Tết đến, cổ đông ngân hàng đón tin vui khi sắp nhận cổ tức bằng tiền mặt

Sau nhiều năm tập trung nguồn lực để tăng cường sức khỏe tài chính và hỗ trợ khách hàng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, một số ngân hàng đã triển khai lại hoạt động trả cổ tức bằng tiền mặt.

Nhiều ngân hàng đã lê kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhiều ngân hàng đã lê kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngay trong tháng đầu năm 2024, nhiều ngân hàng đã rục rịch thông báo kế hoạch chia cổ tức cho cổ đông. Trong đó, việc chia cổ tức bằng tiền mặt đặc biệt thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư bởi họ sẽ được nhận “tiền tươi thóc thật.”

Sức khỏe ngân hàng đã vững chắc

Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB) là ngân hàng đầu tiên công bố việc chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm nay. VIB đã quyết định chi hơn 1.500 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức tiền mặt năm 2023 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 6%. Theo đó, cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 600 đồng. Thời gian thanh toán cổ tức dự kiến là ngày 21/2/2024.

Lãnh đạo VIB tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 từng chia sẻ nếu không có sự hạn chế từ cơ quan có thẩm quyền thì VIB kỳ vọng có thể chia cổ tức trên 30% lợi nhuận sau thuế đạt được trong năm 2023.

Trong năm 2023, VIB đã có 2 đợt chia cổ tức vào tháng Ba và tháng Năm với tỷ lệ chia lần lượt là 10% và 5%. Ngoài ra, VIB cũng trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ với tỷ lệ 20%. Ngân hàng này còn phát hành thêm 7,6 triệu cổ phiếu cho người lao động ESOP vào tháng 6/2023. Vốn điều lệ của VIB theo đó tăng lên 25.368 tỷ đồng.

Bên cạnh kết quả kinh doanh giữ vững tăng trưởng ổn định, nhằm nâng cao chất lượng tài sản cũng như tạo bộ đệm dự phòng vững chắc, ngân hàng cũng chủ động trích lập dự phòng lên tới hơn 4.800 tỷ đồng, gấp 3,8 lần so với năm 2022. Kết thúc năm 2023, VIB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 10.700 tỷ đồng.

Kết thúc năm 2023 Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã đạt lợi nhuận trước thuế 22.900 tỷ đồng. Vì vậy, tại hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư và giới phân tích vừa diễn ra, ngân hàng này hé lộ sẽ trình đại hội cổ đông năm 2024 mức chi trả cổ tức bằng tiền mặt ít nhất 20% trên tổng lợi nhuận sau thuế hàng năm hoặc 4%-5% vốn chủ của ngân hàng tại thời điểm đầu năm.

Nếu kế hoạch được thông qua, cổ đông của Techcombank sẽ được chia cổ tức bằng tiền mặt lần đầu tiên sau 10 năm không chia.

Ông Jens Lottner - Tổng Giám đốc Techcombank cho biết: "Trong 10 năm qua, chúng tôi nhất quán với chính sách giữ lại toàn bộ lợi nhuận để tái đầu tư, mở rộng kinh doanh. Nhưng hiện tại chúng tôi đang cân nhắc lại."

Lý giải về việc thay đổi chính sách chi trả cổ tức, ông Jens Lottner cho biết dựa trên đánh giá về tiềm năng lợi nhuận, tình hình vốn và những dự báo về thay đổi chính sách, ban lãnh đạo cho rằng ngân hàng có thể thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt mà vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận 20%/năm cũng như các tỷ lệ an toàn như chiến lược đã đề ra.

Ông Jens Lottner cũng khẳng định, ban lãnh đạo Techcombank đang xây dựng chính sách để chia cổ tức bằng tiền mặt một cách bền vững và dài hạn chứ không chỉ là một vài năm. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng quyết định cuối cùng sẽ thuộc về Hội đồng quản trị và Đại hội đồng cổ đông.

