Tết này hơn hẳn những Tết qua!..
Mặt trời vươn quá đỉnh đầu, ông K' Brèn (thôn 3, xã Tân Thượng, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) với đôi tay thoăn thoắt, dùng cào đảo đều từng vạt quả cà phê đang phơi ngoài sân. Lâu lắm rồi, gia đình K' Brèn mới trúng vụ cà phê lớn tới vậy. Ông quả quyết, Tết này phải ăn lớn, hơn hẳn mọi Tết qua!..
Ông K’ Brồi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thượng, huyện Di Linh hăm hở đưa chúng tôi băng qua những rẫy cà phê cuối mùa thu hoạch để đi vào địa phận thôn 2 và thôn 3. Đây là vùng chuyên canh cà phê lớn nhất xã Tân Thượng với phần đông là bà con đồng bào K’ho sinh sống. Sự khởi sắc trong vùng dân tộc thiểu số ở Tân Thượng được minh chứng rõ ràng qua từng con đường liên xã, liên thôn và cả lối vào các xóm nhỏ, phần lớn đều đã được mở rộng, trải nhựa hoặc bê tông sạch sẽ.
Tân Thượng cũng xuất hiện ngày càng nhiều gia đình xây cất được nhà cửa khang trang theo dạng biệt thự. Nhà nào cũng có máy cày phục vụ sản xuất nông nghiệp, không ít gia đình nay còn mua được cả xe hơi trị giá hàng trăm triệu đồng.
“Cuộc sống của bà con ngày càng đầy đủ. Bây giờ, cái người dân hướng tới chính là đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng đời sống bằng cách đáp ứng thỏa mãn những nhu cầu về vật chất và tinh thần hằng ngày!..”, ông K’ Brồi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thượng vui mừng chia sẻ.
Xe chở chúng tôi đang bon bon trên con đường trải nhựa phẳng lì, bỗng K’ Brồi nói giật lại: “Ghé nhà K’ Brèn xem năm nay cà phê thế nào!.. Gia đình này vừa được lựa chọn là gương sản xuất điển hình tiên tiến của xã đấy!..”. Ngay lúc đúng ngọ, nắng nóng cao nguyên gay gắt mà K’ Brèn vẫn cần mẫn làm việc. Để đạt được danh hiệu hộ kinh doanh, sản xuất giỏi của xã Tân Thượng, hẳn K’ Brèn đã phải nỗ lực rất nhiều.
Siêng năng, sẵn sàng khắc phục khó khăn, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đạt được hiệu quả cao nhất là những điều kiện cơ bản không thể thiếu đối với một nông sản giỏi. Vì thế, dù giữa trưa nắng nhưng các thành viên trong gia đình ông vẫn cần mẫn lao động. Mỗi người một việc, ngày mùa họ bận bịu từ lúc sáng sớm cho tới khi mặt trời đã khuất xa sau núi thiêng Brăh Yàng.
Ông K’ Brèn dùng cào đảo đều từng vạt quả cà phê đang được phơi giữa sân. Bên kia, tiếng máy nổ hoạt động hối hả đang xay xát, bóc tách nhân cà phê sang hàng thương phẩm cho gia đình ông. Trên rẫy, những vạt cà phê cuối cùng cũng đang được người làm thuê cho gia đình K’ Brèn thu hái, đóng bao để vận chuyển về nhà.
Ở địa phương, K’ Brèn thường thu hoạch cà phê trễ nhất. Ông phải đợi trái chín đều, căng mọng để đảm bảo chất lượng và đạt năng xuất như mong muốn. Năm nay, ngay khi cà phê được thu hoạch, nhiều gia đình đã thuê người hái thật nhanh để bán quả tươi cho được giá cao. Kinh nghiệm chỉ ra rằng, thông thường cứ vào chính vụ, giá cà phê sẽ giảm mạnh. Vì thế, không ít gia đình đã tuốt cả quả cà phê còn xanh để bán. K’ Brèn ra sức ngăn cản và phản đối cách làm này.
Ông cho rằng, thu hoạch cả cà phê còn xanh không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng, thương hiệu chung của cà phê Lâm Đồng mà thực chất còn gây thiệt hại lớn cho chính nhà nông. Nguyên nhân là do tỉ lệ hao hụt rất cao so với loại cà phê đã chín mọng, căng đều.
Khác với những năm trước, năm nay về cuối vụ, giá cà phê càng lên cao, lập đỉnh sau hàng chục năm. Đây là tín hiệu đáng mừng cho bà con trồng cà phê như gia đình K’ Brèn. Với 3,5ha, vụ này hộ ông K’ Brèn thu hoạch tới 1.000 bao, tương đương 14 tấn cà phê nhân. Giá cao ngất ngưởng như hiện nay (gần 80.000 đồng/kg), ông K’ Brèn dự kiến sẽ thu về hơn 1 tỷ đồng. Đây là số tiền cao nhất mà gia đình nông dân này có được sau hàng chục năm chuyên canh sản xuất cà phê. Chính vì thế, khi chúng tôi hỏi: Năm nay ăn Tết thế nào? Chẳng phải đắn đo suy nghĩ, K’ Brèn đáp nhanh: Mổ heo là chuyện nhỏ, mình đang tính tới chuyện phải mổ thêm bò nữa kìa!.. Năm nay cà phê trúng lớn mà!..”.
Niềm hân hoan vì cà phê năm nay có giá cao ngất ngưởng lan tỏa tới từng gia đình trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Tân Thượng, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Nó trở thành động lực, tiếp sức cho bà con đẩy mạnh tăng gia sản xuất. Do đó, vừa thu hoạch xong cà phê và tích trữ đầy kho, cả nhà K’Linh (thôn 2, xã Tân Thượng) cùng nhiều gia đình khác đã vội vã lên rẫy từ sáng sớm. Công việc của họ bây giờ là bấm ngọn, cắt tỉa cành khô, chờ qua Tết là tưới nước, bón phân cho cà phê bung chồi, nở hoa, nối tiếp vụ mới.
Những tiếng cười giòn giã của bà con vang lên trong nắng vàng sau mùa thu hoạch cà phê chính là tín hiệu rõ ràng của mùa xuân đã về. Trên rẫy cà phê ở vùng xa Tân Thượng, bà con đồng bào K’ho lại rộn rã nghênh đón những lễ hội truyền thống, gắn liền với các hoạt động chào mừng năm mới 2024 của chính quyền địa phương. Cuộc sống của bà con Tân Thượng đã có nhiều khởi sắc. Càng vững tin hơn khi nhiều người, trong đó có K’Brèn tuyên bố Tết này phải ăn lớn, hơn hẳn mọi Tết qua vì trúng mùa cà phê.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/tet-nay-hon-han-nhung-tet-qua--i722601/