Tết đến, Nội về!
Nội đã qua đời từ lâu, nhưng trong tâm trí tôi, hình ảnh của Nội vẫn sống mãi, như một phần không thể thiếu mỗi khi mùa xuân về.
Mỗi khi Tết đến, không khí xuân ngập tràn khắp phố phường, những ngôi nhà được trang hoàng lộng lẫy, mọi người, ai ai cũng háo hức nôn nao chuẩn bị đón tết. Riêng tôi thì lại chộn rộn với những kỷ niệm xưa, đặc biệt là những buổi sáng Tết bên bàn trà của Nội.
Nội đã qua đời từ lâu, nhưng trong tâm trí tôi, hình ảnh của Nội vẫn sống mãi, như một phần không thể thiếu mỗi khi mùa xuân về.
Nội tôi, một người nông dân hiền từ, chất phát, giản dị. Nội có một thói quen rất đặc biệt vào mỗi buổi sáng của những ngày Tết. Mỗi sáng đầu năm mới, khi sương mai còn đọng trên những tán lá, Nội sẽ chuẩn bị một ấm trà nóng, bày biện lên chiếc bàn gỗ nhỏ trong sân nhà. Những ngày Tết, bàn trà luôn đông khách hơn, không chỉ có con cháu mà còn có những người bạn cũ, những người hàng xóm thân thiết đến thăm. Không khí thật ấm cúng, vui vẻ và đầy ắp tiếng cười.
Nội rất thích uống trà với con cháu, thường thì Nội vừa thưởng thức trà, vừa kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện xưa cũ, những bài thơ ông yêu thích.
Nội có một giọng kể trầm ấm, dễ chịu, mỗi câu chuyện đều như một món quà tinh thần mà Nội dành tặng cho tất cả mọi người. Những bài thơ Nội đọc, dù là những bài thơ cổ điển hay những vần thơ do Nội tự sáng tác, luôn mang đến cho chúng tôi một cảm giác yên bình, thư thái.
Trong những lúc ấy, tôi luôn cảm thấy thời gian như ngừng trôi, chỉ có tiếng va chạm nhẹ của chén trà và lời thơ của Nội như một bản hòa ca mùa xuân. Mỗi lần pha trà, Nội thường dặn dò chúng tôi những điều giản dị nhưng sâu sắc: “Trà không chỉ để uống, mà còn để cảm nhận sự tĩnh lặng trong tâm hồn.” Nội không vội vã, không ồn ào, chỉ lặng lẽ, chăm chút từng bước pha trà, từng chén được rót đầy. Đối với Nội, Tết là dịp để tận hưởng những phút giây bình yên, để nhắc nhở nhau về giá trị của sự chậm rãi và tĩnh lặng giữa bộn bề cuộc sống.
Ảnh sưu tầm
Nhớ những lần tôi ngồi bên Nội, trong những buổi sáng Tết, tay cầm chén trà ấm, lòng như được trở về với những ngày tháng xưa. Những câu chuyện của Nội không chỉ là những lời kể đơn thuần mà là những bài học về đạo lý, về cuộc sống, về tình thân. Mỗi câu thơ Nội đọc ra như một lời nhắc nhở rằng dù cuộc sống có thay đổi thế nào, những giá trị truyền thống, tình yêu thương gia đình và lòng hiếu thảo vẫn luôn là những điều quan trọng nhất. Điều mà tôi nhớ nhất, có lẽ là những lần tôi và Nội đánh cờ tướng. Nội chơi rất giỏi, và đối với tôi, dù có cố gắng thế nào đi nữa, tôi chưa bao giờ thắng được Nội một lần. Mỗi ván cờ, dù thua nhưng tôi lại cảm thấy một sự bình an, một cảm giác được hướng dẫn, được dạy dỗ một cách nhẹ nhàng, mỗi nước đi cờ của Nội đều chứa đựng sự tinh tế và trí tuệ. Nội không chỉ dạy tôi về cờ tướng mà còn dạy tôi về cách đối mặt với thất bại, về sự kiên nhẫn và cách tận hưởng từng khoảnh khắc trong cuộc sống.
Nội không còn nữa, nhưng những thói quen ấy vẫn mãi in đậm trong tôi. Mỗi khi Tết đến, tôi lại tưởng tượng như Nội đang ngồi ở đó, bên chiếc bàn trà, mỉm cười nhìn chúng tôi và kể những câu chuyện xưa, khiến không khí Tết càng thêm phần đầm ấm. Những dịp như vậy, tôi cảm giác như Nội lại về, cùng chúng tôi đón một mùa xuân mới, cùng thổi bùng lên ngọn lửa yêu thương, gắn kết gia đình. Tết không chỉ là thời gian để sum họp, mà còn là dịp để nhớ về những người đã đi xa, và trong lòng tôi, Nội luôn hiện diện, như một phần không thể thiếu trong mỗi mùa xuân.
Tác giả: Huệ Đức
Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/tet-den-noi-ve.html