Tết là hy vọng...
Họ - những người từng lầm lỡ, phải trả giá bằng những năm tháng sống trong trại giam, xa gia đình, xa người thân yêu. Hơn ai hết, họ hiểu giá trị của sự tự do, của những phút giây sum họp gia đình. Cũng chính vì thế, họ luôn nỗ lực cải tạo tốt nhất để sớm trở về bên gia đình. Những ngày Tết, cũng là những giờ phút xao động nhất, nhớ nhà, nhớ người thân, họ được Ban Giám thị tổ chức cho vui chơi, tặng quà, trao thưởng, chúc Tết để vơi đi nỗi nhớ nhà, để họ tiếp tục có động lực cải tạo tốt hơn. Với họ, Tết là hi vọng...
Những ngày này, ở Trại giam Vĩnh Quang (huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) – đang rộn ràng sắc xuân. Trong vườn cây cảnh trước đơn vị, hoa đào chớm nở. Những cây hồng được chăm sóc rất khéo cũng trổ đầy hoa. Bên trong khu giam, buồng giam, các phạm nhân đang tất bật dọn dẹp để đón năm mới. Tường rào được quét vôi sáng trắng, được vẽ những hình ảnh vui nhộn trông thật bắt mắt. Ở hội trường của Phân trại số 1, các phạm nhân đang luyện tập văn nghệ chuẩn bị biểu diễn chào năm mới Quý Mão 2023.
Đang say sưa ôn bài hát “Người lái đò trên dòng sông hoàn lương”, phạm nhân Nguyễn Đức Tuấn Anh, quê ở phường Y Na, TP Bắc Ninh dừng lại nhìn chúng tôi cười, chào cán bộ. Phạm nhân này phạm tội giết người với bản án chung thân. Đến Tết Quý Mão này, Tuấn Anh đã ăn 20 cái Tết trong trại giam. Ở nhà không có năng khiếu gì đặc biệt, nhưng khi đi thi hành án ở Trại giam Vĩnh Quang, thấy một số phạm nhân khác tham gia tập văn nghệ, Tuấn Anh cảm nhận những bài hát, những khúc nhạc đã làm cho tâm hồn của mình sống lại, vui vẻ và tràn đầy quyết tâm hoàn lương. Chính vì vậy, Tuấn Anh đã xin phép cán bộ được tham gia vào Đội văn nghệ, được cán bộ dạy cho kiến thức cơ bản về đàn guitar, sau đó, anh tự mày mò học, tham khảo sách trên thư viện. Dần dà, không chỉ biết chơi guitar, Tuấn Anh còn biết sử dụng một số loại nhạc cụ khác, biết tự sáng tác bài hát. Đến nay, Tuấn Anh đã sáng tác được 10 bài hát, trong đó bài “Người lái đò trên dòng sông hoàn lương” là anh tâm đắc nhất, bởi đó là tình cảm, là sự yêu mến của anh đối với các cán bộ Trại giam Vĩnh Quang trong suốt thời gian thi hành án ở đây.
Một phạm nhân chơi nhạc khá ấn tượng, đó là Lê Thanh Tú, có giọng hát trầm ấm cũng như khả năng chơi đàn guitar khá điêu luyện. Trước đây, Lê Thanh Tú mở công ty chuyên về xây dựng và đảm nhiệm vai trò giám đốc. Với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Tú phải chấp hành bản án tù, cải tạo tại Trại giam Vĩnh Quang. Sau khi vào trại giam, Tú sống lặng lẽ, không tham gia vào các hoạt động của trại. Sau đó, được Ban Giám thị, cán bộ quản giáo động viên, Tú đã dần cải tạo tích cực. Với khả năng biết chơi guitar khá tốt từ thời sinh viên, lãnh đạo đơn vị đã tạo điều kiện cho Tú tham gia tổ văn nghệ. Cũng từ đấy, tư tưởng của Tú đã cải thiện rõ rệt, tích cực cải tạo.
Là người gắn bó cả đời với công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân, Đại tá Nguyễn Đức Phương, Giám thị Trại giam Vĩnh Quang hiểu đơn vị như chính cuộc đời của mình. Nơi đây, chính là ngôi nhà mà vợ chồng anh gắn bó, dành trọn tâm huyết. Cũng như anh Phương, nhiều lãnh đạo và CBCS ở Trại giam Vĩnh Quang đều lấy vợ, chồng cùng đơn vị bởi chỉ có những người cùng lĩnh vực công tác, cùng trải qua gian khổ, khó khăn mới hiểu và thông cảm được cho nhau. Ở cương vị Giám thị, hiểu rất rõ giao thừa là thời khắc nhạy cảm, nhất là đối với các phạm nhân – những người đang phải chịu sự quản lý, giáo dục nên đêm giao thừa, anh Phương cùng với các đồng chí trong Ban Giám thị đều xuống các phân trại để chúc Tết, tặng quà, động viên các phạm. nhân, giúp họ yên tâm cải tạo, làm lại cuộc đời.
Những ngày cận Tết, CBCS Trại giam Vĩnh Quang cũng phải tạm gác lại niềm vui, hạnh phúc bên gia đình, dành nhiều thời gian để quản lý, giáo dục, chăm lo cho đời sống của phạm nhân trong trại, đồng thời làm các thủ tục để đề nghị xét giảm án, tha tù cho những người đủ điều kiện. Tổ chức cho các phạm nhân làm báo tường, sửa sang, quét dọn, trang trí khu giam, buồng giam, gói bánh chưng, làm mâm ngũ quả đón Tết.
