Tết 'ấm' làng nghề... (Bài 2): Xuân về - cơ hội lan tỏa nghề truyền thống

Với các làng nghề, làng nghề truyền thống, tết không chỉ mang ý nghĩa là mùa vụ lớn nhất trong năm mà còn là dịp để mỗi nghề khẳng định dấu ấn, vị thế trong dòng chảy văn hóa quê hương...

“Ông Tư bưởi đỏ”.

Không khí rộn ràng, tất bật những tháng cuối năm ở các làng nghề truyền thống xứ Thanh bắt đầu từ tháng 11 (âm lịch). Thời gian này, các làng nghề đều đã xác định được đơn hàng, số lượng hàng để từ đó tập trung nguyên vật liệu, thuê thêm nhân công thời vụ,... để đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Mỗi sản phẩm truyền thống mang theo “hồn tết” xứ Thanh. Đó là ông Công, ông Táo ở làng nghề hoa giấy Mật Sơn, phường Đông Vệ, là những bông hoa rực rỡ, đủ màu sắc của làng hoa Đông Cương, phường Đông Cương (TP Thanh Hóa), là hương thơm thoang thoảng của làng nghề hương Đông Khê, xã Hoằng Quỳ (Hoằng Hóa) hay bưởi đỏ Luận Văn ở xã Thọ Xương (Thọ Xuân)...

Tết mang ý nghĩa đặc biệt với người làng nghề, bởi đó là lúc họ được đắm chìm trong không khí nhộn nhịp, khi làng trên xóm dưới, tấp nập kẻ bán người mua. Đây là động lực lớn với những người đã và đang nỗ lực gắn bó, giữ gìn nghề truyền thống.

Ở xã Thọ Xương (Thọ Xuân), ai cũng biết đến “ông Tư bưởi đỏ” bởi ông là một trong những hộ đầu tiên trong xã mạnh dạn trồng thử nghiệm bưởi đỏ Luận Văn và là hộ có lô bưởi đỏ xuất khẩu đầu tiên ra nước ngoài. Ông Tư hiểu nhiều về cây bưởi đỏ vì ông đã gắn bó với nó từ khi còn là một đứa trẻ. Ông có thể kể vanh vách nguồn gốc lịch sử, thời kỳ “vàng son” của bưởi đỏ khi được là đặc sản “tiến Vua” và cây bưởi, qua câu chuyện ông kể, còn như một “ân nhân” vì "đã cứu vớt cuộc đời tôi”. Ông Tư đã từng “vấp ngã” và chính cây bưởi đỏ quê nhà đã giúp ông đứng dậy. Từ thí điểm trồng 0,5ha bưởi thì đến nay diện tích bưởi của gia đình ông đã được mở rộng lên 3ha, cho lợi nhuận khoảng 800 triệu đồng/năm. Cây bưởi Luận Văn là cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp, mang lại giá trị kinh tế cao ở Thọ Xương. Hiện nay, giống bưởi đặc sản này được trồng chủ yếu theo hình thức vườn đồi trong hộ gia đình với tổng diện tích 56,2ha, trong đó có 20ha đã cho quả, sản lượng bưởi hàng năm ước đạt 400 tấn.

Chị Quyên (vợ anh Bảy, ngoài cùng, bên phải) giới thiệu sản phẩm bánh gai cho người tiêu dùng.

Và câu chuyện cây bưởi đỏ Luận Văn được nhắc đến nhiều hơn khi tết đến, xuân về. Đây cũng là dịp, du khách thập phương đến tìm hiểu, tham quan, học tập kinh nghiệm về giống bưởi đã từng là đặc sản “tiến Vua”. Và đặc biệt hơn, bưởi Luận Văn là thứ quả để trưng và dâng lên thờ cúng tổ tiên trong dịp Tết Nguyên đán.

Thọ Xuân còn nổi tiếng với bánh gai Tứ Trụ ở xã Thọ Diên. Danh thơm này xuất phát từ bề dày lịch sử của một làng nghề hàng trăm năm tuổi, khi bánh gai trở thành một món quà ý nghĩa, được người thân trao tặng trong mỗi dịp tết đến, xuân về. Đây là loại bánh tổng hợp của nhiều nguyên liệu tinh túy gồm gạo nếp, lá gai, đậu xanh, dừa, lạc. Mỗi nguyên liệu mang ý nghĩa, đặc sắc riêng. Vỏ bánh màu đen của lá gai, mềm và dẻo tượng trưng cho sự bền chặt, thủy chung của lứa đôi. Ruột bánh màu vàng của đậu xanh, vị thơm của lạc, dừa, toát lên sự sung túc”. Anh Nguyễn Đình Bảy, chủ cơ sở sản xuất bánh gai Bảy Quyên, đã có gần 25 năm làm nghề, cho biết: “Công suất trong những tháng cuối năm của cơ sở luôn gấp đôi, gấp ba những tháng thường. Ngay từ tháng 11 âm lịch, gia đình đã tập trung nguyên vật liệu, thuê thêm nhân công... Là đặc sản thì từng nguyên liệu làm bánh đều phải chuẩn và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm".

Bảo đảm chất lượng hoàn hảo cho thứ “bánh quý" là con đường lâu dài và bền vững trong duy trì và phát triển giá trị thương hiệu bánh gai Tứ Trụ nói chung, thương hiệu bánh gai Bảy Quyên nói riêng. Được biết, trong những ngày giáp tết, trung bình mỗi ngày cơ sở xuất bán từ 2.000 – 10.000 bánh. Kể chuyện nghề, anh Bảy luôn tự hào vì bản thân là người nối nghiệp gia đình. Nghề không chỉ giúp anh phát triển kinh tế mà còn có cơ hội “truyền lửa” đến những người trẻ, cùng gìn giữ và phát huy giá trị nghề truyền thống...

Với người tiêu dùng xứ Thanh, các sản phẩm từ làng nghề, làng nghề truyền thống ngày càng được ưa chuộng, đặc biệt luôn đắt hàng dịp cuối năm. Điều đó minh chứng cho chất lượng sản phẩm được nâng cao, độ lan tỏa sản phẩm ngày càng rộng. Một phần kết quả tốt đẹp này có lẽ đến từ những câu chuyện giữ nghề, gắn nghề và phát triển nghề của các hộ dân mỗi dịp tết đến xuân về....

Bài và ảnh: Vân Anh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/tet-am-lang-nghe-bai-2-nbsp-xuan-ve-nbsp-co-hoi-lan-toa-nghe-truyen-thong-35065.htm