Test nhanh liệu còn phát hiện được người nhiễm nCoV biến chủng mới?

Hiện nay, protein N - thành phần trong SARS-CoV-2 giúp test nhanh phát hiện ca mắc - của biến chủng mới vẫn chưa thay đổi đủ để làm công cụ này hết tác dụng.

 Nhiều người lo ngại test nhanh không còn phát hiện được ca nhiễm nCoV sau khi biến chủng mới xuất hiện. Ảnh: roman_wimmers.

Nhiều người lo ngại test nhanh không còn phát hiện được ca nhiễm nCoV sau khi biến chủng mới xuất hiện. Ảnh: roman_wimmers.

Thời gian gần đây, các biến chủng mới của Covid-19 như BQ.1.1 hay XBB xuất hiện gây lo ngại việc thiết bị test nhanh tại nhà có thể không còn hiệu quả trong việc phát hiện chúng.

Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định hiện tại, thiết bị xét nghiệm kháng nguyên hiện có vẫn có thể phát hiện ra trường hợp nhiễm virus, với điều kiện người dân kiểm tra đúng cách và lặp lại nhiều lần.

Tiến sĩ Nathaniel Hafer, trợ lý giáo sư về y học phân tử tại Đại học Y khoa Massachusetts, cho biết các biến chủng mới hiện nay có thể hoạt động khác nhau nhưng phần virus để các xét nghiệm kháng nguyên phát hiện không thay đổi.

“Điều quan trọng cần nhận ra là có nhiều sự thay đổi trong protein đột biến. Đây là yếu tố quan trọng dẫn đến khả năng né tránh miễn dịch, hạn chế khả năng cơ thể nhận ra và chống lại virus”, Hafer nói.

Ông cho biết thêm: “Đối với test nhanh, hầu hết sản phẩm được thiết kế để phát hiện protein N có trong SARS-CoV-2. Thành phần này trong các biến chủng mới lại không gây đột biến nhiều. Do đó, không lý do gì để cho rằng test nhanh sẽ mất khả năng phát hiện ra SARS-CoV-2”.

Trên thực tế, một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí khoa học Cell cho thấy các xét nghiệm kháng nguyên nhanh có thể phát hiện tất cả biến chủng của SARS-CoV-2 hiện tại và trước đó một cách hiệu quả.

“Dựa trên những phát hiện của chúng tôi, không biến chủng nào của SARS-CoV-2 có chứa các đột biến có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của xét nghiệm kháng nguyên nhanh”, tiến sĩ Filipp Frank, tác giả của nghiên cứu, trợ lý giáo sư trong khoa Hóa Sinh tại Đại học Emory, cho biết.

Cách thức hoạt động của test nhanh

Theo tiến sĩ Hafer, các thiết bị xét nghiệm nhanh phát hiện một phần của virus được gọi là protein nucleocapsid hoặc protein N. Trong khi protein đột biến của virus SARS-CoV-2 đã thay đổi rất nhiều kể từ khi bắt đầu đại dịch, protein N trong các biến chủng mới vẫn có thể được phát hiện khi xét nghiệm kháng nguyên.

 Các thiết bị test nhanh sẵn có vẫn hiệu quả với biến chủng mới. Ảnh: mufid_majnun.

Các thiết bị test nhanh sẵn có vẫn hiệu quả với biến chủng mới. Ảnh: mufid_majnun.

Với phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên, người thực hiện sẽ đưa que có đầu bông vào ngoáy mũi hoặc họng để lấy mẫu. Mẫu bệnh phẩm sau đó được trộn trong một ống chứa chất lỏng. Hỗn hợp này sau đó được nhỏ lên một que test.

Các que test kháng nguyên thường có chứa các kháng thể trong đó, tương tự kháng thể chúng ta có trong cơ thể để nhận ra các hợp chất lạ.

Nếu nhiễm SARS-CoV-2, mẫu bệnh phẩm sẽ phản ứng với các kháng thể trong que test và cho kết quả dương tính.

Về mặt lý thuyết, các sản phẩm test nhanh kháng nguyên tại nhà có độ chính xác khoảng 80%. Tỷ lệ này với phương pháp xét nghiệm rRT-PCR là khoảng 95%.

Các thiết bị test nhanh được chứng minh là có hiệu quả trong việc phát hiện Omicron và BQ.1.1 - biến thể phụ mới của Omicron. Tương tự, XBB cũng là một dạng biến thể phụ của Omicron.

Điều gì có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của test nhanh?

