Tết Đoan ngọ từ góc nhìn văn hóa
Tết Đoan ngọ - mùng 5 tháng 5 vừa đi qua trong bối cảnh quốc thái dân an, mùa màng thuận lợi, lòng dân an lạc; lễ hội Trái cây Long Khánh giàu hương sắc; cho nên người Biên Hòa - Đồng Nai vui lắm! Trong niềm vui chung, có những câu hỏi về Tết Đoan ngọ cần giải đáp từ góc nhìn văn hóa.
* Tết Đoan ngọ là gì?
Tết Đoan ngọ (có nơi gọi là Tết Đoan dương) còn gọi là Tết giết sâu bọ, Tết giữa năm, hoặc Tết mùng 5 tháng 5. Ở Nam bộ, Tết Đoan Ngọ đúng vào mùa trái cây nên người dân cũng gọi là Tết Trái cây.
Theo sách xưa, ngày 5-5 âm lịch là ngày dương khí mạnh nhất (giờ Ngọ - giữa trưa đến 13 giờ, mặt trời ngắn nhất, bắt đầu hạ chí). Nhiều nước, vùng lãnh thổ theo âm lịch châu Á: Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Việt Nam đều có tổ chức Tết Đoan ngọ.
Gọi là Tết giữa năm vì người Việt cổ dùng lịch “ký” theo mùa trăng, năm mới bắt đầu từ tháng 11, tính đến tháng 5 là đúng nửa năm.
Còn gọi là Tết giết sâu bọ vì theo kinh nghiệm mùa vụ nông nghiệp lúa nước: Tháng 5 là thời điểm giao mùa sang vụ 2, côn trùng sâu bọ sinh nở trong tháng 4 (Phật giáo an cư kiết hạ), tháng 5 trưởng thành gây hại, nhiều dịch bệnh trong cây trồng vật nuôi, hỏa vượng trong con người. Vậy, đây là Tết phòng dịch bệnh ở Nam bộ.
* Có sự khác biệt nào giữa Tết Đoan ngọ của người Hoa và người Việt?
Không nhầm giữa Tết Đoan ngọ ở Trung Hoa và Tết Đoan ngọ ở Việt Nam. Có mấy nét khác biệt trong tương đồng.
Người Hoa thường dùng bùa “ngũ độc”: (rắn, rết, bò cạp, cọp, thiềm thừ); ý nghĩa gắn với ngày Khuất Nguyên trầm mình; nhiều người có tập quán đeo túi thơm, hội vui có tục đua thuyền; người ta phải kiêng kỵ nhiều thứ không đánh rơi, không chọn phòng đầu tiên, tránh vật phẩm kỳ quái…
Người Việt không dùng bùa ngũ độc mà dùng hương liệu “ngũ vị hương”, tắm gội bằng 5 loại lá thơm, uống nước ngũ cốc; ít kiêng kỵ; có tục khảo cây để cây đơm hoa kết trái; nháy mắt trước nắng mặt trời để phòng ngừa bệnh đau mắt, giết sâu bọ để bảo vệ mùa màng. Ở miền Bắc, Tết Đoan Ngọ gắn với lễ cúng vía Mẹ Âu Cơ, Đông Nam bộ vào mùa lễ hội vía Bà Đen; Tây Nam bộ cùng thực hành các nghi thức đón mùa nước quay, nước nổi.
* Nghi thức lễ Tết có gì đáng chú ý?
Lễ Tết trang trọng, thiêng liêng nhưng đơn giản hơn Tết Nguyên đán. Bàn thờ được trưng bày đủ lễ nhang, đèn, hoa, trái, trà, bánh… thể hiện sự tinh khiết, trong lành. Mâm cúng đơn sơ, ít món mặn, thiên về các món ngọt, mát. Lễ vật cúng quý nhất là hoa trái đầu mùa ở vườn nhà, các loại bánh tự làm, các loại chè từ sản vật địa phương. Có những món cúng mang sắc thái nông thôn Nam bộ: Mâm trái cây đủ loại, khó thiếu măng cụt; nhiều loại xôi, đặc biệt là xôi lá cẩm; ở xứ sông nước có cúng vịt, không cúng heo quay; nhiều nhà làm cơm rượu cúng thay rượu; nhiều loại chè, phổ biến là chè đậu trắng, nếp mới có nước cốt dừa; nhiều nhà làm bánh trôi nước có nhân hoặc không nhân; quen thuộc và kỳ công là bánh ú lá tre chấm với mật ong.
* Khấn gì?
Đã có nhiều người, nhiều bài giới thiệu về văn khấn. Thật ra, lời khấn cúng Tết giữa năm của người Việt ở Nam bộ không có bài bản, khuôn mẫu; cốt ở lòng thành, tùy tâm tùy ý của gia chủ, cơ bản gồm mấy ý theo khẩu tâm. Trước bàn thờ tổ tiên và mâm cúng Tết, gia chủ trang nghiêm, đốt nhang, khấn thầm hoặc thành lời, trân trọng mời gọi: Đương niên hành khiển, hành binh, phán quan, cửu huyền thất tổ, ông bà, cha mẹ, chư vị hữu danh vô vị hữu vị vô danh cùng chứng tri lòng thành, phối hưởng lễ vật, phù độ cho quốc thái dân an, phong điều vũ thuận, vạn vật tốt tươi, người người khang kiện.
* Ý nghĩa của ngày Tết Đoan ngọ?
Ý nghĩa cốt lõi của Tết Đoan ngọ theo quan niệm của người Việt là một ngày quan trọng trong chu kỳ nông nghiệp giữa năm, là dịp để sinh hoạt gia đình, cúng kiếng trong nhà, mừng kết quả mùa vụ đã qua (như là Tết trái cây), bảo vệ mùa màng, chuẩn bị vụ mới; bảo vệ sức khỏe cộng đồng; còn có ý nghĩa phòng dịch, ứng phó biến đổi khí hậu.
Vậy, Tết Đoan ngọ/Tết giữa năm của người Việt là phong tục cổ truyền của người Việt truyền đời trong cuộc sống, lắng sâu ý nghĩa văn hóa, nhân văn cần được hiểu biết đầy đủ và trân trọng bảo tồn.