Tết Hàn thực nhớ mùi bánh nếp gói lá chuối của bà
Tết Hàn thực trong tôi là những buổi dậy sớm cùng bà đi xay bột, gói bánh, rồi miệt mài đun nấu cả ngày để rồi có cơ man nào bánh trôi, bánh chay, bánh dợm… Một trong những loại bánh tôi nhớ nhất đó chính là chiếc bánh dợm với hương lá chuối ngai ngái, quyện với mùi thơm dịu của lúa nếp.
Tôi nhớ năm nào cũng vậy, cứ qua ngày mùng 1 âm lịch tháng 3 là bà tôi bắt đầu lấy túi gạo nếp ngon đã cất sẵn ở trên gác xuống đêm xuống đi ngâm để làm bánh. Hồi tôi còn bé tí, muốn đi xay gạo là khó lắm. Cả làng hình như có 1, 2 cái cối đá thôi thế là ra đến nơi phải chờ, phải xếp hàng mới đến lượt.
Cái cối đá nhìn nhỏ nhỏ thôi mà nặng khiếp, tôi lanh chanh quay thử mà dù có gồng hết sức nó cũng không nhúc nhích chút nào. Thế mà bà tôi cứ vừa một tay múc gạo, 1 tay quay cối đến nhịp nhàng.
Sau này tôi lớn hơn, công nghệ cũng phát triển hơn, cái cối đá năm nào giờ đã xếp xó để nhường chỗ cho chiếc máy nghiền bột, bà để tôi tự đi xay bột. Tôi chỉ việc đem gạo đã ngâm đổ vào chậu để cho bác chủ tự múc còn mình ngồi xuống bên dưới, cầm cái túi vải hứng chặt vào chỗ bột chảy ra. Cái máy này nhanh thì nhanh thật mà nhiều khi bất tiện. Cái chỗ nước gạo chạy ra nó bắn tung tóe cả, vậy nên nếu tôi không cầm túi thật chắc, hứng trọn hết cả "lối ra" thì y như rằng, bột bắn hết từ mặt tới tóc. Còn bây giờ, chả mấy ai tự đi xay bột như thế nữa mà muốn có bột là cứ ra chợ bán đầy nhưng dù có chọn nhà ngon nhất tôi vẫn thấy không ngon, không dẻo bằng bột mình tự xay.
Sau khi xay xong, túi bột lõng bõng nước, tôi cho nó vào cái xô chằng thật chắc đằng sau xe đạp chở về nhà. Lúc này, bà sẽ dùng sợi dây thừng nhỏ cột miệng túi thật chắc rồi treo lên cây sắt móc với cây gỗ trên trần nhà trong góc bếp để dóc nước. Cứ để như thế từ sáng đến chiều nó mới chảy hết nước trong còn lại lớp bột dẻo ở trong túi. Lắm khi vội muốn làm sớm, bà liền đặt lên cái rổ để trên chậu rồi đè vật nặng lên để ép nước nhanh hơn.
Trong khi chờ bột, bà sẽ đem túi đậu xanh trên gác bếp xuống, nhặt sạch những hạt sâu, hạt đen rồi đem quét sạch một góc nhà, đổ chỗ hạt ấy xuống, dàn mỏng ra rồi cầm lấy chai thủy tinh đựng rượu lăn đều cho những hạt đậu vỡ đôi. Sau đó bà cho vào ngâm trong vài tiếng rồi đãi sạch vỏ. Qua đôi bàn tay nhịp nhàng của bà, từng lớp vỏ đậu xanh xanh ngắt kéo đuôi nhau trôi ra khỏi rổ, để lộ ra phần đậu xanh vàng ươm. Tôi có thử mấy lần nhưng đều không thấy đãi vỏ sạch được như bà. Chẳng biết bà có bí quyết gì nữa hay là do bà tôi đanh đá nên chúng nó sợ chạy đi chăng? Đãi vỏ xong, bà đem chỗ đậu này đi nấu chín rồi trộn thêm đường, đánh đều và đậy lại để làm nhân bánh.
Tiếp theo, bà mới ra vườn chặt lấy mấy tàu lá chuối bánh tẻ, đem về bảo tôi lau sạch rồi hơ qua trên bếp lửa cho héo, mềm và dai hơn. Rồi bà lấy con dao con dọc riêng phần lá, chia nhỏ ra tầm độ rộng bằng tờ A4 để gói bánh. Phần cuống bà chặt khúc, chẻ nhỏ thành lạt buộc bánh. Thế là chả bỏ đi cái gì cả.
