Tết đáng nhớ nơi tuyến đầu của bác sĩ 9X đi chi viện chống dịch
Tham gia chi viện cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đúng dịp Tết Nguyên đán, BS Nguyễn Trung Hiếu đã có một cái Tết đặc biệt cùng các bệnh nhân COVID-19 nặng.
Cống hiến sức trẻ
Tết này, với BS. Nguyễn Trung Hiếu (Trung tâm Y tế huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) thật đặc biệt, khi anh tình nguyện xông pha vào “tuyến lửa” Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng.
Cuộc gặp của chúng tôi với anh diễn ra rất vội trong ca trực. Dù bận rộn liên tục, nhưng qua ánh mắt trong trẻo, chúng tôi vẫn thấy được sự nhiệt tình với công việc của chàng trai 9X khoác áo blouse trắng.
“Là một bác sĩ trẻ, tôi tự nhủ phải cống hiến hết mình, vì thế tôi đã tự nguyện xin vào nơi tuyến đầu dịch bệnh để hỗ trợ công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng. Tôi rất tự hào vì đã được góp chút công sức nhỏ bé của mình để người dân được đón Tết an toàn”, BS Nguyễn Trung Hiếu chia sẻ.
Cũng như bao người, Tết đến là mong muốn đoàn tụ, nhưng bác sĩ Hiếu đã tự gạt đi những mong muốn riêng tư ấy vì cộng đồng. “Gia đình, bố mẹ tôi đều hiểu và luôn động viên tôi rằng tuổi trẻ là phải cống hiến, luôn nhắc tôi đảm bảo an toàn khi làm việc. Có sự hỗ trợ từ hậu phương, tôi rất yên tâm, hoàn toàn tập trung vào công việc chăm sóc và điều trị bệnh nhân COVID-19 ở đây”, anh tâm sự.
BS Nguyễn Trung Hiếu được phân công tham gia hỗ trợ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trong thời gian một tháng (từ 11/1- 11/2/2022), đúng vào dịp Tết Nguyên đán. Dù đã từng tham gia chống dịch tại Bắc Giang những ngày dịch nóng nhất, nhưng khi trực tiếp lên tuyến đầu, BS Hiếu càng “thấm” những nhọc nhằn của các đồng nghiệp nơi đây, khi phải căng mình ngày đêm với áp lực và khối lượng công việc khổng lồ.
“So với tuyến dưới chủ yếu điều trị bệnh nhân nhẹ hoặc không triệu chứng, áp lực tuyến đầu thật sự rất khủng khiếp. Những ngày mới bước chân vào ICU tôi đã cảm thấy “sốc”. Nhất là khi hàng ngày chứng kiến các bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi, điều mà tôi chưa từng đối mặt trong nhiều năm làm việc của mình. Ở đây các bệnh nhân đều trong tình trạng nặng, đa số phải thở máy, thở HFNC, đặt nội khí quản… Áp lực điều trị cũng rất lớn, chúng tôi phải chăm sóc bệnh nhân 24/24 giờ, không được rời mắt mới có thể kịp thời theo dõi các chuyển biến của người bệnh, mong họ có cơ hội vượt được cửa tử”, BS Hiếu chia sẻ.
Nhìn bệnh nhân để nỗ lực mỗi ngày
Mỗi ngày trong ICU rất áp lực với một bác sĩ từ tuyến dưới đi hỗ trợ. Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn ban đầu, BS Hiếu đã cùng đồng nghiệp nhanh chóng bắt tay vào công việc, cố gắng để những ngày đi chi viện thực sự có kết quả cao và có ý nghĩa nhất.
“Công việc hàng ngày của tôi là tham gia điều trị và kết hợp với chăm sóc liệu pháp tinh thần cho các bệnh nhân vẫn còn tỉnh táo. Chúng tôi nhận thấy liệu pháp tinh thần có vai trò khá quan trọng, giúp bệnh nhân COVID-19 có thể khỏi bệnh nhanh hơn, hồi phục tốt hơn. Vì vậy, tôi luôn cố gắng động viên bệnh nhân ăn uống, giúp bệnh nhân liên hệ về cho người thân để họ được an ủi, có thêm động lực chiến đấu với bệnh tật”, BS Hiếu chia sẻ.
Những ngày tham gia vào công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, giúp cho nhiều người bệnh được khỏi bệnh kịp về nhà ăn Tết, với BS Hiếu, đây là niềm hạnh phúc không gì sánh được.
“Trước Tết, có một bệnh nhân đã phải thở máy HFNC, bệnh nhân còn tỉnh táo và còn cơ hội, hàng ngày chúng tôi vừa điều trị, vừa động viên để bệnh nhân lạc quan chiến đấu với bệnh tật. Ngày nào tôi cũng hỏi thăm, động viên, tranh thủ trò chuyện, tâm sự giúp bệnh nhân vượt qua những hoang mang, lo lắng; vì khi đã vào ICU, xung quanh họ rất nhiều ca nặng, nguy kịch, thậm chí chứng kiến nhiều bệnh nhân tử vong hàng ngày; nên rất dễ rơi vào trạng thái tuyệt vọng, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị. Hiểu được những tình cảnh ấy, dường như là sức mạnh vô hình, bệnh nhân hồi phục nhanh, chỉ sau 10 ngày đã được ra viện. Trước khi về, bệnh nhân cảm ơn chúng tôi, ca trực ngày cuối năm rộn ràng tiếng cười. Giữa nơi khốc liệt nhất vẫn có những niềm vui khiến chúng tôi rất cảm động, có thêm động lực hơn nữa. Tôi cũng cảm nhận được những tình cảm, sự quan tâm chính là sức mạnh mà y bác sĩ và bệnh nhân truyền cho nhau để cùng cố gắng, cùng mạnh mẽ ở nơi đặc biệt này”, BS Nguyễn Trung Hiếu xúc động kể.
Những ngày xông pha nơi tuyến đầu, với BS Hiếu là một lần có thêm cơ hội được trải nghiệm, học hỏi, trưởng thành hơn.
“Điều lớn nhất tôi học hỏi được những ngày qua không chỉ là có thêm kinh nghiệm về chuyên môn qua thực tế; mà tôi còn học được kỹ năng giao tiếp với người bệnh và hoàn thiện bản thân mình. Với tôi, những kinh nghiệm này vô cùng quý báu, chắc chắn sẽ giúp tôi hoàn thiện, trưởng thành hơn trong chặng đường sắp tới”, BS Hiếu tâm sự.