Đại tá Nguyễn Đức Phương cho biết, trong dịp Tết, căn cứ vào kế hoạch của Bộ Công an và Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, Cơ sở giáo dục bắt buộc, Trường Giáo dưỡng, đơn vị xây dựng kế hoạch đón Tết cho cán bộ và phạm nhân trong trại; phân công lực lượng trực theo quy định. Do đặc thù công việc, nhiều cán bộ quê ở xa, ít có điều kiện về thăm gia đình, nhưng anh, chị em đều xác định được tư tưởng và thực hiện nghiêm quy định đề ra, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đặc biệt nêu cao tinh thần trong những ngày trực Tết. Tổ chức cho phạm nhân vui chơi thể thao, văn nghệ nhằm tạo không khí vui tươi, lành mạnh, phấn khởi. “Trước Tết, chúng tôi yêu cầu các phân trại chủ động rà soát số phạm nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có gia đình thăm nuôi trong năm, số phạm nhân ốm đau thường xuyên, đang điều trị tại bệnh xá, bệnh viện, trích quỹ Tấm lòng vàng để tặng quà, động viên họ yên tâm cải tạo” - Đại tá Nguyễn Đức Phương cho biết.
Đặc biệt, ở Trại giam Vĩnh Quang, hiện có gần 400 phạm nhân có quốc tịch nước ngoài nên việc tổ chức ăn Tết cho họ cũng có phần đặc biệt. Đối với nhiều phạm nhân ngoại quốc thì việc ăn Tết cổ truyền Việt Nam khá mới lạ đối với họ. Chính vì vậy, khi được Trại phát bánh chưng, giò… họ ngạc nhiên và tò mò, sau đó tỏ ra thích thú với những phong tục tập quán của người Việt Nam. Họ cũng tập hát, tập đàn, tập nói tiếng Việt để giao tiếp. Đặc biệt, có nhiều phạm nhân còn hát những bài hát về cách mạng rất tròn vành rõ chữ. Như phạm nhân Ben, SN 1976, người Nigeria, bị án chung thân vì tội mua bán trái phép chất ma túy. “Sau khi bị bắt, vợ ly hôn, tôi buồn và tiêu cực lắm. “Nhưng các cán bộ đã động viên tôi. Dần dần, tôi lấy lại tinh thần. Tôi cải tạo khá nên hi vọng sẽ được đặc xá. Nếu được đặc xá, tôi sẽ ở lại Việt Nam. Tôi thấy yêu Việt Nam như quê hương của mình”, Ben chia sẻ. Ben cũng tham gia đội văn nghệ, hát được rất nhiều bài hát về quê hương Việt Nam, anh thích nhất là hát Quốc ca, dù lúc đầu chưa hiểu nghĩa nhưng thấy giai điệu hay, hào hùng nên cố ghi nhớ và học thuộc, sau đó nhờ cán bộ giảng giải ý nghĩa. “Giờ thì tôi hát Quốc ca Việt Nam tốt lắm rồi, hiểu cả ý nghĩa của bài hát. Cán bộ giải thích kỹ lắm nên tôi hiểu, thấy hay và hát rất dõng dạc trong mỗi sáng thứ hai chào cờ. Tôi phạm tội trên đất Việt Nam nên phải trả giá, nhưng đất nước, con người Việt Nam đã giúp đỡ tôi rất nhiều” - phạm nhân này nói.
Còn phạm nhân Stanley Chidi, quốc tịch Nigeria bị kết án 4 năm tù vì tội rửa tiền cho biết, anh ta đã đón cái Tết thứ 2 trong Trại giam ở Việt Nam nhưng vẫn chưa hết ngạc nhiên về phong tục ăn Tết cổ truyền của người Việt Nam. “Chúng tôi được phát giò, thịt gà, thịt đông, bánh chưng…, những thứ này nước tôi không có. Lúc đầu tôi thấy lạ chưa dám thử nhưng khi ăn thấy rất ngon miệng. Ngày Tết, chúng tôi được nghỉ lao động, được vui chơi. Tôi không biết hát hay chơi thể thao gì cả nhưng được xem các phạm nhân khác biểu diễn. Vui lắm. Tôi không có người nhà đến thăm hay gửi quà nhưng cán bộ tốt lắm, rất thân thiện. Cán bộ dạy tôi làm mây tre đan, đồ mỹ nghệ. Tôi không ngờ, trong tù mà chúng tôi được đối xử tốt như vậy” – phạm nhân này cho biết.
Bà chủ quán bar Hương Xuân – nơi từng là “động lắc” bị Công an Hà Nội phát hiện, bắt quả tang vào năm 2005 – phạm nhân Nguyễn Thị Hương Xuân cho biết, đây là cái Tết cuối cùng trong trại giam của mình, bởi vào tháng 9/2023 sẽ hết án, được ra trại. “Cán bộ thân thiện, mới hôm qua tặng quà cho chị em chúng tôi, tất cả chị em đều được tặng quà. Đó là các đồ dùng cá nhân hằng ngày. Chúng tôi rất cảm động và biết ơn các cán bộ đã động viên, giáo dục, tạo điều kiện cho chúng tôi hoàn lương”. Nguyễn Thị Hương Xuân thay mặt các phạm nhân nữ nói lời cảm ơn tới Ban Giám thị Trại giam Vĩnh Quang đã tạo điều kiện hết mức để họ làm lại cuộc đời.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/tet-la-hy-vong--i680010/