Tết cạn, Xuân về
Nhớ thời xa xưa, khi cả năm chị em còn nhỏ sống cùng bố mẹ dưới căn nhà cũ, tối mùng Ba Tết, cả nhà quây quần bóc hộp mứt Tết.
Hộp mứt của bánh kẹo Hữu Nghị là quà Tết của bố được phân phối với suất giáo viên lâu năm kiêm hiệu trưởng, được bọc giấy bóng kính có tua rua trên đầu cột dây chun. Niềm háo hức của cả nhà lúc đó chắc phải lớn hơn gấp mấy lần sự háo hức của các bạn trẻ bây giờ khi bóc “túi mù”. Hộp mứt được khui ra, có gói mứt lạc bé tí đâu hơn chục hạt là cả nhà ai cũng được hưởng, chia đều mỗi người hai, ba hạt, cắn côm cốp. Có mứt chuối, mứt quất, mứt gừng, nhiều nhất là mứt dừa... mà đôi lần những túi ni-lông bọc chúng đã chảy nhão, sột sệt nước, có khi đã quá hạn cũng nên nhưng vẫn chia nhau ăn bên ấm trà pha từ hộp trà Kim Anh đựng trong vỏ sắt tây có dòng chữ: hương thơm - vị đậm - nước xanh, sao mà thấy “quý tộc” và ngon lành đến thế.
Những kỷ niệm giản dị đó vẫn theo mãi đến bây giờ nên năm nào đi sắm Tết, tôi vẫn không quên mua hộp mứt Hữu Nghị này, vỏ bằng bìa cứng hình lục lăng có in hình ba ông Phúc - Lộc - Thọ. Tối qua bảo con gái: “Con có thích ăn không, ba mở cho nhé”, nhưng con từ chối. Sáng nay, bác giúp việc đến dọn nhà cuối tuần như thường lệ, định cho bác mà chợt nhìn thấy hộp mứt đã quá hạn sử dụng nên thôi. Bác bảo: “Chú cứ để đó, tôi đem cho người ta”. Tôi nói: “Thôi bác ạ, cho thì cho cái còn hạn, chứ cho đồ cũ hỏng không còn hạn sử dụng phải tội đấy”. Lúc bác về, tôi đưa cho bác túi bánh kẹo còn mới bảo bác đem chia cho mọi người.
![Một bình thược dược ngày Tết](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_232_51459748/d3c6beec89a260fc39b3.jpg)
Một bình thược dược ngày Tết
Đêm muộn tối thứ Sáu, tranh thủ làm ly trà mật ong, ngồi nghe những âm thanh tuyệt mỹ của bài “Hotel California” bất hủ, ngắm cành đào muộn vừa mua hôm qua từ An Corner. Bạn mua cho hai bó thược dược, hai bó violet, hì hục cắm mãi mà vẫn không dám chụp hình gửi cho bạn vì sợ bị chê, thôi thì tay đàn ông cũng chỉ được vậy. Bó tuyết mai mua từ trước Tết ông Công ông Táo, bỏ bẵng đi từ 28 Tết đến mùng Bốn mới ra thấy nó như bó củi khô, hì hục tưới tắm mãi lại thấy hé những nụ trắng bé xíu, lộc non nhu nhú. Ngồi trong không gian thân thuộc, gần gũi nhất của mình, nghe hương Xuân thơm tho tràn ngập, thấy thư thái, sung sướng gì đâu.
May quá, hết Tết rồi!
Tôi vẫn là người dị ứng với Tết, ngoài việc được thưởng Tết, được tặng quà Tết và được nhận lì xì ra thì thấy Tết sao mà mệt mỏi. Thi nhau tiệc tùng hết tất niên lại tân niên, thi nhau lao ra đường khiến đường sá suốt ngày đêm tắc cứng. Nhớ trưa 26 Tết năm nay, trời lạnh quá, đi taxi xuống chỗ bố đang nằm điều trị mà gần đến nơi đường tắc cứng, đành phải bảo tài xế dừng lại, trả tiền rồi cuốc bộ. Sợ muộn giờ bố ăn trưa nên chạy thục mạng, trời lạnh 15 độ mà đến nơi quần áo ướt đẫm mồ hôi.
