Tết còn những cuộc thiên di

Tết Nguyên đán Nhâm Dần sẽ là cái Tết đến khá sớm khi nhiều nơi vừa trở lại với 'bình thường mới'. Chúng ta từng có cái Tết kháng chiến trong mùa xuân 1947 khi Mệnh lệnh Toàn quốc kháng chiến vừa được ban bố ít ngày. Nhiều người già ở Hà Nội hẳn vẫn còn nhắc đến cái Tết năm 1973 khi các gia đình trở về Hà Nội từ khu sơ tán. Tết Việt đã trải qua những thử thách như để khẳng định sức sống của văn hóa và bản lĩnh của người Việt.

Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa trên nhiều phương diện, Tết Việt lại hơn một lần đứng trước những dấu hỏi. Năm 2016, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “Muốn để nền kinh tế thật sự hội nhập, chúng ta nên bỏ Tết Âm lịch, ăn Tết theo Dương lịch…” (theo Báo Dân trí). Có vẻ như với chuỗi ngày nghỉ dài, với những cuộc thiên di về quê hương từ các tỉnh xa, từ các quốc gia, châu lục của người Việt đang cho thấy sự bất cập, lệch pha với xu thế hội nhập chung của thế giới về thời gian, kế hoạch, chương trình làm việc... Nhưng, nếu không còn Tết thì không còn sự tồn tại của nhiều hội hè, đình đám, khó giữ được sự gắn kết của tình cảm gia đình, họ mạc, láng giềng và các giá trị văn hóa cổ truyền được hình thành trong đời sống nông nghiệp… Tết là phải tìm về để tắm lại mạch nguồn dân tộc, tiếp thêm nguồn sinh khí cho mình.

Người Việt xa xứ vẫn gói bánh chưng đón Tết.

Sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 đã làm các cuộc tranh cãi về Tết bất ngờ lắng xuống. Khi những chiếc vé tàu Tết “ế ẩm”, khi những người làng đi xa đã trở về tìm những công việc mới tại địa phương từ nhiều tháng trước, chúng ta chợt giật mình: Tết có còn những cuộc thiên di như loài chim trở về quê hương trong mùa xuân ấm áp? Thay bằng những gánh nặng về vấn nạn tắc đường, “cháy” vé, quá tải bấy lâu nay là sự hẫng hụt của ngày hôm nay.

Mỗi khi bước sang năm mới theo lịch mặt trăng, người Việt và công dân một số nước Á Đông lại cố gắng thu xếp công việc để trở về quê cha, đất tổ. Tết nguyên đán không phải là một nghi lễ tôn giáo như những người theo đạo Hindu hàng năm vẫn hành hương về sông Hằng tham gia lễ hội Maha Shivratri và bất chấp cả những cảnh báo về COVID-19. Tết cũng đâu phải một sự kiện văn hóa nổi bật để thu hút khách du lịch. Tết chỉ có ý nghĩa khi bạn về được với gia đình, quê hương, dòng họ, với nguồn cội của mình. Từ trong năm, Chính phủ và các ban, ngành đã quan tâm chỉ đạo để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân được về quê ăn Tết an toàn, thuận lợi. Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã ký Công điện số 1725/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần và lễ hội xuân 2022.

Trước sự khốc liệt của một đại dịch tác động đến cuộc sống trên toàn cầu, chúng ta đã thích nghi dần với những giải pháp tại chỗ và trực tuyến, liệu người dân còn muốn trở về quê ăn Tết hay không? Cách đây chưa lâu, trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi cho biết: "Có khoảng 60.000 - 80.000 bà con Việt kiều tại Nga mong muốn sớm được về quê ăn Tết, nhất là sau hai năm gặp khó khăn đi lại vì đại dịch COVID-19".

Người Việt vẫn dành cơ hội ít ỏi trong một năm cho xuân quê hương. Có lẽ hơn lúc nào hết, năm mới là khi tiếng gọi cội nguồn, tình yêu Tổ quốc, dân tộc trong lòng mỗi người ngân lên tha thiết nhất. Như một nghịch lý, càng phải hạn chế tiếp xúc, càng cắt giảm các chuyến đi, con người ta càng mong muốn dành một chuyến trở về để tận hưởng cảm giác bình yên ở quê hương, bên gia đình.

Tác giả của bài báo “Người châu Á đón Tết năm nay rất khác...” trên báo Dân trí cho rằng: “Tết năm nay sẽ rất khác ở nhiều quốc gia, có những điều lần đầu chúng ta trải nghiệm do hoàn cảnh tác động mà nên, nhưng mọi thứ đều có hai mặt, hoàn cảnh mới có thể khiến ta tìm ra những ý nghĩa mới cho một dịp nghỉ lễ quan trọng nhất trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân tại nhiều quốc gia châu Á”.

