Tết ở Sài Gòn

Hơn 30 năm sống và làm việc tại Sài Gòn, thế nhưng họa hoằn lắm tôi mới ở lại ăn tết ở thành phố này. Đó là những năm còn học đại học và một vài lần vì công việc phải ở lại ăn tết Sài Gòn.

Minh họa: HUỲNH DŨNG NHÂN

Tết của những người còn gốc gác, gia đình ở quê nhưng sống và làm việc tại Sài Gòn thường tới rất sớm. Từ cuối tháng 10 âm lịch đã rục rịch, chộn rộn không khí tết khi mọi người gặp nhau đã hỏi thăm khi nào về tết, mua vé chưa và chia sẻ, hẹn hò nhau tết năm nay sẽ về quê chơi đâu, làm gì… Những người quê có nhà ở Sài Gòn thì thường ở lại cúng tất niên, cúng đầu năm rồi mùng 1, mùng 2 cũng kéo nhau về quê ăn tết.

Khi những chuyến xe, chuyến tàu cuối chở người dân các tỉnh về quê ăn tết, khi mà các cửa ngõ ra vào thành phố không còn ùn tắc…, Sài Gòn thảnh thơi hẳn ra, đường sá thông thoáng và lạ lẫm hẳn ra.

Tết Sài Gòn thường bắt đầu từ sau 23 tháng Chạp, khi các đường hoa đã bày bán tết, các tụ điểm vui chơi đã bày biện sẵn sàng. Miền đất phương Nam nắng ấm này từ xưa đã ưa chuộng hoa cúc. Nhiều gia đình Sài Gòn chọn một hai chậu hoa cúc trưng trước cửa nhà. Một số người khác chơi mai thì vào những ngày cuối năm, các nhà vườn ở xa tất bật chở mai tới giao cho gia chủ sau một năm gởi cho nhà vườn chăm sóc.

Miền đất phương Nam đa dạng hoa trái nhưng người Sài Gòn vẫn ưa chuộng dưa hấu và bưởi để trưng trên bàn thờ trong những ngày tết. Dưa hấu, bưởi được chở lên từ các tỉnh miền Tây, miền Đông vào dịp tết và chất thành đống cao trên đường phố. Bánh mứt được các gia đình chuẩn bị đơn giản, bánh chưng, bánh tét thường được đặt mua cúng tết.

Dịp tết, các đội lân sư rồng ăn nên làm ra và thể hiện kỹ năng biểu diễn siêu việt trên đường phố vào dịp tất niên và khai trương năm mới. Đây cũng là một nét khác lạ, độc đáo của tết Sài Gòn. Đa số đội lân sư rồng này là của những người gốc Hoa, Chợ Lớn.

Khác ở quê, cảm giác tết ở Sài Gòn qua đi rất nhanh. Trừ đêm giao thừa người dân đổ ra đường xem pháo hoa và tiệc tùng tới sáng, còn lại những ngày tết Sài Gòn vắng vẻ, bình yên đến lạ kỳ. Có cảm giác là tết kết thúc ngay sau đêm giao thừa vì chỉ có các tụ điểm tập trung, xem phim, ca nhạc... là đông người, còn hầu như đường sá khắp thành phố đều vắng hoe, quán xá hầu như đóng cửa, nhà nhà đóng cửa...

Tìm quán ăn trong ba ngày tết ở Sài Gòn cũng là việc khó khăn. Chúng tôi vẫn thường nói vui với nhau rằng: Tết Sài Gòn thì có ra giữa đường mà ngồi uống cà phê hay nhậu cũng chẳng hề hấn gì để phóng đại cái vắng vẻ, yên bình của Sài Gòn những ngày tết.

Những năm gần đây, khi tết về, thành phố tổ chức thêm đường hoa, đường sách, phố ông đồ… tạo điều kiện cho người dân Sài Gòn có thêm những điểm vui chơi, trải nghiệm mới.

Theo nhạc sĩ Châu Đăng Khoa, một người Sài Gòn gốc, thì “Tết ở Sài Gòn thường chỉ có giới trẻ đi chơi ở các tụ điểm, ăn uống…, còn những người lớn tuổi thường chỉ ở nhà xem phim, đọc sách... Tết, con cái mới có thời gian rảnh nên mọi người tập trung ăn uống, quây quần bên nhau. Dù không làm gì nhưng khó đi xa được vì có khách khứa, bà con tới thăm. Cơ bản là ngày tết Sài Gòn không náo nhiệt nhưng thích hơn vì là dịp hiếm hoi được sống trong một Sài Gòn vô cùng bình yên, không ồn ào, tấp nập”.

HUỲNH KHANG

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/313168/tet-o-sai-gon.html