Tết Độc lập ở Tây Nguyên

Ngày Quốc khánh 2/9, nhiều buôn làng ở Tây Nguyên đón Tết Độc lập trong không khí tươi vui, văn nghệ được biểu diễn như một 'đặc sản' trong ngày Lễ.

Mừng Tết Độc lập

Điểm chung ở hầu hết những con người Tây Nguyên là tính phóng khoáng và tình yêu với lễ hội văn hóa, các ngày lễ. Tết Độc lập là dịp để cộng đồng các dân tộc thể hiện lòng thành kính, biết ơn Đảng, Bác Hồ đã mang lại bình yên và giàu đẹp cho đất nước.

Về xã anh hùng Cư Pơng (huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) trong dịp Quốc khánh không khí buôn làng như rộn ràng hơn. Nếu trong kháng chiến đây là vùng căn cứ cách mạng thì giờ vùng đất này tiêu biểu cho việc gìn giữ và phát huy lễ hội văn hóa. Các tiết mục mừng lễ gắn liền với những bếp lửa bập bùng, bếp lửa đó sẽ làm cho tiếng chiêng ngân xa hơn. Tiếng chiêng cất tiếng cũng như nỗi lòng người cất lên, vui tươi và hào sảng. Họ tự hào được sinh ra trên quê hương anh hùng và cùng nhau phát huy tinh thần đoàn kết, học hỏi và lao động để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Theo Sở VH-TT&DL Đắk Lắk, Tết Độc lập năm nay, địa phương có nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc, như: chương trình "Lời Người vang vọng mãi non sông" (tối ngày 2/9 tại Quảng trường 10/3, Buôn Ma Thuột); triển lãm sách; triển lãm ảnh nghệ thuật về vùng đất Tây Nguyên; Liên hoan Văn hóa cồng chiêng - Thể thao năm 2023 tại Ea Kar…

Tại tỉnh Đắk Nông, từ thành thị đến nông thôn người dân cũng mừng Tết Độc lập trong không khí vui tươi, đầm ấm. Nhà nhà đều ghi nhớ thế hệ cha ông đã hi sinh xương máu để xây dựng một đất nước độc lập nên giờ đây phải trân trọng, biết ơn điều đó.

Nghệ nhân ưu tú Nông Văn Hưu luôn xem Tết Độc lập là ngày thiêng liêng.

Nghệ nhân ưu tú Nông Văn Hưu luôn xem Tết Độc lập là ngày thiêng liêng.

Biết ơn Đảng, Bác Hồ, nhiều năm nay, nghệ nhân ưu tú Nông Văn Hưu (người Tày, Cao Bằng, Chủ nhiệm CLB hát then Nam Dong, huyện Cư Jut, Đắk Nông) đã sáng tác ra nhiều bài hát, chương trình giá trị để biểu diễn trong ngày lễ, ngày Quốc khánh. Tiêu biểu như: Pắc Pó mùa thu (ca ngợi Bác Hồ), Lời Then dâng Bác…

Dân tộc Mường ở xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi mừng Tết Độc lập (ảnh: Trần Nghĩa).

Dân tộc Mường ở xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi mừng Tết Độc lập (ảnh: Trần Nghĩa).

Ông Hưu chia sẻ, chúng tôi luôn nhớ đến Bác Hồ kính yêu, từ đó xác định trọng trách của mình là phải không ngừng rèn luyện, tình nguyện, sáng tạo trong lao động và giữ gìn văn hóa truyền thống. Hiện tại, hát then, đàn tính cũng đã được lan tỏa, phát huy ở Tây Nguyên (do một số người phía Bắc đưa vào). Đàn tính được coi là Thiên cầm, tức cây đàn được trời ban cho, nó quyện vào điệu then để làm sứ mệnh xây dựng cuộc sống tươi vui như chính những ngày lễ trọng. Những người học đàn tính, hát then cũng là học thêm cái đức độ, cái nhã nhặn trong sự đối đãi giữa các gia đình, các dân tộc với nhau.

Đoàn kết xây dựng đời sống

Nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, nhiều buôn làng của tỉnh Kon Tum cũng diễn ra các hoạt động mừng Quốc khánh trong sự yên vui. Trong các chương trình mừng lễ, người dân say sưa biểu diễn những điệu múa chào mừng mỗi dịp Tết Độc lập và cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, cầu cho nhà nhà khỏe mạnh, dân làng đoàn kết.

Đường Trần Phú (TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum) rực rỡ cờ hoa mừng Quốc khánh.

Đường Trần Phú (TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum) rực rỡ cờ hoa mừng Quốc khánh.

Những già làng như cây cổ thụ truyền đạt cho thế hệ trẻ những nét đẹp cần gìn giữ của dân tộc mình đồng thời học hỏi những điều tốt đẹp khác của các dân tộc anh em, các vùng lân cận.

Có mặt ở nhiều thôn, buôn ở huyện biên giới Ngọc Hồi (Kon Tum) trong những ngày Tết Độc lập ai cũng cảm nhận được niềm vui của người dân tại các chương trình kỷ niệm ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945).

Nhiều hoạt động văn nghệ ở xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi trong dịp Quốc khánh (ảnh: Trần Nghĩa).

Nhiều hoạt động văn nghệ ở xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi trong dịp Quốc khánh (ảnh: Trần Nghĩa).

Nhiều người dân tộc Mường ở xã Sa Loong (huyện Ngọc Hồi) cho biết, từ lâu đã coi Tết Độc lập là ngày Tết lớn thứ 2 sau Tết Nguyên đán nên gia đình nào cũng chuẩn bị chu đáo để mừng lễ. Trước khi diễn ra các tiết mục văn hóa, văn nghệ, người lớn sẽ ôn lại truyền thống cho thế hệ trẻ.

Theo lãnh đạo huyện Ngọc Hồi, mừng Tết Độc lập là một truyền thống tốt đẹp. Hằng năm, các cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện và động viên bà con tổ chức lễ hội, vui chơi để ôn lại truyền thống tự hào của đất nước, dân tộc đồng thời cổ vũ nhau cùng xây dựng đời sống ấm no hơn.

Hưng-Anh Ngọc

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tet-doc-lap-o-tay-nguyen-169230901110033288.htm