Tết bộ đội xưa và nay

Tôi đã trực tiếp 'ăn' 41 cái Tết bộ đội, vì có gần 42 năm tuổi lính. Nhưng lại biết về Tết bộ đội hơn nhiều con số 41 kia, cũng rất giản dị, những Tết trước đó là được các thủ trưởng kể lại, những Tết sau khi về hưu thì được đơn vị cũ mời về, đến lượt mình, lại là người kể lại. Cũng như hôm nay cầm bút tâm sự với các bạn...

Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, tôi là lính biên phòng đóng quân ở vùng biên phía Bắc. Những năm ấy đất nước cực kỳ khó khăn nhưng ngày Tết cũng vẫn vui, háo hức vì được đón năm mới, xuân mới, không khí mới. Nhưng vất vả hơn vì phải đi tuần nhiều hơn, dày hơn và... cảnh giác hơn. Vui vì được liên hoan văn nghệ với đơn vị kết nghĩa, một đơn vị dân quân, một bản người dân tộc thiểu số... Tranh nhau để được nắm tay một sơn nữ nào đấy múa điệu xòe Thái, thì chả cậu lính nào muốn nhường, trừ phi đến giờ đi gác... Về vật chất, dù thiếu thốn nhưng cũng tươm tất hơn ngày thường. Cũng có giò, có bánh chưng, có mâm ngũ quả... Nhưng sướng nhất là tiết mục được nghe các thủ trưởng già kể chuyện Tết xưa, hồi đánh Mỹ. Mỗi năm một “cụ” tận trên “Tư lệnh” được chỉ huy đồn mời về. Hồi ấy chưa có ti vi, sách báo cũng rất hiếm nên được nghe nói chuyện thì như được sống với thế giới khác. Lần ấy có “cụ” kể về cái “Tết đói” ở Tây Nguyên năm 1972 rất ấn tượng...

Vì ở giữa rừng già lại bí mật nên đến ngày 28 Tết, tiểu đoàn bộ chưa có Tết, chỉ còn mấy chục lon gạo. Thực phẩm thì hết. Nhưng vẫn phải có Tết cho có “không khí”. Đem súng vào rừng săn thú thì không được, vì nếu thế thì còn gì là “bí mật”. Anh em, ngoài những người trực gác, số còn lại tỏa vào rừng đào củ, lấy rau, đặt bẫy... Khổ nỗi, vì không “chuyên” nên chỉ được vài củ mài và ít rau rừng quen thuộc. Đã sang ngày 29, chỉ còn mấy chục tiếng nữa là Giao thừa. Chả lẽ cả đơn vị... ăn cháo! Nhưng đúng lúc khó ấy thì tất cả như vỡ òa khi được đón “đoàn đại biểu” đến chúc Tết. Đó là ba người đàn ông, hai trẻ một già người dân tộc địa phương vượt từ bên kia núi sang, đi từ chiều, phải nhờ liên lạc mặt trận dẫn đường. Quà Tết là một... con heo chừng 15 ký. Chẳng cần nói ai cũng biết cả đơn vị vui mừng đến mức nào. Nhưng làm sao đủ cho 3 ngày Tết? Lãnh đạo quyết định chia ba, ướp muối nấu cháo ăn dần... Chỉ còn cách ấy là “thượng sách”. Quả thật, 3 ngày Tết ấy... ăn cháo nhưng những miếng cháo ấy thật... để đời. Cái để đời nhất là mối tình quân dân...

Lực lượng vũ trang tỉnh Sóc Trăng cùng cán bộ, người dân xã Mỹ Tú, huyện Mỹ Tú cùng gói bánh chưng trong Chương trình "Tết quân-dân" tổ chức tại địa phương. Ảnh: QUANG TRƯỜNG

Lực lượng vũ trang tỉnh Sóc Trăng cùng cán bộ, người dân xã Mỹ Tú, huyện Mỹ Tú cùng gói bánh chưng trong Chương trình "Tết quân-dân" tổ chức tại địa phương. Ảnh: QUANG TRƯỜNG

Cả đơn vị gần trăm người, hội trường không một chỗ trống, hình như ai cũng nín thở... Khi người kể kết lại mấy câu: “Bộ đội ta sinh ra từ dân, vì dân mà chiến đấu, hy sinh nên được dân tin yêu, bao bọc. Không có Tết, dân cho ta Tết...”. Chẳng ai bảo ai, tất cả đứng dậy vỗ tay!

