Tết ở 'xóm chạy thận'

Ở ngoài kia, quất, đào đang xuống phố, người người ngược xuôi mua sắm chuẩn bị đón Xuân, nhưng ở "xóm chạy thận" này, các bệnh nhân đang phải vật lộn với bệnh tật, bữa ăn của họ đa phần... là thuốc.

Tôi gọi khu dãy trọ cấp 4, ẩm thấp thuộc đường Lý Nhân Tông, tổ 15, phường Minh Khai (thành phố Hà Giang) là "xóm chạy thận", bởi có 15 bệnh nhân bị bệnh suy thận, gắn bó với nhau trong 2 dãy trọ suốt cả năm trời, cùng sẻ chia buồn vui trong cuộc sống. Mấy hôm nay, rét đậm, rét hại kéo dài, một chiếc bếp củi nhỏ được nhóm giữa sân để vừa đun nước sôi cho sinh hoạt hàng ngày, vừa sưởi ấm. Trên gương mặt khắc khổ, kém sắc vì bệnh, còn hiện rõ những nỗi buồn sâu kín. Họ tuy đến đây từ nhiều địa phương trong tỉnh, có người ở tận Cao Bằng, họ ở nhiều độ tuổi khác nhau, từ cậu thanh niên mới ngoài 20 đang phơi phới sức xuân, hoài bão, đến những ông, bà đã ngoài 70; nhưng họ có điểm chung là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và mang trong mình trọng bệnh, phải làm bạn với bệnh viện 2 - 3 lần/tuần, đều đặn để chạy thận, duy trì sức khỏe, sự sống và sinh hoạt bình thường. Bởi vậy, là xóm trọ nhưng thực chất như nhà của họ, bởi họ ở đây quanh năm, suốt tháng.

Các nhà hảo tâm trao quà Tết cho các bệnh nhân chạy thận.

Các nhà hảo tâm trao quà Tết cho các bệnh nhân chạy thận.

Xóm có hơn chục phòng, mỗi phòng bé chưa đầy 10m2. Giá phòng trọ ở đây là 300 nghìn đồng/tháng, tiền sinh hoạt phí hàng tháng từ 1 - 2 triệu đồng/người. Với hoàn cảnh hộ nghèo, đó thực sự là "gánh nặng" với nhiều gia đình. Vì sức khỏe yếu, không đủ để mưu sinh kiếm tiền trang trải cuộc sống, nên sinh hoạt phí đều trông cậy cả vào người thân.

Ông Thèn Văn Chà, thôn Cốc Mây, xã Pờ Ly Ngài (Hoàng Su Phì) là bệnh nhân chạy thận hơn 1 năm nay, ông Chà chia sẻ: "Nhà tôi cận nghèo, nhà có 6 nhân khẩu trong đó 4 đứa trẻ còn đi học, tôi là lao động chính. Từ khi biết mình bị suy thận, phải ra đây để chạy chữa, thì gia đình càng thêm vất vả hơn, mỗi tháng hết hơn 2 triệu tiền sinh hoạt phí, tiền thuốc nhưng vì sức khỏe không đảm bảo, không làm thêm được việc gì nên trông cậy cả vào gia đình".

Lò Ngọc Trường, sinh năm 2000, hộ nghèo, xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ) là người đã phải chạy thận 4 năm nay. Trên gương mặt của chàng thanh niên mới 24 tuổi không chỉ hiện rõ sự nhợt nhạt, kém sắc vì bệnh tật mà cả nỗi buồn số phận. Trường tâm sự: "Lẽ ra, em giờ là lao động chính trong nhà, có thể đi làm kiếm tiền giúp đỡ bố mẹ, nhưng lại phải ở đây chữa bệnh, mọi sinh hoạt phí đều trông chờ vào sự hỗ trợ của người dân, các mạnh thường quân. Nhiều lúc em cũng muốn ra ngoài tìm thêm việc gì nhẹ nhàng, kiếm thêm tiền trọ, nhưng 2 - 3 hôm phải vào viện chữa bệnh 1 lần, mà sức khỏe yếu nên cũng không tìm được việc gì phù hợp".

Khu nhà trọ xuống cấp, ẩm thấp của các bệnh nhân chạy thận.

Khu nhà trọ xuống cấp, ẩm thấp của các bệnh nhân chạy thận.

Chị Ma Thị Quyến, xã Nam Quang, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) thì Tết này ăn Tết luôn ở bệnh viện. Chị Quyến kể trong nước mắt: "Vì lịch chạy thận vào mùng 1 Tết, lại đường xa, say xe, về được 1 - 2 hôm ra lại ốm, không đảm bảo sức khỏe, nên ăn Tết ở đây thôi. Nhà nghèo, con phải bỏ học đi làm kiếm tiền nuôi mẹ, nhớ nhà, nhớ chồng con nhưng biết làm sao được. Tết cả nhà sẽ ra thăm tôi, Tết giờ cũng chỉ mong có sức khỏe, chẳng cần gì khác".

Tôi đến thăm các bệnh nhân ở "xóm chạy thận" khi có một số nhà hảo tâm cũng đang đến đây trao quà Tết. Chị Nguyễn Thu Thủy (nhà thuốc Thu Thủy), tổ 10, phường Minh Khai (thành phố Hà Giang) chia sẻ: "Tôi biết đến hoàn cảnh của các bệnh nhân từ lâu, họ thực sự rất đáng thương; tôi thường xuyên kết nối các nhà hảo tâm, cá nhân, doanh nghiệp, bạn bè kêu gọi, hỗ trợ, trao quà cho mọi người, đợt này chúng tôi quyên góp được một ít tiền, quần áo ấm, chăn, nhu yếu phẩm, bánh kẹo, mong muốn các bệnh nhân đều cảm nhận được sự ấm áp, sẻ chia khi Tết đến cận kề".

Nói về những cái Tết ở "xóm chạy thận", Trường cười xòa: “Tết thì có năm ở lại, có năm không, có người ở lại, người về còn tùy vào lịch chạy thận; về thì cũng được mỗi 1 - 2 ngày rồi lại phải xuống luôn. Ở đây, các cô, bác, anh, chị, nhà hảo tâm cũng tặng quà ăn Tết, nhưng Tết vắng lắm, người ta đi chơi, còn mình thì cứ ở suốt trong phòng, buồn lắm".

Những bữa ăn của bệnh nhân suy thận đa phần là thuốc, Tết có thể thiếu bánh chưng nhưng bệnh nhân chạy thận không thể thiếu thuốc. Mong các nhà hảo tâm, mạnh thường quân cùng tiếp tục sẻ chia, tiếp thêm động lực để các bệnh nhân tiếp tục chiến đấu với "tử thần", giành giật sự sống, đón một cái Tết xa nhà đầy đủ, ấm áp tình người giữa lòng thành phố.

Bài, ảnh: BIỆN LUÂN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202402/tet-o-xom-chay-than-52e5243/