Các biến chủng mới có khả năng né tránh miễn dịch tốt với vaccine cũng như các trường hợp từng nhiễm nCoV trước đó và có thể mất thêm vài ngày trước khi người bệnh phát hiện bản thân nhiễm chúng.

Nguyên nhân là các biến thể phụ của Omicron có khả năng lây truyền cao và có thể chuyển từ người này sang người khác trước khi họ xuất hiện các triệu chứng. Chúng thậm chí có thể xuất hiện ở các bộ phận khác nhau của cơ thể.

Tiến sĩ Colin Furness, nhà dịch tễ học và trợ lý giáo sư tại trường Y tế Công cộng Dalla Lana thuộc Đại học Toronto, cho rằng các biến chủng mới của Omicron có thể sở hữu cấu trúc mô khác nhau.

Tiến sĩ Furness giải thích rằng trước khi Omicron xuất hiện, SARS-CoV-2 dễ dàng được phát hiện bằng cách lấy mẫu và test nhanh thông qua ngoáy mũi.

Tuy nhiên, Omicron đã phát triển để xâm nhập vào sâu đằng sau cổ họng. Điều này có thể ảnh hưởng đến độ nhạy của thiết bị xét nghiệm, nhất là với các thiết bị xét nghiệm nhanh dựa trên mẫu bệnh phẩm lấy từ mũi.

Để giải quyết vấn đề này, việc test nhanh nhiều lần hơn sẽ tăng độ chính xác của quá trình xét nghiệm. Nguyên nhân là các phương pháp xét nghiệm có kết quả chính xác nhất khi một bệnh nhân ở đỉnh cao nhất của quá trình virus nhân lên - thường xảy ra khi xuất hiện triệu chứng.

 Xét nghiệm nhiều lần hơn có thể giúp tăng tính chính xác của test nhanh. Ảnh minh họa: annie_spratt.

Xét nghiệm nhiều lần hơn có thể giúp tăng tính chính xác của test nhanh. Ảnh minh họa: annie_spratt.

Thực hiện từ 2 đến 3 lần xét nghiệm cách nhau một ngày là tần suất lý tưởng nhất. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng xét nghiệm nối tiếp làm tăng độ chính xác của các xét nghiệm kháng nguyên.

Dù vậy, TS Furness cũng cho rằng chúng ta cần lưu tâm đến các sản phẩm test nhanh hiện có nếu tải lượng virus giảm với các biến chủng mới. Điều này có thể ảnh hưởng tới kết quả test nhanh tại nhà.

Vị chuyên gia nói thêm: “Một vấn đề khác là tính hợp bào - khả năng virus khiến một tế bào bị nhiễm kết hợp với một tế bào khác thay vì bùng phát và gửi ra các virion tự do. Điều này khiến chúng né tránh hệ thống miễn dịch, đồng thời làm cho các thiết bị test nhanh kém nhạy hơn".

Nghiên cứu của Đại học Emory được công bố trên Cell không chỉ xem xét các biến chủng hiện tại của SARS-CoV-2. Nghiên cứu này cũng đo lường các đột biến trong protein N ảnh hưởng như thế nào đến độ chính xác và khả năng nhận diện virus của các thiết bị test nhanh tại nhà.

Thông qua một phương pháp có tên gọi “quét đột biến sâu”, nhóm nghiên cứu đã xem xét các đột biến có thể xảy ra trong protein N. Sau đó, họ đo tác động của các đột biến này lên sự tương tác của chúng với các kháng thể được sử dụng trong 11 thiết bị test nhanh kháng nguyên, từ đó xác định các đột biến có thể cho phép kháng thể thoát ra ngoài.

Nghiên cứu kết luận rằng dù khá hiếm, các biến chủng mới của SARS-CoV-2 có đột biến protein N có thể tránh được khả năng phát hiện của thiết bị test nhanh kháng nguyên. Tuy nhiên, chỉ một tỷ lệ rất nhỏ các trình tự gene có thể làm điều này.

Các tác giả nghiên cứu cho rằng điều này cảnh báo quan chức y tế công cộng và các nhà sản xuất test nhanh nên sử dụng dữ liệu để xác định có cần điều chỉnh sản phẩm test nhanh kháng nguyên cho các biến chủng mới trong tương lai hay không.

Nhưng hiện tại, tiến sĩ Hafer cho rằng chúng ta vẫn có thể dựa vào các thiết bị test nhanh kháng nguyên sẵn có để xác định ca bệnh.

Quốc Toàn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/test-nhanh-lieu-con-phat-hien-duoc-nguoi-nhiem-ncov-bien-chung-moi-post1371971.html