Thấy người Việt mình thật lạ, cái gì cũng gom góp cho Tết. Chắc tâm lý Tết phải đủ đầy và ám ảnh về nghèo khó năm xưa mãi chưa tan, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tết là phải chỉnh trang đô thị, đào đường lát vỉa hè, Tết là phải sửa nhà, Tết là phải mâm cao cỗ đầy khiến tủ lạnh ê hề, bàn ăn luôn chất chồng đồ ăn cũ. Tết là phải dọn dẹp nhà cửa, bố trí lại đồ đạc, lau dọn linh tinh beng cả lên. Ô hay, sao không đối xử với Tết công bằng như mọi ngày khác, muốn mọi thứ tốt lên thì làm ngay đi hay đợi đến quý IV mới giải ngân cho dễ? Sao ngày thường không ăn ngon mặc đẹp được mà phải để đến Tết cho xộc xệch, cuống cuồng?
Sáng thứ Bảy vừa rồi đã hết “mùng”, là 11 tháng Giêng, hai ba con dậy sớm đón xe Limousine về quê để con gái thăm ông bà nội đầu Xuân năm mới và thắp hương giỗ cụ. Về đến nhà thấy mọi người đã tề tựu đông đủ, lúc đó mới cảm nhận rõ tiết Xuân quê hương, mới được thảnh thơi pha ấm trà mời nhau ngồi trò chuyện ngắm đào ngắm quất - khi đó đã được bưng ra đặt ở khoảng sân rộng trước nhà để tắm nắng, phơi sương, hít không khí trong lành, sau khi đã được gỡ bỏ mớ “dây nhấp nháy” quấn vòng quanh trang điểm dịp Tết. Không hiểu sao tôi thấy đào, quất để nguyên mới đẹp, chứ quấn dây điện trang trí và thắt ruy-băng hay treo phong bao, tấm thiệp “Cung chúc tân Xuân” thấy chúng cứ “lễ tân”, cứ giả giả và gượng gạo thế nào ấy. Đào là để ngắm hoa thắm chồi non lộc biếc, quất là để ngắm những quả vàng ruộm căng tròn chín mọng... chứ bắt chúng cõng thêm cả mớ thứ kia thì đâu còn đúng nữa.
Tàn hương mâm cơm cúng cụ, anh chị em lại quây quần, lúc đó ăn bữa cơm đoàn viên mới thấy ngon lành, thảnh thơi vì được ăn đúng bữa, được thư thả thưởng thức không phải lo việc này chuyện kia, được nhâm nhi khề khà mới thấy loại rượu này ngon, món kia tròn vị… Ăn uống no nê phủ phê xong, hai cha con dắt nhau đi trên con đường làng vi vút gió Xuân, chỉ cho con gái thấy những vạt ruộng vừa mới cấy đang được dẫn nước về, vào ngôi đền thờ đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh, thảnh thơi vãn cảnh thắp nén nhang dâng cúng, không phải chen vai hích cánh, vồn vã vội vàng hỏi chào hay cau mày đi vòng tránh nơi rút xăm bốc quẻ...
Sáng Chủ nhật, sau khi dọn nhà, bày biện lại mọi thứ, tưới nước cho cây, cắm hoa vào các bình, tôi thấy như lúc đó mới đúng nghĩa Tết về.
![Hoa đào tại chính điện đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_232_51459748/8d27e60dd143381d6152.jpg)
Hoa đào tại chính điện đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh
Là một kẻ đam mê xê dịch, tôi thích cái rực rỡ, chói chang của mùa Hè, cái lộng lẫy, tròn đầy viên mãn của mùa Thu, thích cả vẻ ảm đạm, buốt giá xuýt xoa muốn sát gần nhau hơn của mùa Đông, nhưng mùa Xuân luôn khiến tôi có những cảm xúc đặc biệt. Tôi thích những cơn gió Xuân dịu nhẹ mang hương hoa ngâu cùng đủ các loài hoa khác và mùi quả chín ngào trộn với mùi lá non, mùi ẩm của hơi nước trong cơn mưa bụi buổi sáng bay xa.
Sách cổ viết, mùa Xuân vốn là mùa có nhiều lam sơn chướng khí, cũng là mùa nồm ẩm, nhưng tôi lại thấy mùa nồm ẩm này dễ thương kỳ lạ. Mưa bụi rích rắc thả những làn sương như khói mây mong manh bảng lảng xuống khắp những tán lá, tàn cây giúp cây lá, nhất là những thảm thực vật lá thấp, như được ủ nhựa. Cả không gian hoa lá cây cỏ tiềm ẩn một sức sống căng đầy rất dễ cảm nhận, tạo sự thích thú khó che dấu. Lá ướt nước, hoa ngậm sương, những chồi non lộc biếc đôi chỗ được quàng lên một chuỗi ngọc là nước vương trên những tầng màng nhện, gây nên sự phấn khích rất dễ thương mà chẳng mùa nào có được.
Hà Nội, Tết Nguyên tiêu - Ất Tỵ 2025
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tet-can-xuan-ve-724088.html