Tết muộn của người bán hoa, cây cảnh
Năm nào cũng thế, tiểu thương bán cây cảnh phải đón Tết muộn để vớt vát những đồng vốn đã bỏ ra, không ít người ở xa còn không kịp về nhà đêm giao thừa.
Thậm chí, sau khi bỏ hàng trăm triệu đồng nhập hàng, mất cả một năm chăm bẵm, người bán hoa cây cảnh Tết như đang chơi một canh bạc mà nếu thua lỗ thì cái Tết cũng chẳng thể nguyên vẹn.
Cứ Tết là xa nhà
Với những người làm nghề bán hoa cây cảnh, mỗi dịp Tết Nguyên đán đến gần là thời điểm họ tất bật và bận rộn hơn nhất năm. Bởi lẽ, đây là mùa thu nhập chính, buộc họ phải bỏ nhiều công sức và tiền bạc hơn bao giờ hết để kiếm lời, rồi lại lấy vốn nhập hàng cho năm sau.
Trò chuyện với PV VTC News, ông Vũ Văn Hiệp (Nam Trực, Nam Định) cho biết năm nào cả gia đình ông cũng nhập các mặt hàng hoa cây cảnh về để bán trong dịp Tết Nguyên đán, những mặt hàng này có thể là bưởi cảnh, đào hay quất bonsai…Theo ông Hiệp, do gia đình không trồng những giống cây này vì thế ông đã phải đi xem và đặt mua cây từ trước Tết cả tháng trời.
“Trước đây tôi có kinh doanh những loại cây nhỏ hơn như quất và đào, nhưng nhận thấy hiệu quả kinh tế không cao nên vài năm gần đây tôi chuyển sang nhập những loại cây to như bưởi, đào rừng hay đào cổ thụ. Vốn nhập cho những chuyến hàng bán Tết lên tới vài trăm triệu đồng và việc vận chuyển cũng rất vất vả”, ông Hiệp noíy.
Vì thị trường gần Hà Nội và Nam Định đã có quá nhiều người kinh doanh mặt hàng này nên để tăng lợi nhuận kinh tế, ông Hiệp phải đưa cây của mình tới những tỉnh xa hơn như Lạng Sơn, Thanh Hóa...Do đó, việc đón Tết đúng đêm giao thừa cùng cả nhà với ông là điều xa xỉ. Ông chỉ mong về nhà không quá muộn để vẫn kịp ăn Tết bên người thân.
Cũng thường xuyên đưa cây cảnh đi bán xa nhà mỗi dịp Tết, ông Đỗ Duy Chức (Nam Trực, Nam Định) còn phải tìm tới tận thị trường Đồng Nai, Bình Dương để mong muốn dễ tiêu thụ hơn.
Mỗi chuyến đi như thế, ông Chức phải chuẩn bị cả tháng trời từ nguồn hàng, nhân lực đến kinh tế và quan trọng nhất là sức khỏe. Theo ông Chức, vụ cây Tết sẽ sôi động từ 15/12 âm lịch tới tận thời điểm gần giao thừa, vì thế những ngày này, người trong gia đình ông đều phải gác lại hết công việc để tập trung vào vụ mùa.
“Chỉ tính chi phí ăn uống, di chuyển chúng tôi đã phải bỏ ra tới vài chục triệu đồng. Kể cả tiền nhập hàng để bán thì lên đến vài trăm triệu. Có lúc phải đi vay, có lúc dốc hết tiền bạc trong nhà ra để đánh cược một chuyến”, ông Chức chia sẻ.
May mắn hơn khi không phải nhập hàng để bán, ông Nguyễn Văn Hưng (Nam Trực, Nam Định) đã thuê hơn 1 mẫu đất để trồng quất cảnh bán mỗi dịp Tết về.
Theo ông Hưng, việc chăm sóc cho giống cây quất này tốn rất nhiều công sức, hơn nữa giá trị của chúng lại không cao, chỉ từ vài triệu đồng. Mỗi vụ mùa, gia đình ông Hưng có thể thu về vài trăm triệu đồng. Tuy nhiên, trừ chi phí thì thu nhập chỉ có thể coi là lấy công làm lãi.
“Từ nhỏ đến giờ, mình đã lớn lên cùng vườn quất, vườn đào. Nó là cái nghề rồi, không làm cũng không biết làm gì cả. Chỉ mong sao có thể trồng được những cây quất thật đẹp để người ta thích, người ta mua bày trong nhà dịp tết mình cũng vui rồi. Những năm gần đây, kinh tế phát triển, người ta chú trọng đến việc chơi cây hơn, nên cũng dễ bán hơn nhiều”, ông Hưng tâm sự.
Tuy yêu nghề nhưng ông Hưng cũng không tránh khỏi sự chạnh lòng vì năm nào cũng phải đón Tết muộn, năm nào cũng phải chứng kiến cảnh người người nô nức sắm sửa, dọn dẹp chuẩn bị Tết còn mình không biết lúc nào mới có thể về nhà. "Cũng hơi buồn nhưng mỗi nghề có một đặc thù riêng. Như chúng tôi đúng là vất vả trước Tết thật nhưng sau đó lại có thời gian rất dài để nghỉ ngơi, hồi sức", ông Hưng vui vẻ nói.
Lo ngay ngáy mất Tết
Đằng sau những mức thu nhập lên tới cả chục triệu cho đến hàng trăm triệu đồng của nông dân, tiểu thương bán hoa, cây cảnh Tết là những câu chuyện mang đầy sự lam lũ, vất vả.
Ông Đỗ Duy Chức nói: “Nếu mình không đi xa thì không có thu nhập, mình bán nhiều năm đã có khách hàng quen ở thị trường này rồi nên không bỏ được. Có những khách đến chiều 30, gần đêm giao thừa họ mới có thời gian đi mua cây quất, cây đào về chơi Tết. Còn người mua, chúng tôi còn phải bán, dù muộn cũng cố trụ lại với hy vọng mong hết hàng vì thêm cây nào là tăng thu nhập cây đó”.
Theo Ông Chức, không chỉ riêng ông, ở làng nghề cây cảnh Điền xá, những ngày gần Tết thường vắng bóng đàn ông và thanh niên bởi tất cả đều đang theo những chuyến cây đi xa bán Tết cho người.
“Ai may mắn hết hàng sớm thì cũng chỉ về nhà trước giao thừa được vài tiếng, còn không thì ăn Tết trên xe, ngoài vỉa hè nơi mình bán hàng. Những lúc đó, nhớ nhà, thèm đón giao thừa ở nhà lắm anh ạ”, ông Chức thở dài.
Trong khi đó, ông Vũ Văn Hiệp lại trầm tư kể về nỗi lo ế ẩm. “Tôi đã trải qua nhiều năm ế đến 1/3 xe hàng, mang về không được, bán không ai mua. Tôi đành phải chặt bỏ, đem gốc về trồng chấp nhận mất Tết”, ông Hiệp nói.
Cứ thế, năm này qua năm khác, những người đeo đuổi nghề bán hoa, cây cảnh lại miệt mài “bán Tết” của mình, chấp nhận đón Tết muộn để giúp khách hàng đón năm mới một cách trọn vẹn.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/tet-muon-cua-nguoi-ban-hoa-cay-canh-ar736880.html