Chỉ còn vài ngày nữa là thời khắc chuyển giao đất trời sẽ 'điểm', khi phố phường tấp nập, hối hả 'chạy đua' tìm hương vị Tết, có những phận người vẫn từng ngày đi tìm mạch sống và đón Tết trong niềm hân hoan 'lặng thầm'.
Có mặt tại một xóm nhỏ nằm sâu trong ngõ 121 Lê Thanh Nghị (Hai Bà Trưng, Hà Nội) vào một ngày se lạnh cuối năm, thật không khó để bắt gặp cái “nhịp trầm” lặng lẽ của hàng trăm gia đình, nhưng vẫn có thể cảm nhận rõ rệt niềm vui hòa theo không khí Tết trong đáy mắt từng người.
Có lẽ đây là một trong những xóm nhỏ “nổi tiếng” nhất Thủ đô, với cái tên “xóm chạy thận”. Nhịp sống ở đây dường như chưa bao giờ hối hả, bởi ai cũng đi lại chậm rãi, nói chuyện với nhau thật nhẹ nhàng, ngay cả cái bóng của họ cũng rất nhỏ bé, gầy guộc và xanh xao.
Nhiều người vẫn thường ví những bệnh nhân chạy thận như những kiếp sống “tầm gửi”, vì cuộc sống của họ phụ thuộc hoàn toàn vào hóa chất, máy móc. Họ phải chạy thận, lọc máu 3 lần mỗi tuần, những chi phí dịch vụ, thuốc men, sinh hoạt… đè nặng lên từng đôi vai gầy còm cõi.
Nếu như trước đây, người mắc bệnh suy thận chủ yếu là người già trung bình trên 60 tuổi, thì những năm trở lại đây, suy thận giai đoạn cuối cũng gặp nhiều ở người trẻ. Những người đã gắn bó với “xóm chạy thận” hơn chục năm thường sống chung cả gia đình; còn những người trẻ chưa lập gia đình, sẽ lựa chọn ở ghép với một vài bệnh nhân khác để có thể tiện chăm sóc nhau vừa tiết kiệm chi phí.
Bước đi trong con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo vào giữa giờ trưa, phòng nào cũng đang tất bật chuẩn bị bữa ăn. Đứng bên ngoài một ô cửa sổ đã ủ màu rêu phong, cô Mai cười thật tươi và không quên “khoe” khi đang nhanh tay xào nấu: “Đấy, hôm nay ngày nghỉ, lại sắp đến Tết rồi, món củ cải khô này là “cải thiện” lắm rồi đấy! Chứ bình thường là không có mà ăn đâu... Hai bà cháu tôi sống ở đây đã 14 năm, nơi đây cũng chẳng khác nào một gia đình thứ hai, tất cả các phòng trong khu trọ đều luôn trong tình trạng kín người, toàn là bệnh nhân chạy thận giống như tôi. Ở đây, ngày Tết cũng như ngày thường, có lịch là chúng tôi cũng đều phải ra bệnh viện Bạch Mai để chạy máy nên dường như Tết năm nào cũng ở lại cùng nhau...”.
Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn vất vả, nhưng những phận người nơi “xóm chạy thận” vẫn yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Ngày ngày, họ vẫn dùng khả năng lao động còn lại của mình để mưu sinh với đủ nghề, từ bán hàng rong, chạy xe ba gác, chạy xe ôm đến cắt tóc...
Anh Chiến Điều chia sẻ: “Cứ độ 26-27 Tết hàng năm, mọi người cũng thường tổ chức ăn tất niên theo từng nhóm nhỏ, chăng đèn trong ngõ cho có không khí... Tối Giao thừa, những ai ở lại đây cũng gặp gỡ, sang nhà nhau chúc mừng năm mới, trò chuyện cho khuây khỏa”.
Trong một gian phòng nhỏ của ông Đặng Văn Hường (SN 1955), mọi đồ đạc được sắp xếp ngăn nắp, dường như Tết đã về bên hiên. Ông ngồi trên chiếc chiếu đã cũ sờn, tỉ mần bóc những củ hành trắng muốt để muối dưa: “Năm hết Tết đến rồi, tôi giờ chân tay đều yếu không ra ngoài kiếm sống được nên quanh quẩn ở nhà chuẩn bị đồ ăn. Tiện đây, tôi cũng muối dưa hành để các con tôi mang về đón Tết cho có thêm hương vị”.
“Chúng tôi ở đây nhiều hơn ở quê, một năm may lắm thì về quê được một vài ngày, còn lại là sống tại đây nên chẳng khác gì một gia đình. Mọi người trong xóm cũng cùng hoàn cảnh nên khá thân thiết với nhau, luôn nương tựa nhau.
Về cho gia đình vui, bố mẹ đỡ trông mong, chứ năm nào chạy muộn thì lại không về được. Thực ra chúng tôi cứ mong mỏi Tết được về quê là để sum họp gia đình thôi, chứ có về cũng chẳng được mấy ngày...”, ông Hường vừa trò chuyện vừa trông nồi cá kho và nồi ngô đang đỏ lửa cho vợ mang đi bán hàng rong buổi chiều.
Gặp một cô gái bé nhỏ đến từ Nam Định với cái tên Vũ Thị Hoa (SN 1990) đang xếp hàng nhận quà Tết của một nhóm thiện nguyện, cô gái chia sẻ: “Mặc dù ở quê cũng đã có máy chạy thận, nhưng bệnh nhân quá đông nên quá tải, tôi phải chuyển lên đây. Mấy tháng trước tôi ở trọ bên khu khác nhưng giá phòng quá đắt đỏ nên sang đây tìm phòng ở ghép. Xóm này lúc nào cũng đông, vừa có người ra là lại có người vào ngay. Được cái, mọi người ở đây ai cũng thân thiện, dễ gần và luôn sẵn sàng giúp đỡ nhau...”.
Nói về mong muốn trong năm mới, Hoa nghẹn ngào: “Như tôi bây giờ, chỉ mong sao có một phép màu khiến căn bệnh thận biến mất, để tôi có thể về quê, sống một cuộc sống bình thường”.
Anh Mai Anh Tuấn (SN 1976, quê Ba Vì, Hà Nội), cũng đã có gần 25 gắn bó với “xóm chạy thận”, hiện đang là Trưởng xóm, cũng là người “truyền nghị lực” cho những “cư dân” của “xóm chạy thận”. Anh cho biết, thời điểm hiện tại “xóm chạy thận” có 128 người, 100% đều là hộ nghèo. “Những người ở đây có thể đang cười đùa đó, nhưng sự ra đi cũng có thể đến lúc nào không “hẹn trước”...”, ánh mắt đượm buồn của người Trưởng xóm cũng gợi nhắc một nét buồn trước thềm năm mới.
Từng vạt nắng heo hắt cuối đông in trên những mảng tường cũ kỹ của xóm nhỏ như nhen lên một làn hơi ấm đượm tình người giữa những gánh nặng mưu sinh và khát khao sống vẫn đang âm ỉ trong lòng mỗi “cư dân” của xóm. Dù có sống trong nhịp trầm lặng lẽ, khi Tết đang về, những đôi mắt vẫn ánh lên một niềm vui nho nhỏ, những nụ cười vẫn lạc quan trên gương mặt, bởi họ coi nơi đây là gia đình.