Tết Hà Nội, ghé phố Hàng Quạt khắc dấu gỗ lưu niệm

Giữa không khí xuân, phố Hàng Quạt vẫn vẹn nguyên hồn cốt nghề khắc dấu gỗ thủ công. Du khách đến đây không chỉ tìm thấy dấu ấn độc đáo mà còn những món quà lưu niệm mang giá trị văn hóa.

Nghề thủ công truyền thống tồn tại hàng trăm năm

Đi dọc phố Hàng Quạt, không khó để bắt gặp những người thợ miệt mài, cẩn thận tạo chi tiết trên từng con dấu. Tiếng lách cách của con dao khắc trên từng mảnh gỗ như mang hơi thở về một thời đã xa.

Nghề khắc dấu gỗ tại Hà Nội là một trong những nghề thủ công truyền thống đã tồn tại hàng trăm năm, đặc biệt phát triển mạnh mẽ trong khu vực phố cổ. Mặc dù không ai biết chính xác thời điểm nghề này ra đời, nhưng theo các tài liệu lịch sử, dấu gỗ xuất phát từ nhu cầu làm con dấu phục vụ giao thương, chấm phá văn bản hoặc trang trí.

Trong suốt thời gian dài, nghề khắc dấu gỗ đã được các thợ thủ công truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Các nghệ nhân khắc dấu gỗ không chỉ cần có kỹ năng chạm khắc tỉ mỉ mà còn phải hiểu sâu sắc về các biểu tượng, hình ảnh và ý nghĩa văn hóa của từng con dấu. Mỗi một con dấu là một tác phẩm nghệ thuật và thể hiện "chất" của người thợ.

Dịp Tết năm nay, bà Hoàng Diệu Lam cùng ba người con từ Úc về thăm quê, đã ghé phố Hàng Quạt để khắc dấu cho riêng mình và làm quà cho bạn bè.

"Sau khi xem các clip trên TikTok về con phố này, tôi đã quyết định cùng các con đến đây để khắc những con dấu ý nghĩa, mang về Úc làm quà tặng", bà Lam chia sẻ.

Bà nói thêm: "Mỗi con dấu không những là một món quà, mà còn là kỷ niệm đẹp về quê hương Việt Nam. Nhìn các nghệ nhân tỉ mỉ khắc từng đường nét, tôi cảm nhận được sự khéo léo và tâm huyết mà họ gửi gắm vào từng tác phẩm.

Các con tôi rất thích thú khi được chứng kiến quy trình này. Tôi hy vọng những món quà sẽ mang một chút hương vị truyền thống Việt Nam đến với bạn bè tôi ở nước ngoài, để họ hiểu hơn về văn hóa và con người nơi đây".

Gia đình chị Lam thích thú khi được khắc dấu cho riêng mình và làm quà tặng cho bạn bè (Ảnh: Kim Thoa).

Gia đình chị Lam thích thú khi được khắc dấu cho riêng mình và làm quà tặng cho bạn bè (Ảnh: Kim Thoa).

Mặc dù công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ, nhiều người lo ngại rằng dấu khắc thủ công sẽ dần bị lãng quên. Tuy nhiên, dấu gỗ làm tay vẫn giữ được vị trí riêng nhờ vào sự tinh xảo, tính thủ công và khả năng cá nhân hóa cao. Mỗi con dấu được tạo ra là một tác phẩm độc nhất, thể hiện rõ nét phong cách và dấu ấn riêng biệt của chủ nhân.

Theo ông Phạm Văn Quang - một người khắc dấu ở đầu phố Hàng Quạt cho biết, để hoàn thiện một con dấu gỗ khắc thủ công, nghệ nhân phải tập trung và tỉ mỉ.

"Mặc dù chỉ sử dụng dao và đục làm công cụ, nhưng mỗi người thợ lại tạo nên dấu ấn riêng biệt qua từng sản phẩm mà họ làm ra", ông Quang nói.

Bên cạnh việc duy trì các giá trị truyền thống, các nghệ nhân khắc dấu gỗ cũng không ngừng cập nhật hoa văn và họa tiết hiện đại, đáp ứng xu hướng theo "trend" hoặc sở thích riêng của khách hàng.

Khách hàng có thể lựa chọn các mẫu trực tiếp tại cửa hàng hoặc gửi hình ảnh yêu thích để đặt làm dấu theo yêu cầu. Các mẫu này được người thợ in hoặc vẽ thủ công lên bề mặt gỗ, sau đó đo đạc cẩn thận và chạm khắc bằng tay, tạo nên những sản phẩm độc đáo.

Là một trong những nghệ nhân khắc dấu gỗ thủ công lâu năm, ông Phạm Ngọc Toàn (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay, làm dấu khắc gỗ phải cẩn trọng từ việc chọn lựa gỗ, mài phôi, vẽ phác thảo cho đến chạm khắc.

Trong đó, điêu khắc là bước quan trọng nhất, bởi chỉ cần một sai sót nhỏ cũng có thể khiến chi tiết không đạt yêu cầu và làm mất đi cái hồn đặc trưng của tác phẩm.

Đối với những người khắc dấu, mỗi con dấu là một bản giao hòa giữa quá khứ và hiện tại. Do vậy, ngoài việc bảo vệ các kỹ thuật làm nghề truyền thống, người làm nghề còn phải kết hợp các yếu tố hiện đại như tiếp thị du lịch, thương mại điện tử để duy trì nghề trong đối mặt toàn cầu hóa.

