Tết của những người lính gác rừng ở Gia Lai
Thay vì sum họp, đoàn tụ bên mâm cơm gia đình dịp Tết thì những người lính gác rừng ở Gia Lai lại len lỏi khắp các cung đường tuần tra, bảo vệ rừng. Bởi thời điểm này đã bước vào mùa khô dễ gây ra cháy, ngoài ra các đối tượng 'lâm tặc' thường lợi dụng những ngày Tết để phá rừng.
Tết của người lính gác rừng
Mỗi dịp Tết đến, xuân về là lúc các thành viên trong gia đình sum vầy bên mâm cơm ấm áp, yêu thương của gia đình, cùng nhau chia sẻ những câu chuyện vui buồn của năm cũ. Thế nhưng, với những người giữ rừng họ đang phải gác lại niềm hạnh phúc ấy, đón Tết ở rừng vì nhiệm vụ cao cả.
Về với biên giới Chư Prông (Gia Lai) những ngày cuối năm, PV đã cảm nhận được cái nắng nóng của mùa khô Tây Nguyên. Trái lại với không khí rộn ràng, tất bật sắm sửa, trang hoàng nhà cửa để đón Tết của người dân biên giới thì trụ sở Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Puch (Chư Prông) lại khá im ắng, vắng vẻ. Bởi sở dĩ toàn bộ lực lượng bảo vệ rừng của Ban đã xuống các làng, vào từng cánh rừng để thực hiện nhiệm tuần tra, bảo vệ.
Một trong những cán bộ lâm nghiệp có thâm niên trong ngành là chú Huỳnh Tấn Thắng (49 tuổi, cán bộ bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Puch). Năm nay vừa tròn 26 năm chú cống hiến trong ngành, đó cũng là từng ấy năm chú chưa được đón một cái Tết trọn vẹn với gia đình.
Bên chén trà đặc, chú Huỳnh Tấn Thắng trải lòng: “Nhà chú ở TP Pleiku (cách cơ quan gần 100km) nên một tháng về nhà khoảng 2 lần, tuy nhiên những lần về nhà cũng chớp nhoáng, rồi phải vào lại đơn vị, trở lại với những cánh rừng. Phần lớn thời gian của chú đều ở rừng hay chốt, trạm bảo vệ rừng. Hơn 20 năm nay, dường như mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều do vợ đảm nhận. Ngay cả những ngày Tết cũng chẳng mấy khi được trọn vẹn bên mâm cơm gia đình, bởi được chia ca nghỉ về nhà nhưng nghe thông tin về phá rừng hay xâm hại rừng lại phải khăn gói trở lại rừng ngay”.
“Những ngày Tết, anh em bắt buộc phải túc trực 24/24 ở chốt và chia ca để tuần tra, bảo vệ sâu bên trong những cánh rừng bởi mỗi người phải quản lý hơn 2.000 ha. Biết rằng, Tết là dịp để gia đình sum họp, ai mà chẳng muốn ở nhà để được thắp hương cúng bái tổ tiên, đi thăm hỏi, chúc Tết người thân... Tuy nhiên, khi đã lựa chọn nghề giữ rừng thì phải chấp nhận thôi. Ngoài trách nhiệm, chúng tôi còn rất yêu nghề, yêu những cánh rừng biên giới vì vậy anh em luôn quyết tâm tuần tra, kiểm soát từng tiểu khu để kịp thời ngăn chặn các vụ phá rừng”, chú Thắng chia sẻ.
Cùng hoàn cảnh tương tự là trường hợp của chị Phan Thị Kiều Hạnh (SN 1986, Phó Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Puch), một trong những “nữ tướng” giữ rừng hiếm hoi của tỉnh Gia Lai. Vì chồng chị Hạnh cũng công tác trong ngành lâm nghiệp nên 2 vợ chồng ít có thời gian gặp nhau, đặc biệt là dịp lễ, Tết bởi lịch trực của cả 2 thường đối lập.
“Công việc của mình và chồng đều bận như nhau nên rất ít thời gian ở nhà, chủ yếu là ở cơ quan và ở rừng. Công tác xa nhà nên con bé mình cũng phải gửi nhờ ông bà chăm sóc và đưa đón đi học. Vì đặc thù nghề nên việc được đón cái Tết trọn vẹn bên gia đình với mình và anh em trong ngành thực sự là một điều xa xỉ bởi dịp Tết thường là thời điểm mà các đối tượng xấu thực hiện các hành vi vi phạm lâm luật.
Dẫu vậy, phận nữ nhi đương nhiên phải có trách nhiệm trong việc dọn dẹp, chuẩn bị mâm cúng ngày Tết nên mình cũng đã tranh thủ sắp xếp lo phần nào việc nhà dù chưa được đầy đủ. May mắn chồng và gia đình cảm thông và chia sẻ nên mình cũng yên tâm công tác”, chị Hạnh bộc bạch.