Khi chuẩn bị xong thì cũng là lúc bà bảo dỡ bột xuống. Lần nào mở túi bột ra tôi cũng bất ngờ với những cục bột trắng au, mịn màng như da em bé vậy. Lấy bột ra cũng chưa làm bánh được ngay, bà tôi sẽ chia thành những cục bột lớn sau đó nhào cho thật dẻo rồi mới chia nó thành từng cục bột nhỏ vừa với từng cái bánh.
Nhìn thì tưởng dễ mà mấy lần đầu tôi thử nhào, bột khi thì nhão quá khi thì lại khô tơi chả quyện vào với nhau. Thấy thế bà liền bảo: "Con nhìn này, phần ngoài bột sẽ khô hơn, phần giữa bột lỏng hơn, con lấy bột ra nhào phải lấy từ ngoài vào giữa như vậy khi nhào bột sẽ dẻo." Việc quan sát của tôi cũng chú ý hơn từ đấy.
Chia bột xong bà lấy nồi đậu xanh đã nấu chín ra viên thành những nắm tròn nhỏ bằng cái chén để làm nhân. Tiếp theo mới là công đoạn khó nhất đó là phải làm sao cho cái cục bột bé bé kia lại chứa được cả cục nhân bằng cái chén. Thế mà bà chỉ cần cầm cục bột ấn vào giữa một cái, rồi cứ một tay ấn, một tay vê, chẳng mấy chốc cục bột được dàn mỏng, không cứ gì cái chén chứ tôi nghĩ to thêm gấp đôi khéo cũng vừa. Thấy bà làm dễ tôi cũng thử làm theo mà không bị vỡ thì cũng là không ôm được nhân. Bà nhìn tôi vật lộn buồn cười quá liền chỉ: "Cái này con phải ấn nhẹ thôi, ấn từ trong dàn dần ra ngoài, đừng ép nó một cái mỏng ngay. Muốn nhanh thì phải làm từ từ trước". Làm nhiều rồi tôi cũng thoăn thoắt như bà lúc nào không hay.
Sau đó, bà lấy một bát mỡ, bôi thành một khoảng rộng trên lá chuối rồi cho miếng bánh vào giữa, cuốn lá lại rồi vặn mép 2 bên sao cho mỗi bên đều có một cái sừng nhọn rồi dùng dây chuối cột lại ở giữa thế là xong. Đấy nhìn bà vặn mép thì dễ mà đến khi tôi làm lúc thì chưa kịp vặn bánh đã rơi ra khỏi lá do bôi nhiều mỡ quá, lúc thì méo mó, bẹp dí. Phải làm cùng bà mấy năm tôi mới có thể vặn được 2 mép có sừng đều nhau như bà.
Nặn xong, bà cho lên chõ xôi đồ. Việc của tôi lúc này chỉ là ngồi canh lửa cho đều. Cũng vì thế mà tôi bị nhớ mùi bánh nếp gói lá chuối nhất. Khi nước sôi, cái hương thơm dịu ngọt, ngai ngái đồng quê ấy cứ vây khắp người, bảo sao không nhớ cho được.
Cuối cùng, bánh cũng chín, bà lấy ra xếp từng cái lên mẹt tre để cho đỡ bị đọng nước. Mẻ bánh xong trời cũng xế chiều, cái bụng cũng bắt đầu réo. Bà chọn cái nào bị tòi bột để riêng cho tôi và bọn trẻ con xung quanh ăn trước, những cái đẹp, bà xếp vào đĩa đặt lên bàn thờ.
Bóc cái bánh ra cái mùi nếp lá chuỗi ngai ngái ấy lại càng kích thích vị giác. Bọn trẻ con chúng tôi cứ vừa bóc lá, vừa xuýt xoa vì nóng. Sau đó, phồng mồm trợn má lên thổi cho bánh nguội rồi vội vàng cắn. Miếng bánh dẻo mềm hòa quyện với phần đỗ bùi béo, ngọt dịu, nóng hổi, chao ôi ăn đứt mấy cái bánh ngoài tiệm kia.
Sau này khi lớn lên, dù có tự làm bánh tại nhà tôi cũng không làm sao làm lại được hương vị ấy. Không biết có phải do vị giác của mình thay đổi, do nguyên liệu không còn được ngon như xưa hay bởi… không được làm bởi bà nữa. Để rồi cứ mỗi mùa tết Hàn thực về, tôi lại nhớ da diết mùi bánh nếp gói lá chuối ngày xưa, về tuổi thơ hồn nhiên bên bà và về những ấm áp bên gia đình.