Tết Đoan Ngọ xưa và nay...

Một sớm mai thức giấc, mở tung cửa sổ, cùng với cơn gió mát lành, ánh nắng mai trong veo mùa hạ ùa vào căn phòng. Tờ lịch trên tường bay bay, chợt giật mình đã gần hết nửa năm.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tôi nhớ quay quắt những ngày thơ ấu gắn bó với ruộng đồng mênh mông. Năm nào cứ đến gần mùng 5-5 âm lịch, các bà, các mẹ lại tất bật chuẩn bị cho ngày Tết Đoan Ngọ. Ngày xưa, ông tôi lý giải về Tết Đoan Ngọ hết sức khúc chiết: “Đoan: ngay thẳng, Ngọ: giữa trưa”. Tết Đoan Ngọ quan trọng vào dịp giữa năm, khi lúa đã vào bồ, đây là dịp người thân trong gia đình quây quần bên nhau. Đặc biệt là ngày để chúng ta bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến ông bà, cha mẹ, thầy dạy học, thầy thuốc, những người chúng ta mang ơn. Quà biếu không quá phức tạp. Các gia đình thường chuẩn bị gà, vịt, ngan, ngỗng… những vật nuôi gắn bó với gia chủ. Nhiều gia đình không quá câu nệ chỉ tặng trái cây để tỏ lòng thành, có thể là chùm vải thiều đỏ rực, vài cân mận tím lịm căng mọng, trái dưa hấu đỏ ruột, thêm cân đường cánh ngọt ngào tình thương. Nhưng tất cả gói ghém sự biết ơn đấng sinh thành, tình nghĩa thầy trò, lòng biết ơn những người đã tận tình giúp mình trong cuộc sống….

Ở quê tôi nơi vùng đồng bằng chiêm trũng, Tết Đoan Ngọ còn được gọi với cái tên dân dã hơn “Tết diệt sâu bọ”. Bởi quan niệm đã ăn sâu trong tâm thức của người làng tôi, với kinh nghiệm tích lũy qua quá trình làm nông thì thời gian giữa năm là lúc thời tiết “ẩm ương” tạo môi trường tốt cho các loại sâu bệnh sinh sôi, nảy nở. Mà đối với dân nông nghiệp, sợ nhất sâu bệnh sẽ phá hoại mùa màng. Nên việc diệt trừ côn trùng có hại là việc làm cấp thiết. Trong buổi sáng mùng 5-5, người lớn dùng chiếc bồ ra gõ vào thân các cây như mít, bưởi, ổi… Người lớn đập vào thân cây và hỏi: “Mít kia sang năm mày cho nhà tao nhiều trái?”. Lũ trẻ chúng tôi ở dưới sẽ hô vang: “Sẽ cho nhiều trái ạ”. Sau khi làm thế, người lớn tiến hành tỉa cành và chặt bỏ cành sâu. Tôi không hiểu niềm tin nào đã ăn sâu, để lớp lớp thế hệ người làng cứ đến ngày này lại nô nức “diệt sâu bọ” bằng hình thức rất “dân gian”.

Trẻ con chúng tôi thích dịp này vì được ăn cơm rượu nếp và ăn thỏa thích các loại trái cây. Cơm rượu nếp là món ăn đơn thuần, nhưng để làm ra nó là cả một nghệ thuật đỉnh cao mà không phải bà nội trợ nào cũng có thể tự tay làm được. Chỉ có những nhà làm men rượu gia truyền mới có nồi cơm rượu thơm ngon, hấp dẫn. Hương vị cay cay, ăn vào lâng lâng khiến cho những đứa trẻ đều mê mệt và với niềm hy vọng “sâu bọ trong bụng mình sẽ bị tiêu diệt hết”. Hương vị dân dã ấy đã ăn sâu vào tiềm thức để đến khi con người ta trưởng thành, bay đi khắp muôn nơi, đến những ngày này vẫn cố gắng đi tìm bằng được người bán cơm rượu để mua, cho khỏa lấp những nỗi nhớ nhung một thuở thiếu thời đã xa.

Sau này, theo dòng chảy thời gian, cuộc sống đỡ chật vật hơn trước, ngoài cơm rượu, các bà, các mẹ bắt đầu làm nhiều loại bánh vào mỗi dịp Tết Đoan Ngọ. Bánh ú, bánh do, bánh gai, chè trôi nước được các bà, các mẹ làm khéo léo, đẹp mắt và bày biện trên mâm cúng gia tiên. Mặc ngoài trời những cơn mưa mùa hạ chạy rào rào từng cơn, ngồi bên mái hiên của mẹ nhấm nháp thứ bánh làm từ gạo nếp hảo hạng, gạo tám thơm, gạo nàng hương thì bao nhiêu nỗi sầu trên đời này tan theo cơn mưa mà ngấm vào lòng đất mẹ. Chỉ còn lại hương vị ngọt ngào, nồng đậm của tình thân nơi chốn quê nhà đơn sơ ấy.

Lớn lên, tôi rời xa chốn quê nhà yêu dấu, chọn Đồng Nai là quê hương thứ hai để sinh sống và lập nghiệp, tôi mới cảm nhận hết sự trù phú của vùng đất này. Cứ dịp Tết Đoan Ngọ, bao trái cây lại chín đỏ trong vườn của người nông dân chân chất thật thà. Những chùm chôm chôm chín đỏ căng mình trong nắng mới. Những trái măng cụt núp trong lùm lá xanh tươi. Những trái bơ, sầu riêng căng tràn sức sống sau bao ngày chắt chịu nhựa sống cho đời. Những trái mít to lặc lè bám víu vào thân cây mảnh khảnh. Cộng hưởng với sự trù phú của vùng đất là con người nơi đây rất hào phóng và dễ tính, không tất bật, lo toan như những người nông dân nơi chốn quê nghèo của tôi. Mỗi dịp Tết Đoan Ngọ, họ sẵn sàng mời chào hàng xóm thân quen, những người bạn ghé rẫy nhà mình lựa chọn thỏa thích những trái cây và dạo chơi trong vườn để ngắm, để thưởng thức những chùm quả trĩu trịt, hương thơm ngọt ngào của tạo hóa ban tặng. Họ cũng không quá câu nệ việc “diệt sâu bọ” theo hình thức dân gian vì hiện nay đã áp dụng những khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất nông nghiệp.

Trong những ký ức hoài niệm, chợt có chút tiếc nuối về cái Tết Đoan Ngọ đang dần mai một theo dấu vết thời gian. Dường như mạng xã hội quá hấp dẫn khiến người trẻ không mấy quan tâm đến những giá trị văn hóa dân gian. Dẫu biết dòng chảy thời gian hướng tới sự phát triển, nhưng có chút gì đó bồi hồi, tiếc nuối những ngày xưa cũ ấy. Mong sao thế hệ trẻ sẽ vẫn vui vẻ đón nhận Tết Đoan Ngọ, để chúng ta có thể nhận thức và đối xử thân thiện với các hiện tượng tự nhiên; giữ gìn, phát huy văn hóa ẩm thực và luôn biết ơn ông bà, tổ tiên, đến những người mà mình mãi mang ơn…

Cô Thắm

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/202306/tan-van-tet-doan-ngo-xua-va-nay-3170296/