Tết của người Thái Mường Lò có gì vui?
Người Thái ở Mường Lò (Yên Bái) đón Tết Nguyên đán với nhiều phong tục và nét văn hóa đặc sắc.
Theo truyền thống xưa, sắp đến giờ giao thừa thì Chẩu Mường (Chúa Mường) sẽ đánh trống, chiêng báo hiệu và sau đó sẽ là tiếng chiêng, trống của các bản làng, nếu bản làng nào đánh trước sẽ bị phạt.
Người Thái Mường Lò quan niệm đêm giao thừa là thời điểm thể hiện lòng thành kính nhất đối với các thần linh và tổ tiên. Trong lễ cúng tổ tiên đêm giao thừa, nếu người Kinh phải có gà thì người Thái thay bằng lợn (nếu là lợn nhỏ thì để cả con, nếu là lợn to thì sắp lễ gồm thủ, đuôi và chân). Người Thái cũng đốt hương thắp các hướng của ngôi nhà để cảm ơn thần linh 4 hướng đã bảo vệ, phù hộ cho gia đình trong năm cũ...
Bà Điêu Thị Xiêng, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Qua quá trình một năm chúng ta lao động sản xuất, làm ăn, có năm thì thu được nhiều kết quả, có năm thì cũng gặp nhiều khó khăn nhưng mà đến tết thì chúng ta tổng kết lại hết năm cũ để rút kinh nghiệm trong măm mới sẽ làm ăn như thế nào. Theo lời cúng của các ông thầy ông mo thì cầu khấn tổ tiên phù hộ cho con cháu làm ăn, đẩy những cái rủi ro đi, đón cái may cái mới về cho gia đình mình".
Đêm giao thừa, người Thái Mường Lò có tục rất đặc sắc là tục lấy nước. Trước giao thừa một vài phút, những người lớn trong gia đình hoặc cô gái, chàng trai sẽ ra đầu nguồn nước của bản để lấy nước với tâm niệm đem về nhà với nhiều lộc và một năm mới thuận lợi, hanh thông. Riêng các cô gái thì còn nhanh chóng rửa mặt bằng nước nguồn để xinh đẹp hơn, các chàng trai uống nước nguồn để khỏe mạnh, cường tráng, tài giỏi hơn...
Ngày mùng 1 Tết, theo phong tục của người Thái thì đây là ngày “Tết tổ tiên, ông bà”. Bà con chưa đến nhà nhau chơi mà chủ yếu là ở nhà hoặc anh em trong một gia đình đến chúc tụng, làm các thủ tục thờ, cúng ông bà, tổ tiên.
Ngày mùng 2 Tết, người dân mới đến nhà nhau chơi. Thường thì mỗi nhà cử một đại diện để tạo thành đoàn, sau đó lần lượt đi chúc Tết từng gia đình trong bản. Trong những ngày Tết, nhà nào cũng chuẩn bị rất nhiều mâm cỗ với các món ngon để tiếp đón khách. Ai đến nhà cũng phải uống 1 chút rượu, tượng trưng cho những lời chúc tụng, sự tôn trọng của khách đối với chủ nhà và ngược lại. Từ mùng 3 tết trở đi, các bản làng bắt đầu tổ chức các lễ hội cho bà con vui Xuân.
Sau Tết, từ mùng 10 đến ngày 15 âm lịch, các xã, phường đều tổ chức lễ hội “Rằm tháng giêng” với các nghi lễ: Xên bản; Xên Mường; các trò chơi dân gian như: leo cột mỡ, tung còn, kéo co, đẩy gậy, Tó Mác Lẹ... Bên cạnh đó là các hội thi múa xòe; hội “Hạn Khuống”, thu hút rất đông bà con nhân dân tham gia. Chị Lò Thị Trang ở phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái cho biết: "Mình rất tự hào bản sắc dân tộc Thái và cuộc sống sinh hoạt thường ngày của dân tộc mình. Mình ý thức được rằng phải giữ gìn và phát huy những bản sắc dân tộc này để giới thiệu được tới du khách gần xa về với Mường Lò – Nghĩa Lộ".
Về ẩm thực, trong ngày Tết, người Thái chế biến nhiều món ăn từ thịt lợn, các món xôi, các loại bánh và thịt gà. Riêng các món cúng ngày Tết không dùng cá, thịt lợn xiên không được ướp mắm tôm. Trong mâm cỗ không thể thiếu xôi ngũ sắc, lạp sườn và các loại thịt hun khói... Chị Lò Thị Thúy ở xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Món thịt gác bếp thì mỗi cách phối trộn gia vị thì sẽ cho ra những hương vị đặc trưng khác nhau. Mỗi gia đình người Thái đều có bí quyết chế biến món thịt gác bếp. Món thịt gác bếp ngon cũng tạo cho mâm cỗ ngày Tết thêm phần ấn tượng".
Năm nay, tại Mường Lò, tỉnh Yên Bái tiếp tục tổ chức bắn pháo hoa phục vụ người dân thị xã Nghĩa Lộ và các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, nhân lên không khí vui tươi, hào hứng đón một mùa Xuân mới./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa-giai-tri/tet-cua-nguoi-thai-muong-lo-co-gi-vui-1002433.vov