích hợp. Tesla ngay lập tức đã có động thái trấn an nhà chức trách, nói rằng bất kỳ dữ liệu nào thu thập ở Trung Quốc đều được lưu trữ tại chỗ.
Việc nâng cấp phần mềm đối với xe Model Y bị triệu hồi lần này là một chuyện rất không may đối với Tesla. Hãng đã đặt nhiều hy vọng vào Model Y, tin tưởng rằng mẫu xe này sẽ giúp hãng mở rộng lực lượng khách hàng tại Trung Quốc – thị trường ô tô nói chung và ô tô điện nói riêng lớn nhất thế giới. Xe Model có tầm đi (range) lên tới 594 km sau mỗi lần xạc đầy pin.
Tổng giám đốc (CEO) Elon Musk của Tesla từng nói rằng Model Y có tiềm năng doanh số vượt tất cả các mẫu xe khác của hãng. Mới đây, Hiệp hội Xe hơi Trung Quốc (PCA) dự báo nhu cầu ở nước này sẽ tăng mạnh đối với những mẫu xe lớn, rộng rãi hơn, đặc biệt là dòng xe 7 chỗ, do Chính phủ nước này đã cho phép các cặp vợ chồng sinh đến 3 con.
Tuy nhiên, trong một báo cáo tuần này, ngân hàng Thụy Sỹ Credit Suisse nói rằng có một rủi ro lớn đối với giá cổ phiếu Tesla, và đó là những thách thức mà Model Y gặp phải và nhu cầu còn thấp của các thị trường ngoài Mỹ đối với mẫu xe này. Chốt tuần trước, giá cổ phiếu Tesla trên sàn Nasdaq ở New York đạt gần 672 USD/cổ phiếu, giảm khoảng 5% từ đầu năm. Trong năm 2020, cổ phiếu Tesla tăng 743%.
Theo nhà phân tích Dan Levy của Credit Suisse, thời gian từ lúc đặt mua đến lúc giao xe Tesla tại một số điểm phân phối của hãng ở Trung Quốc đã giảm từ 39 ngày xuống còn 33 ngày, và đây có thể là một dấu hiệu cho thấy lượng đơn hàng suy yếu.
Vụ triệu hồi xe này nối dài danh sách những trở ngại mà Tesla gặp phải ở thị trường Trung Quốc thời gian gần đây.
Các thương hiệu nước ngoài chiếm khoảng 37% xe năng lượng mới, trong đó có ô tô điện, ở Trung Quốc trong năm ngoái. Từ đầu năm đến nay, tỷ lệ này là 57%. Trung Quốc là thị trường quan trọng thứ hai của Tesla sau Mỹ, và hãng hiện đang xuất khẩu xe sản xuất tại nhà máy ở Thượng Hải sang châu Âu.
Tuy nhiên, một số hãng xe điện mới của Trung Quốc đang tăng trưởng mạnh mẽ, đe dọa vị thế của Tesla tại nước này, bao gồm Nio và Xpeng. Ở phân khúc xe điện giá rẻ, người tiêu dùng Trung Quốc rất chuộng xe của liên doanh SAIC-GM-Wuling Automobile Co.
Xe Model Y có giá khoảng 53.000 USD tại thị trường Trung Quốc. Trong tháng 5, doanh số của mẫu xe này tại Trung Quốc tăng gấp đôi so với tháng 4. Tuy nhiên, doanh số của tháng 4 giảm so với tháng 3 do một số dây chuyền sản xuất trong nhà máy Tesla ở Thượng Hải bị dừng 2 tuần để bảo trì và điều chỉnh.
“Một khi Model Y đi vào sản xuất tối đa tại nhà máy ở Thượng Hải, sản lượng của mẫu xe này sẽ nhiều gấp đôi sản lượng mẫu sedan Model 3”, ông Tu Le, Giám đốc công ty tư vấn Sino Auto Insights ở Thượng Hải, nhận định. “Người tiêu dùng Trung Quốc thích xe SUV và crossover. Tôi cho rằng đến cuối năm nay, Model Y sẽ bán rất tốt”.