“Căng mình” giữ rừng dịp Tết
Theo phó Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Puch, đơn vị được giao quản lý hơn 15.600 ha rừng. Địa bàn rộng lớn, trải dài trên nhiều xã biên giới lại nằm xen kẽ đất rẫy của người dân, cùng với đó là tình trạng thiếu nhân lực khiến công tác tuần tra, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn.
“Hiện tại đơn vị thiếu đến 5 biên chế, điều này cũng đồng nghĩa với việc mỗi anh em trong ban phải “gánh” thêm vài trăm ha rừng. Mặc dù, giữ rừng khu vực biên giới có thêm hỗ trợ nhưng địa bàn quản lý rộng, phức tạp nên trừ chi phí ăn ở, xăng xe đi lại cũng chẳng còn bao nhiêu. Nhằm chủ động trong công tác quản lý, bảo vệ rừng dịp trước và trong Tết nguyên đán, kịp thời ngăn chặn những hành vi phá rừng, phòng chống, cháy rừng (PCCR) đơn vị đã bố trí trực trên 50% quân số…”, chị Hạnh cho biết thêm.
Tương tự, thời điểm này Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê (huyện Đăk Pơ, Gia Lai), nơi vừa vực dậy sau làn sóng lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách xin nghỉ việc cũng đang phải “căng mình” túc trực ở các chốt, trạm và những điểm nóng phá rừng. Bởi vào dịp Tết kẻ xấu thường lợi dụng thực hiện các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp. Nguy cơ phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật luôn thường trực.
Anh Phan Thanh Lâm (nhân viên quản lý bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê) cho hay: “Tết là dịp cao điểm trong công tác quản lý, bảo vệ và PCCR nên anh em thường xuyên phải có mặt ở trạm, ở rừng. Cũng vì vậy công việc ở nhà dường như đều do vợ và ông bà quán xuyến, gánh vác. Không phân biệt lễ, Tết, công tác tuần tra rừng có những hôm phải làm xuyên đêm. Anh em chỉ được hưởng chế độ theo quy định của nhà nước như (thưởng Tết 300.000 đồng) chứ không còn chế độ gì khác”.
Cùng chung gánh nặng giữ rừng dịp Tết, anh Hồ Vĩnh Tường (Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê) chia sẻ: “Dịp giáp Tết là thời điểm bắt đầu bước vào mùa khô, cũng là mùa người dân đốt rẫy, làm nương ở những vùng giáp ranh. Từ đó, gia tăng nguy cơ cháy rừng, cùng với đó là tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản diễn ra khá phức tạp.
Đây cũng là dịp các đối tượng phá rừng hoạt động manh nha hơn nên anh em phải túc trực thường xuyên 24/24. Hầu như ngày nào anh em cũng phải có mặt tại trạm, chia nhau tuần tra, kiểm soát đặc biệt là các điểm nóng nhằm ngăn chặn các hành vi phá rừng làm nương rẫy cũng như là việc khai thác lâm sản”.
Trao đổi với PV, ông Lê Thái Hùng – Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê cho biết: “Dịp này, đơn vị đã tăng cường lực lượng trong công tác tuần tra bảo vệ rừng, PCCCR. Cụ thể là phối hợp với các tổ nhận khoán trực 24/24, kể cả trong những ngày Tết tại các chốt. Đồng thời, bố trí từ 5 đến 10 người thường xuyên tuần tra các vùng trọng điểm mà người dân địa phương hay phát nương làm rẫy, các vùng trọng điểm cháy để kịp thời phát hiện lửa rừng và chữa cháy. Nhằm động viên tinh thần cho anh em dịp Tết ngoài 300.000 đồng hỗ trợ của UBND tỉnh, Ban cũng trích thêm kinh phí hỗ trợ tiền ăn, nước uống cho anh em. Ngoài ra những người nào nhà xa sẽ được đơn vị tạo điều kiện cho về thăm nhà dịp Tết, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo lịch trực và đủ quân số tại chốt”.
Gia Lai hiện có khoảng 650.000 ha rừng. Phần lớn, mỗi nhân viên quản lý bảo vệ rừng chuyên trách được giao quản lý, bảo vệ từ 1.000 đến vài nghìn ha rừng. Mỗi dịp Tết đến, Xuân về khắp cánh rừng ở Gia Lai được trải một màu xanh của những chồi non mơn mởn, mùi hương ngào ngạt của hoa Pơ Lang. Đằng sau vẻ đẹp ấy là giọt mồ hôi, nước mắt của những người lính gác rừng ngày đêm âm thầm trèo đèo, lội suối tuần tra, bảo vệ những cánh rừng mãi xanh.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tet-cua-nhung-nguoi-linh-gac-rung-o-gia-lai-post284234.html