Tết Hoa của đồng bào Cống

Tết Hoa mào gà hay còn gọi là Tết Hoa, là Tết cổ truyền quan trọng trong năm của đồng bào dân tộc Cống tỉnh Ðiện Biên. Tết Hoa thường tổ chức vào khoảng cuối tháng 11 đầu tháng 12 dương lịch khi mùa màng đã thu hoạch xong. Ðây là dịp để đồng bào Cống bày tỏ sự biết ơn tổ tiên, cội nguồn. Ðồng thời tôn vinh bản sắc văn hóa tín ngưỡng truyền thống của đồng bào Cống.

Trong ngày lễ Tết Hoa, đồng bào dân tộc Cống (bản Púng Bon) trang trí nhà bằng hoa mào gà.

Trong ngày lễ Tết Hoa, đồng bào dân tộc Cống (bản Púng Bon) trang trí nhà bằng hoa mào gà.

Trưởng bản Púng Bon, xã Pa Thơm, huyện Ðiện Biên Quàng Văn Thiện cho biết: Theo phong tục của người Cống, trước Tết Hoa hơn một tháng, mỗi gia đình sẽ chọn những cặp sản vật ngon nhất, quý nhất của mùa vụ trong năm, như bí xanh, bí đỏ, khoai sọ, củ đậu, bánh chưng, gà, rượu. Cùng lúc này, thanh niên trai tráng trong bản bắt đầu rèn luyện sức khỏe để thi đấu các trò chơi dân gian trong lễ hội; phụ nữ Cống chuẩn bị chọn trang phục cho các thành viên trong gia đình mặc trong ngày Tết.

Tết Hoa gồm hai phần: lễ và hội. Phần lễ được tổ chức tại nhà thầy cúng hoặc trưởng dòng họ. Ngay từ sáng sớm, chủ lễ của mỗi gia đình sẽ lên nương hái hoa mào gà để trang trí nhà cửa, đường sá trong bản. Sau đó, chủ lễ tiếp tục mang lễ vật và hoa mào gà đến nhà thầy cúng chờ đến giờ tốt, thầy cúng đánh hồi chiêng báo hiệu lễ cúng Tết Hoa bắt đầu.Trong lời khấn, thầy cúng sẽ thay mặt dân bản báo cáo tổ tiên tình hình mùa màng trong năm và cầu xin năm tới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mọi người khỏe mạnh, an lành… Khi các nghi lễ chung kết thúc, thầy cúng lần lượt đi từng nhà thay lời gia chủ kính cẩn trước bàn thờ báo cáo và khấn cầu cho các gia đình.

Phần hội trong Tết Hoa được tổ chức với nhiều hoạt động: Múa hổ, múa thu hái, múa gieo hạt… và các môn thể thao như: Bắn nỏ, đi cà kheo, đẩy gậy, kéo co, đánh cù… Trong ngày Tết, cả bản tưng bừng không khí lễ hội, họ nắm tay nhau trong điệu xòe đoàn kết và cùng hát những làn điệu dân ca truyền trống rồi vãi hạt giống (thóc, ngô) khắp không gian chung quanh với mong ước bản làng bước sang một năm mới nhiều tốt lành như những trận mưa hạt giống trong lễ hội.

Tết Hoa không thể thiếu hoa mào gà - loài hoa mà tổ tiên người Cống quan niệm là biểu tượng của sự may mắn, tốt đẹp, là cầu nối hai thế giới âm - dương, là vật mở đường đưa tổ tiên đi từ thế giới thiêng về nơi thờ cúng trong bản và mỗi gia đình. Trước đây, Tết Hoa thường kéo dài từ ba đến bốn ngày, hiện nay thực hiện theo phong trào nếp sống văn hóa mới, đồng bào Cống chỉ tổ chức Tết Hoa trong một ngày một đêm, để người dân sớm trở lại lao động sản xuất theo nhịp sống đời thường.

Tại Ðiện Biên, hiện chỉ có ba xã: Pa Tần, huyện Nậm Pồ; Pa Thơm, huyện Ðiện Biên và xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé có đồng bào dân tộc Cống sinh sống tại năm bản. Với ý nghĩa, giá trị văn hóa của Tết Hoa, hằng năm đồng bào dân tộc Cống ở đây vẫn duy trì, giữ gìn nét đẹp truyền thống này. Tết Hoa của đồng bào dân tộc Cống ở Ðiện Biên đã vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, góp phần làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Ðiện Biên.

BÀI VÀ ẢNH: LÊ LAN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/dan-toc-mien-nui/item/42619702-tet-hoa-cua-dong-bao-cong.html