Tesla lâm nguy, tỉ phú Elon Musk phải 'từ quan' về giải cứu
Từng được ca ngợi là 'bậc thầy tạo đột phá', tỉ phú Elon Musk đang phải đối mặt vấn đề nghiêm trọng tại Tesla mà chưa chắc ông đã có thể khắc phục.
Hình ảnh thương hiệu của Tesla đang chịu thiệt hại nghiêm trọng, trong khi doanh số sụt giảm, người tiêu dùng quay lưng vì các phát ngôn gây tranh cãi của ông Musk. Hãng xe điện này đang dần bị các đối thủ từ Trung Quốc, châu Âu và Mỹ lấn lướt, chiếm lĩnh thị phần.
Hôm 22-4, nhà đầu tư Tesla dường như đã có thể thở phào phần nào khi ông Musk tuyên bố sẽ giảm bớt thời gian làm việc tại Ban Hiệu suất chính phủ (DOGE) để tập trung cho vai trò điều hành công ty. Thông tin này khiến giá cổ phiếu hãng tăng 5% nhưng nhiều thách thức vẫn còn ở phía trước.
Trong cuộc họp với nhà đầu tư hôm 22-4, ông bMusk cho rằng nguyên nhân khiến doanh số quý I giảm là do việc nâng cấp mẫu Model Y khiến hoạt động sản xuất bị gián đoạn. Nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng yếu tố then chốt ở đây là hình ảnh thương hiệu đang xấu đi nghiêm trọng.

Elon Musk trò chuyện với Tổng thống Donald Trump tại Phòng Bầu dục vào ngày 11-2. Ảnh: Jabin Botsford/ Washington Post.
Ông Dan Ives - chuyên gia vốn thường giữ thái độ lạc quan từ công ty chứng khoán Wedbush - nhận định đây là "cuộc khủng hoảng toàn diện". Còn JP Morgan cảnh báo về "tổn hại thương hiệu lớn chưa từng có".
Tesla đang đối mặt với làn sóng phản đối trên diện rộng, đặc biệt tại châu Âu, sau khi nhiều người cho rằng ông Musk giơ tay chào kiểu Đức quốc xã. Riêng tại Đức, doanh số Tesla đã giảm 62% trong quý đầu năm nay.
Trước đó, Tesla từng dự báo doanh số sẽ phục hồi trong năm nay sau lần đầu sụt giảm vào năm 2024. Tuy nhiên, tuần này, công ty rút lại dự báo do tình hình thương mại toàn cầu quá bất ổn.
Trong khi Tesla lao đao, các đối thủ lại trỗi dậy mạnh mẽ.
BYD của Trung Quốc đã phát triển hệ thống pin có thể sạc đầy chỉ trong 5 phút. Tại châu Âu, nhiều mẫu xe điện mới tích hợp công nghệ tiên tiến đang trở thành lựa chọn thay thế hấp dẫn, đúng vào lúc người tiêu dùng mất niềm tin vào ông Musk.
Tại Mỹ, thị phần xe điện của Tesla đã giảm từ khoảng 66% xuống dưới 50%, theo dữ liệu từ Cox Automotive.
Một hướng đi mà ông Musk đặt nhiều kỳ vọng là dịch vụ taxi tự hành (cybercab). Hôm 22-4, ông tái khẳng định sẽ triển khai xe không vô lăng, không bàn đạp tại Austin, bang Texas từ tháng 6 tới, đâu đó sớm mở rộng ra các thành phố khác. Tuy nhiên, Waymo - công ty con của Alphabet (Google) - đã đi trước khi vận hành hàng triệu chuyến taxi tự lái tại nhiều thành phố lớn của Mỹ thông qua hợp tác với Uber.
Đồng thời, Tesla hiện vẫn chưa được cơ quan quản lý liên bang cấp phép cho xe tự lái hoàn toàn vì nỗi lo an toàn.
Dù vậy, Tesla vẫn có một số lợi thế như việc trực tiếp sản xuất xe tại các quốc gia mà hãng kinh doanh, giúp giảm nhẹ tác động từ thuế quan. "Dù thuế quan là thách thức với biên lợi nhuận mỏng nhưng chuỗi cung ứng nội địa đặt chúng tôi vào vị thế mạnh" - tỉ phú Musk khẳng định.
Tesla cũng xác nhận sẽ ra mắt phiên bản Model Y giá rẻ trong nửa đầu năm nay. Doanh thu mảng lưu trữ năng lượng tăng mạnh trong quý đầu năm và Musk cũng cam kết sẽ sản xuất 5.000 robot Optimus vào cuối năm.
Dù giá cổ phiếu Tesla đã giảm gần một nửa so với cuối năm ngoái, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng nó đang bị định giá quá cao so với lợi nhuận thực tế mà công ty tạo ra. Hiện nay, mỗi cổ phiếu Tesla được định giá cao gấp 110 lần lợi nhuận dự kiến, trong khi mức trung bình của các công ty lớn khác chỉ dưới 20 lần.
Điều này có nghĩa nhà đầu tư đang kỳ vọng rất lớn vào Tesla, nhưng nếu công ty gặp rủi ro hay không đạt được kỳ vọng, giá cổ phiếu sẽ dễ bị sụt giảm mạnh.