'Tesla yêu cầu giấu thông tin về phần mềm hỗ trợ lái xe trong các vụ tai nạn'

Theo tạp chí The New Yorker, Tesla đã yêu cầu Cục An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NHTSA) che giấu thông tin về việc liệu các phương tiện trong các vụ tai nạn có sử dụng phần mềm hỗ trợ lái xe hay không.

Điều này được tiết lộ trong khuôn khổ cuộc điều tra về mối quan hệ giữa Elon Musk - Giám đốc điều hành Tesla và chính phủ Mỹ.

Theo người phát ngôn của NHTSA, Tesla đã yêu cầu loại bỏ một số chi tiết từ báo cáo về tai nạn. Công ty sản xuất ô tô điện hàng đầu thế giới lý giải việc đưa ra yêu cầu này vì cho rằng các chi tiết bị che giấu chứa thông tin kinh doanh bí mật.

Đạo luật An toàn phương tiện cụ thể hạn chế khả năng của NHTSA trong việc tiết lộ dữ liệu được các công ty gắn nhãn là thông tin bí mật. Khi bất kỳ công ty nào tuyên bố thông tin đó cần bảo mật, NHTSA có nghĩa vụ pháp lý để duy trì sự bí mật, trừ khi NHTSA tiến hành quá trình pháp lý để từ chối yêu cầu này”, người phát ngôn của NHTSA nói.

Tesla không trả lời câu hỏi của trang Insider và The New Yorker về chuyện này.

Trong khi Elon Musk đã hứa suốt nhiều năm rằng những chiếc ô tô điện Tesla tự lái sẽ sớm ra mắt, hệ thống Autopilot và Full Self-Driving của công ty phải đối mặt với nhiều vụ tranh cãi suốt thời gian qua.

Trợ giúp trên đường cao tốc, Autopilot là phần mềm hỗ trợ người lái được tích hợp trong tất cả ô tô điện Tesla. Trong khi Full Self-Driving là một phiên bản cao cấp hơn Autopilot nhưng đang ở dạng thử nghiệm, có giá 15.000 USD/năm.

Tesla cho biết Full Self-Driving tiên tiến hơn Autopilot, cho phép ô tô điện thay đổi làn đường, nhận biết các biển báo và đèn dừng cũng như đỗ xe. Công ty cũng cho biết tài xế dù tập trung cũng nên luôn cầm tay lái khi sử dụng cả hai tính năng này.

Vào tháng 6, tờ The Washington Post đưa tin đã có tổng cộng 736 vụ tai nạn và 17 trường hợp tử vong liên quan đến ô tô điện Tesla ở chế độ Autopilot kể từ năm 2019.

Steven Cliff, cựu Phó quản trị viên của NHTSA, nói với The New Yorker rằng ông đã xem dữ liệu cho thấy các ô tô điện Tesla có liên quan đến "một số lượng lớn các vụ va chạm với phương tiện khẩn cấp", nhưng cơ quan này vẫn chưa kết luận liệu tài xế hay phần mềm của Tesla phải chịu trách nhiệm.

Phương tiện khẩn cấp thường được sử dụng bởi các cơ quan cứu hỏa, cứu thương, cảnh sát, hoặc các dịch vụ khẩn cấp khác để đáp ứng các tình huống khẩn cấp như tai nạn giao thông, hỏa hoạn, cấp cứu y tế và tình hình an ninh.

Vào tháng 6.2021, NHTSA thông báo đang điều tra vai trò của Autopilot trong 30 vụ tai nạn khiến 10 người thiệt mạng từ năm 2016 đến 2021. Hai tháng sau, NHTSA công bố một cuộc điều tra khác về Autopilot sau khi xác định được 11 vụ tai nạn kể từ năm 2018, trong đó ô tô điện Tesla va chạm với các phương tiện tại các hiện trường khẩn cấp (va chạm xe khác tại những vị trí mà các đội cứu hỏa, cứu thương hoặc các lực lượng khẩn cấp khác đang làm việc). 7 trong số 11 vụ va chạm được xác định đã gây thương tích và một vụ dẫn đến tử vong.

Tại thời điểm đó, NHTSA cho biết cuộc điều tra của họ sẽ bao gồm tất cả mẫu ô tô điện Tesla X, Y, S và 3 được sản xuất từ năm 2014 đến 2021, tương đương khoảng 765.000 xe. Đến tháng 6.2022, cơ quan này đã nâng cấp cuộc điều tra, cho biết sẽ xem xét dữ liệu từ 830.000 ô tô điện Tesla.

Một cuộc điều tra hình sự của Bộ Tư pháp Mỹ cũng đang được tiến hành. Vào tháng 2, Tesla xác nhận rằng Bộ Tư pháp Mỹ đã yêu cầu hãng cung cấp tài liệu liên quan đến tính năng Autopilot và Full Self-Driving.

Người phát ngôn NHTSA nói với The New Yorker rằng “nhiều cuộc điều tra vẫn đang tiếp tục được tiến hành, chưa được đóng lại hoặc kết thúc”.

Hệ thống Autopilot đã bị chính phủ Mỹ giám sát trong cuộc điều tra đang diễn ra của NHTSA với hàng trăm ngàn ô tô điện của Tesla - Ảnh: Internet

Hệ thống Autopilot đã bị chính phủ Mỹ giám sát trong cuộc điều tra đang diễn ra của NHTSA với hàng trăm ngàn ô tô điện của Tesla - Ảnh: Internet

Số tai nạn liên quan ô tô điện Tesla gia tăng sau khi Elon Musk bỏ các cảm biến radar

Kể từ khi Elon Musk thông báo loại bỏ các cảm biến radar trên ô tô điện của mình gần 2 năm trước, Tesla đã chứng kiến sự gia tăng các vụ va chạm, theo trang The Washington Post.