Sau nhiều năm tập trung nguồn lực để tăng cường sức khỏe tài chính và hỗ trợ khách hàng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, từ năm 2023, một số ngân hàng đã triển khai lại hoạt động trả cổ tức bằng tiền mặt.

 Sau 10 năm, cổ đông của Techcombank có thể được nhận cổ tức bằng tiền mặt. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sau 10 năm, cổ đông của Techcombank có thể được nhận cổ tức bằng tiền mặt. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đối với cổ đông, việc chia cổ tức bằng tiền mặt phản ánh "sức khỏe" của ngân hàng với nền tảng vốn vững chắc, đồng nghĩa với việc khoản đầu tư bấy lâu nay của họ đã được thu về.

Năm 2023, có 6 ngân hàng thực hiện chia một phần cổ tức bằng tiền mặt là VPBank, HDBank, VIB, TPBank, ACB và MB. Ước tính, tổng số tiền mà các ngân hàng này chi ra để trả cổ tức cho cổ đông là hơn 23.000 tỷ đồng

Vẫn cần gia cố thêm bộ đệm

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều ngân hàng khuyến khích chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, giúp làm dày bộ đệm vốn của ngân hàng, tăng khả năng cho vay, nâng cao năng lực tài chính trước những rủi ro trong tương lai.

Trong vòng một năm qua, đã có hơn 20 ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ. Dự kiến, tại mùa đại hội đồng cổ đông 2024, sẽ có nhiều ngân hàng công bố kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn.

Ông Trần Minh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank cho biết, ngân hàng này đã nhận được ý kiến của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 để tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu.

“VietinBank đề xuất các cơ quan có thẩm quyền cho phép được giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2023 để tăng vốn và phê duyệt chủ trương cho phép VietinBank được giữ lại toàn bộ lợi nhuận hàng năm của giai đoạn 2024-2028 để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng,” ông Trần Minh Bình đề nghị.

Trong bối cảnh nợ xấu tăng cao, sức ép cung ứng vốn cho nền kinh tế lớn, việc gia cố nền tảng vốn của hệ thống ngân hàng đặc biệt quan trọng. Đây cũng là chủ trương của Ngân hàng Nhà nước.

 Dự kiến sau đợt phát hành hơn 62,5 triệu cổ phiếu, vốn điều lệ của BacABank sẽ tăng từ gần 8.334 tỷ đồng lên hơn 8.959 tỷ đồng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Dự kiến sau đợt phát hành hơn 62,5 triệu cổ phiếu, vốn điều lệ của BacABank sẽ tăng từ gần 8.334 tỷ đồng lên hơn 8.959 tỷ đồng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

BacABank đã công bố nghị quyết về ngày đăng ký cuối cùng để trả cổ tức bằng cổ phiếu. Theo đó, ngân hàng này dự kiến phát hành hơn 62,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương ứng tỷ lệ 7,5%. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là hơn 625 tỷ đồng. Nguồn thực hiện được lấy từ lợi nhuận chưa phân phối lũy kế năm 2023, sau khi đã trích lập các quỹ. Dự kiến sau đợt phát hành, vốn điều lệ của BacABank sẽ tăng từ gần 8.334 tỷ đồng lên hơn 8.959 tỷ đồng.

Tiến sỹ Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV nhận định, hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng hiện cải thiện chậm và ở mức thấp so khu vực là một trong những thách thức trong các năm tới. Trong khi, các nước trong khu vực đã thực hiện áp dụng Basel III hoặc một phần của Basel III, các ngân hàng thương mại Việt Nam mới đang trong giai đoạn triển khai Basel II.

Vì vậy, theo ông Lực vốn điều lệ là một cấu phần chủ yếu để tính toán hệ số CAR và xếp hạng các ngân hàng. Việc tăng vốn điều lệ của ngân hàng thời gian tới là hết sức cần thiết, giúp ngân hàng phát triển lành mạnh, mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng khả năng chống chịu trong nền kinh tế đầy biến động./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/tet-den-co-dong-ngan-hang-don-tin-vui-khi-sap-nhan-co-tuc-bang-tien-mat-post923747.vnp