Lưu giữ kỷ niệm qua những con dấu

Hiện nay, nhiều nghệ nhân đã linh hoạt kết hợp với các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Lazada và các trang mạng xã hội. Việc áp dụng công nghệ số đã giúp quảng bá sản phẩm, thu hút sự quan tâm của giới trẻ, đặc biệt là những người yêu thích phong cách Retro, quay về với các giá trị cổ xưa và tinh hoa văn hóa truyền thống.

Các em nhỏ hào hứng chọn con dấu cho riêng mình (Ảnh: Kim Thoa).

Các em nhỏ hào hứng chọn con dấu cho riêng mình (Ảnh: Kim Thoa).

Ông Toàn cho biết, các con dấu ngày nay có hình dáng và kích thước rất đa dạng và chia phong cách theo từng tệp khách hàng. Khách du lịch nước ngoài thì thích hình khắc họa sen, rùa Hồ Gươm, nón lá áo dài, gánh hàng hoa hoặc là xích lô… Những văn sĩ trí thức thì khắc tên theo thể chữ triện truyền thống. Còn các bạn trẻ thì thích những hình thù ngộ nghĩnh, đáng yêu kiểu 12 con giáp…

Năm nay, năm Ất Tỵ – năm con rắn, Nguyễn Ngọc Anh (24 tuổi, quận Lê Chân, TP. Hải Phòng) đã quyết định lên Hà Nội để chọn khắc những con dấu gỗ độc đáo cho riêng mình.

“Những con dấu gỗ này thật sự rất thú vị vì mỗi chi tiết đều mang đậm dấu ấn cá nhân. Điều đặc biệt thu hút mình là hình ảnh những người thợ thủ công với đôi tay điêu luyện, tỉ mỉ khắc từng đường nét, tạo ra những con dấu phù hợp với mọi lứa tuổi, không chỉ riêng người trẻ. Đây là món quà rất ý nghĩa cho những ai tuổi rắn.

Bên cạnh đó, mình còn khắc dấu chân dung để tặng cho bố mẹ, ông bà như một cách lưu giữ kỷ niệm", Ngọc Anh chia sẻ.

Sự giao thoa giữa công nghệ hiện đại và nghệ thuật thủ công đã mở ra một hướng đi mới đầy tiềm năng cho nghề khắc dấu gỗ thủ công. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình ở phố cổ Hà Nội vẫn có thể "sống khỏe" với nghề.

Trong những năm gần đây, nhiều cửa hàng đã bắt đầu cung cấp dịch vụ làm dấu với hình ảnh chân dung hoặc phong cảnh, có giá cao gấp 4 đến 5 lần so với những mẫu họa tiết thông thường, dao động từ 200.000 đến 500.000 đồng. Những dấu chân dung yêu cầu kỹ thuật chuyên môn cao và phải mất nhiều thời gian để hoàn thành, do đó giá thành sẽ cao hơn so với các mẫu dấu thông thường.

Mặc dù mang nhiều giá trị văn hóa đặc sắc nhưng nghề khắc gỗ vẫn đối mặt với nhiều thách thức.

"Nghề này, như nhiều nghề truyền thống khác, sẽ khó tránh khỏi sự mai một. Tôi mong muốn thế hệ sau sẽ tiếp bước và gìn giữ nghề truyền thống, nên tôi đã mở lớp dạy miễn phí. Mặc dù có nhiều bạn trẻ đến học, nhưng họ chỉ ngồi được vài buổi rồi bỏ giữa chừng.

Tôi chỉ hy vọng sẽ có ai đó nối nghiệp, giữ gìn nghề này, nhưng thực sự rất khó", nghệ nhân Phạm Ngọc Toàn bày tỏ.

Những dấu chân dung yêu cầu kỹ thuật chuyên môn cao và phải mất nhiều thời gian để hoàn thành, do đó giá thành sẽ cao hơn so với các mẫu dấu thông thường.

Những dấu chân dung yêu cầu kỹ thuật chuyên môn cao và phải mất nhiều thời gian để hoàn thành, do đó giá thành sẽ cao hơn so với các mẫu dấu thông thường.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Văn An, dấu gỗ thủ công không chỉ là một phần của di sản Hà Nội mà còn phản ánh sự khéo léo và nghệ thuật tinh tế của các nghệ nhân.

Ban đầu, con dấu cá nhân được tạo ra để xác thực tài liệu và đóng dấu thư từ quan trọng. Về sau, chúng trở thành công cụ của các nghệ sĩ, nhà văn để in tên trên tác phẩm. Qua thời gian, những con dấu này đã vượt xa chức năng ban đầu, trở thành món quà lưu niệm đặc trưng, mang dấu ấn văn hóa Việt Nam đến nhiều quốc gia.

Giữa nhịp sống hiện đại hối hả, nếu được bảo tồn và phát triển đúng cách, nghề khắc dấu gỗ sẽ tiếp tục là biểu tượng độc đáo của Hà Nội, mang giá trị văn hóa và nghệ thuật vượt thời gian.

Những sản phẩm tinh xảo này không chỉ là minh chứng cho tài hoa của nghệ nhân mà còn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giúp người dân và du khách cảm nhận sâu sắc hơn vẻ đẹp của truyền thống.

Ma Thị Kim Thoa

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tet-ha-noi-ghe-pho-hang-quat-khac-dau-go-luu-niem-204250118224040899.htm