Hơn 40 năm sau, những ngày cuối tháng Chạp, cùng rất nhiều anh em cũ, chúng tôi được đơn vị mời về ăn Tết. Cũng nơi đóng quân ấy nhưng quang cảnh khác hẳn xưa, mới mẻ, hiện đại mà cũng rất truyền thống, dân tộc. Đúng là vui như Tết. Cả đơn vị hồ hởi, chỗ thi gói bánh chưng xanh với gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong, lá chuối; chỗ sôi nổi dựng sân khấu liên hoan; chỗ chuẩn bị không gian nhảy sạp và các trò chơi dân gian... Mỗi năm một chủ đề. Năm nay tên chủ đề là “Xuân đoàn kết-Tình thắm quân dân” được kẻ vẽ rất đẹp treo trang trọng ở cổng chính. Chúng tôi cùng chỉ huy đồn đi chúc Tết lãnh đạo địa phương; trao quà tặng các gia đình nghèo, gia đình chính sách, gia đình quân nhân; vào nghĩa trang dâng hương tưởng niệm liệt sĩ; đến trường phổ thông tặng học bổng “Nâng bước em đến trường”... Nhiều việc, có mệt đôi chút nhưng rất vui và tự hào!

Là những người lính từng cầm súng đi qua chiến tranh, chúng tôi thấu hiểu giá trị của hòa bình thật quý giá vô ngần. Cánh lính già chưa dứt chuyện hôm qua thì chuyển sang giọng tâm tình, mong muốn đất nước mình mãi mãi bình yên như hôm nay để mãi mãi có những cái Tết ấm áp, sum vầy. Tối ấy tôi được mời làm “diễn giả” kể về... Tết. Tôi lại kể về Tết, khác với Tết nay đầy đủ, Tết xưa dù nghèo nhưng giống nhau là luôn đoàn kết, đầm ấm. Tết xưa phải cầm súng ở chiến hào, Tết nay hòa bình nhưng không ngơi cảnh giác, bảo đảm tốt an ninh biên giới mà vẫn trọn vẹn niềm vui. Cái chung nhất vẫn là Tết của tình quân dân như trong một gia đình lớn chuẩn bị đón xuân sang với bao điều hy vọng tốt đẹp, thành công... Tôi không thể không kể về người thủ trưởng trực tiếp của tôi, một trung đội trưởng biên phòng...

Đầu những năm 80 ấy anh mới 25, 26 tuổi, trẻ lắm. Anh yêu một cô dân quân người dân tộc Thái, cái duyên bắt đầu từ những chuyến đi tuần tra biên giới. Một anh sĩ quan biên phòng trẻ, một cô dân quân vừa tốt nghiệp cấp ba. Họ đến với nhau theo lẽ tự nhiên của đất trời, hình như tình yêu ấy là sự minh họa thật đẹp cho lời bài thơ "Chiều biên giới" của Lò Ngân Sủn: “Chiều biên giới em ơi/ Đôi ta cùng chiến hào/ Gần nhau thêm bền chí/ Tình yêu là vũ khí/ Giữ đất trời quê hương”. Phiên nào phải trực gác đơn vị, anh lại phân công tôi đi tuần tra cùng “nàng”. Đấy cũng là dịp để tôi thay anh kể về miền biển quê tôi cũng là quê anh-một vùng đất xa xôi mênh mang sóng nước. Còn “nàng” nghe mà chưa thể hình dung biển có rộng hơn hồ trên núi không (!). Họ cưới nhau. Đám cưới được tổ chức trong hang đá, để tránh pháo từ bên kia giội sang. Cánh lính trẻ được dịp gân cổ lên mà hát “vo” bài hát "Chiều biên giới" (Trần Chung phổ nhạc): “Chiều biên giới em ơi/ Có nơi nào xanh hơn/ Như chồi non cỏ biếc/ Như rừng cây của lá/ Như tình yêu đôi ta”. Cưới xong, chị đi học về làm cô giáo mầm non. Còn anh vẫn là lính biên phòng. Họ có một đứa con trai kháu khỉnh... Đứa con ấy nay đã là một nhà khoa học lâm nghiệp... Còn cha của nhà khoa học ấy... đang ngồi dưới hội trường...

Cả khán phòng ồ lên. Những người đã biết thì mủm mỉm cười. Những người chưa biết, nhất là cánh lính trẻ thì ngạc nhiên: “Ồ, một Đại tá!”. Đúng vậy, sau này anh làm chính ủy biên phòng tỉnh...

Trước khi dừng lời, là một cựu chiến binh, xin nói với các bạn trẻ, với đất nước mình, hòa bình là quý nhất, nhưng muốn có hòa bình lại càng phải chắc tay súng, phải dựa vào dân để học tập, phấn đấu, rèn luyện. Vì đất nước chỉ giữ vững hòa bình khi Quân đội ta tinh, gọn, mạnh, chính quy, hiện đại!

Đại tá, nhà văn NGUYỄN THANH TÚ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/tet-bo-doi-xua-va-nay-764154