The Washington Post đã trích dẫn các cuộc phỏng vấn với nhiều cựu nhân viên, tài xế lái thử và các chuyên gia của Tesla. Sau bản cập nhật vào năm 2021, nhiều ô tô điện Tesla chạy trên chế độ Autopilot hoặc Full Self-Drive bắt đầu đột ngột dừng lại vì chướng ngại vật trong tưởng tượng, xác định sai biển báo đường phố và gặp khó khăn trong việc xác định xe cấp cứu, The Washington Post đưa tin, trích dẫn các khiếu nại đã được gửi đến cơ quan quản lý.

Một số nguồn tin đã cho biết có một mối tương quan giữa sự gia tăng các trường hợp ô tô điện Tesla tự phanh đột ngột mà không rõ lý do với việc loại bỏ các cảm biến radar.

NHTSA đã nhận được hàng trăm khiếu nại về việc ô tô điện Tesla phanh đột ngột trong nhiều tháng qua. Năm 2022, hơn 750 tài xế Tesla báo cáo với NHTSA rằng ô tô điện Tesla của họ phanh đột ngột khi đang lái xe.

Cũng trong năm 2022, NHTSA cũng đã nâng cấp cuộc điều tra về Autopilot sau hơn 12 trường hợp ô tô điện Tesla tông vào xe cấp cứu. NHTSA cho biết tính năng hỗ trợ người lái của Tesla gặp sự cố khi xác định các phương tiện đang đỗ.

Lần đầu Elon Musk tuyên bố Tesla sẽ loại bỏ việc sử dụng các cảm biến radar trên ô tô điện của mình vào năm 2021. Thời điểm đó, một số kỹ sư đã kinh ngạc trước quyết định này và tìm đến một cựu lãnh đạo Tesla để xin lời khuyên về cách thuyết phục Elon Musk không loại bỏ các cảm biến, The Washington Post đưa tin.

Trước đây, Elon Musk nói rằng ông muốn phần mềm Full Self-Driving và Autopilot của Tesla bắt chước các giác quan con người bằng cách sử dụng camera như đôi mắt thay vì radar.

Tất cả những chiếc ô tô điện Tesla hiện tại đều được trang bị tính năng hỗ trợ người lái Autopilot. Với khoản thanh toán một lần là 15.000 USD hoặc phí hàng tháng là 199 USD, chủ sở hữu cũng có thể chọn thêm tính năng Full Self-Drive, cho phép ô tô điện nhận biết các biển báo dừng và đèn giao thông, chuyển làn đường và đỗ xe. Các tính năng đều yêu cầu tài xế có giấy phép lái xe ngồi sau vô lăng.

Trước năm 2021, Tesla đã sử dụng các cảm biến radar cùng với camera để giúp ô tô điện xác định chướng ngại vật. Giờ đây, công ty dựa vào 8 camera và Autopilot labeler để huấn luyện chiếc xe điện phản ứng với môi trường của nó.

Autopilot labeler là nhân viên Tesla được đào tạo để xem qua và đánh dấu các hình ảnh, video từ các camera trên ô tô điện, qua đó giúp cải thiện và phát triển các chức năng của hệ thống hỗ trợ lái xe. Autopilot labeler sẽ đánh dấu các chi tiết trong hình ảnh, chẳng hạn các đối tượng trên đường, biển báo giao thông và vật thể khác, giúp các hệ thống hỗ trợ lái xe của Tesla nhận diện và phản ứng với chúng tốt hơn.

Các công nghệ cảm biến lái tự động khác như công nghệ LiDAR được một số đối thủ của Tesla ưa chuộng. Các phương tiện sử dụng những cảm biến này để giúp lập bản đồ kỹ thuật số môi trường xung quanh và tránh nhầm lẫn, ngay cả khi camera của xe bị che khuất bởi yếu tố bên ngoài như mưa, tuyết hoặc sương mù.

Trong quá khứ, Elon Musk từng nói rằng LiDAR sẽ "tiêu tùng" và quá tốn kém. Tỷ phú công nghệ hứa hẹn từ năm 2016 rằng Tesla sẽ sớm tung ra thị trường chiếc ô tô tự lái thực sự, nhưng các chuyên gia lại tỏ ra không mấy lạc quan về điều này.

Đầu năm 2023, các chuyên gia đã nói với trang Insider rằng Full Self-Drive còn lâu mới đạt khả năng tự lái mà không cần sự can thiệp của con người. Hồi tháng 2, Tesla đã phát hành bản cập nhật phần mềm qua mạng cho hơn 362.000 ô tô điện về một vấn đề với Full Self-Drive mà NHTSA cho biết có thể khiến xe "không an toàn khi ở giao lộ".

Trong báo cáo an toàn phương tiện tự nguyện, Tesla cho biết ô tô điện của họ "đã đạt được một trong những xác suất tai nạn tổng thể thấp nhất so với bất kỳ phương tiện nào từng được thử nghiệm bởi Chương trình Đánh giá ô tô mới của chính phủ Mỹ".

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tesla-yeu-cau-giau-thong-tin-ve-phan-mem-ho-tro-lai-xe-trong-cac-vu-tai-nan-204667.html