Các chương trình hỗ trợ người dân về quê đón Tết an toàn.

Phải chăng “những ý nghĩa mới” của Tết mà tác giả muốn nhắc đến còn mang một ý nghĩa khác, một sự linh hoạt, ứng biến để vừa thích ứng, vừa duy trì được việc ăn Tết. Điều mà thế giới lo sợ trong những ngày tới chính là biến chủng Omicron sẽ khiến nhiều nước phải tái lập lệnh cấm đi lại. Khi đó, các giải đấu thể thao, các chuyến du lịch, công tác sẽ khó lòng thực hiện được chứ chưa nói đến hồi hương, về quê.

Ở một góc nhìn khác, ngày nay khi khái niệm “ăn Tết” đã chuyển dịch, biến đổi theo hướng “nghỉ Tết”, “chơi Tết”… phù hợp với cuộc sống mới. Nhưng khi các hình thức “Tết di chuyển”, “Tết du lịch”, “Tết trải nghiệm” không thể diễn ra cũng không có nghĩa là người Việt ở trong nước và trên thế giới sẽ phải bỏ Tết, quên Tết và mất Tết. Chúng ta vẫn có thể đoàn viên qua mạng xã hội. Ở nơi xa xôi, một chiếc bánh chưng xanh, nén hương thơm vọng về tổ tiên vẫn nói lên sự chân thành, lưu giữ hồn Tết cho bản thân mỗi con người.

Để có “bình thường mới” một cách an toàn, có thể chúng ta phải tách bạch hai khái niệm: Tết và những chuyến trở về. Mỗi người cần chọn một thời điểm thích hợp, thuận tiện cho công việc trong năm để về thăm cha mẹ, họ hàng như một cách ăn Tết sớm, ăn Tết muộn rất linh hoạt. Câu chuyện của anh Đoàn Thanh Tùng, ở TP Hồ Chí Minh về thăm nhà ở TP Hạ Long, Quảng Ninh là một ví dụ.

Anh Tùng chia sẻ: “Không phải cứ có hoa mai, hoa đào mới là Tết, với những người con tha hương nhiều năm trời ở xứ người, được nhìn thấy cha mẹ, người thân đã là Tết. Trong tình hình bình thường mới, thích ứng an toàn với dịch COVID-19, cứ sắp xếp được thời điểm phù hợp là chúng tôi về quê thôi”.

Suy nghĩ của anh Tùng và nhiều người dân không đơn thuần chỉ là một sáng kiến mà thực sự là một quan niệm mới trong việc tổ chức lại những hoạt động đời sống. “Bình thường mới” không phải là sự từ bỏ cái cũ mà ở cách làm mới, cách thay đổi, sắp xếp lại các hoạt động sao cho linh hoạt, khoa học hơn nhưng vẫn duy trì được hoạt động.

Nhớ lại, khi đại dịch COVID-19 chưa bùng phát, trong kì nghỉ Tết Kỷ Hợi 2019, trên cả nước có đến 183 người chết vì tai nạn giao thông; tương tự như thế, Tết Mậu Tuất 2018 là 202 vụ, Tết Đinh Dậu 2017 là 368 vụ… chưa kể đến những hệ lụy của việc lãng phí tiền đốt vàng mã, giải hạn, cầu cúng mang màu sắc mê tín dị đoan. Những con số từng khiến chúng ta trăn trở tìm giải pháp khắc phục. Ở một phương diện nào đó, ảnh hưởng của đại dịch cũng tạo ra sự thay đổi mang tính bắt buộc, là cú hích khiến mỗi người dũng cảm từ bỏ những thói quen. Giật mình nhìn lại những gì đã xảy ra mới thấy trước đây, vì những thói quen chạy theo phong trào mà chúng ta vô hình chung đã tạo ra những gánh nặng từ sự mất an toàn về giao thông, cháy nổ, trật tự xã hội… lên vai chính quyền và xã hội.

Tết của dân tộc nhưng Tết cũng có trong tâm hồn mỗi người. Chỉ cần chúng ta luôn hướng về dân tộc, về cội nguồn, luôn có tinh thần tự tôn văn hóa thì sẽ có được niềm vui trong những ngày đầu tiên của năm mới. Dù được trở về quê trong dịp Tết hay chưa thể trở về thì tâm hồn ta luôn thuộc về những giá trị văn hóa tốt đẹp của cha ông ta cũng như hòa nhịp với đời sống hiện đại của thế giới hôm nay…

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/tet-con-nhung-cuoc-thien-di-i642772/