Tết Đoan Ngọ, về thăm làng nghề bánh ú lá tre Trao Tráo

Tết Đoan Ngọ, đến thăm làng nghề gói bánh ú lá tre Trao Tráo với tuổi đời hơn 100 năm, chúng tôi choáng ngợp khi nhìn những chùm bánh treo khắp nhà. Mùi thơm của bánh mời gọi chúng tôi thưởng thức món ngon này.

Theo những người lớn tuổi của làng nghề gói bánh ú lá tre Trao Tráo, nghề làm bánh ú lá tre ở ấp Trao Tráo, xã Thạnh Hòa (Giồng Riềng) có từ rất lâu. Ở ấp Trao Tráo có 20 gia đình gắn bó với nghề gói bánh ú lá tre. Hàng năm, vào những ngày đầu tháng 5 âm lịch, mọi người trong ấp tất bật ngâm nếp, rửa lá, gói bánh, luộc bánh. Các lò đỏ lửa ngày đêm, mỗi người mỗi việc, không khí nhộn nhịp,.

Năm nay 68 tuổi, bà Nguyễn Thị Gấm có 40 năm làm nghề gói bánh ú lá tre. Từ sáng đến tối bà Gấm trong bếp cặm cụi xào rồi vo nhân bánh. Bà Gấm cho biết: “Nghề gói bánh ú lá tre vất vả lắm, chúng tôi phải thức sớm chuẩn bị mọi thứ để gói rồi nấu bánh đến khuya. Đây là nghề của ông bà truyền lại nên dù vất vả chúng tôi cũng không bỏ”.

Bánh ú lá tre được gói bằng lá tre, vỏ bánh được làm từ nếp, nhân bánh làm bằng đậu xanh, cơm dừa khô và đường. Chỉ với hai chiếc lá tre, một sợi dây với bàn tay khéo léo và tỉ mỉ của các bà, các chị đã cho ra những chiếc bánh ú lá tre vừa đẹp vừa ngon. “Để lớp lá tre gói bánh khi nấu chín có màu xanh khi gói phải dùng lá tươi mới, cách để giữ lá không bị héo là khi vừa cắt về rửa sạch rồi để trong thùng xốp có nước đá. Để nếp chín có màu đẹp, khi luộc bánh bỏ vào một ít thân cây nhàu bào mỏng. Bánh được luộc khoảng 2,5 giờ rồi vớt ra ngâm nước lạnh, sau đó treo bánh lên cho ráo sẽ để được lâu hơn”, bà Gấm chia sẻ.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Nhớ, bà Nguyễn Thị Hiển có 40 năm làm nghề gói bánh ú lá tre. Trước đây, cha mẹ của ông Nhớ, bà Hiển theo nghề sau đó truyền cho con cháu. Bánh ú lá tre có nhiều cách làm khác nhau, tuy nhiên phải có những bí quyết riêng để bánh làm ra ngon. Bà Hiển chia sẻ: “Bí quyết để bánh trong, dẻo, thơm, không bị đắng là dùng tro của cây gòn lấy nước tro ngâm nếp 2 ngày. Để kịp gói bánh dịp Tết Đoan Ngọ, nhà tôi chuẩn bị tro từ mấy tháng trước mới đủ ngâm nếp. Dùng các loại tro khác thì bánh không ngon, dễ đắng”.

Bà Trần Thu Hà gói bánh ú lá tre.

Bà Trần Thu Hà gói bánh ú lá tre.

Dịp Tết Đoan Ngọ năm nay, gia đình bà Hiển thuê thêm 15 nhân công làm bánh từ đêm khuya đến chiều tối mà vẫn không kịp giao bánh cho khách vì khách đặt trước cả tháng với số lượng lớn. Năm nay, trong 5 ngày, gia đình bà bán 30.000 cái bánh đi các nơi trong và ngoài tỉnh. Bánh ú lá tre gói xong được buộc thành chùm 10 cái, cứ 5 chùm buộc thành 1 chùm lớn 50 cái. Trước Tết Đoan Ngọ nhiều hộ làm bánh tất bật, bình quân mỗi hộ làm trên dưới 25.000 bánh. Với giá bán 25.000 đồng/10 cái, trung bình mỗi hộ thu về khoảng vài chục triệu đồng.

Trước Tết Đoan Ngọ, nhiều người đặt bánh nên nhân công làm bánh thu nhập khá. Mỗi ngày một người gói nhanh có thể gói 1.500-3.000 cái, với giá thuê 300.000 đồng/1.000 cái, nhân công có thể kiếm trên 300.000 đồng/ngày. Bà Trần Thu Hà cho biết: “Nghề làm bánh này theo thời vụ, mỗi năm có vài ngày, tuy làm liên tục, mệt nhưng tôi vui vì có thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình”.

Bài và ảnh: TIỂU ĐIỀN

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//doi-song/tet-doan-ngo-ve-tham-lang-nghe-banh-u-la-tre-trao-trao-8814.html